|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tuần quan trọng với chứng khoán Mỹ: Lãi suất Fed, tăng trưởng GDP, lợi nhuận của hàng trăm tập đoàn lớn cùng được công bố

12:27 | 24/07/2022
Chia sẻ
Trong tuần 25 - 29/7, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đón nhận hàng loạt thông tin quan trọng bao gồm số liệu GDP quý II; kết quả kinh doanh của các ông lớn như Boeing, Microsoft, Alphabet, General Electric, …; và đáng chú ý nhất là quyết định lãi suất của Fed.

 

Ông Leo Grohowski, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản BNY Mellon Wealth Management, chia sẻ với CNBC: “Tôi nghĩ tuần sau sẽ là một trong những tuần trọng đại nhất với thị trường chứng khoán Mỹ trong mùa hè này bởi có nhiều số liệu kinh tế liên quan tới GDP, lạm phát và bất động sản được công bố; Fed họp bàn về lãi suất; và 175 công ty trong chỉ số S&P 500 báo cáo lợi nhuận”.

Nhà đầu tư sẽ chú ý theo dõi các thống kê kinh tế để đánh giá xem Mỹ đang rơi vào một cuộc suy thoái hay đã suy thoái rồi.

Ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II được công bố vào thứ Năm (28/7). Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dùng làm thước đo lạm phát được thông báo vào sáng 29/7, cùng lúc với chỉ số chi phí của chủ lao động.

Giá nhà ở và doanh số bán nhà xây mới được công bố vào 26/7 và chỉ số tâm lý người tiêu dùng vào 29/7.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed sẽ bắt đầu họp từ sáng 26/7 và công bố quyết định về lãi suất và cung tiền vào chiều 27/7, đây là sự kiện được nhà đầu tư chú ý nhất trong tuần tới và thị trường chứng khoán thường biến động mạnh khi có thông tin liên quan tới Fed cũng như lãi suất.

Các nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ từng cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản (tức 1 điểm %) trong cuộc họp sắp tới. Tuy nhiên, một số quan chức Fed đã tỏ ý không đồng tình với dự báo này, và nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ chỉ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản như đã làm trong cuộc họp tháng 6.

Fed đã tăng lãi suất ba lần kể từ đầu năm, chuẩn bị nâng lần thứ 4 sau cuộc họp ngày 26-27/7.

CNBC dẫn lời ông Leo Grohowski nói: “Rõ ràng là quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản đã được phản ánh vào giá trong tuần sau. Tôi nghĩ câu hỏi lúc này là chuyện gì sẽ xảy ra vào tháng 9. Nếu Fed thắt chặt quá mạnh trong thời gian quá dài, chúng ta sẽ cần nâng ước tính xác suất suy thoái trong 12 tháng tới, từ mức 60% hiện nay lên cao hơn”.

Fed đang thực hiện kế hoạch thắt chặt tiền tệ mạnh tay nhất trong nhiều thập kỷ. Biểu đồ bên trên cho thấy từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã ba lần nâng lãi suất, lần sau mạnh hơn lần trước.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gây bất ngờ khi tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào ngày 21/7, gấp đôi mức thị trường dự báo. Một ngày sau, Chủ tịch ECB Christine Legarde phát biểu trước báo giới: “Chúng tôi sẽ nâng lãi suất cho đến khi nào lạm phát quay lại mức mục tiêu của chúng tôi”.

Tháng 6 vừa qua, tỷ lệ lạm phát tại khu vực đồng Euro là 8,6%, mục tiêu của ECB là 2%.

Nhà đầu tư đang phân tích xem chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed và các ngân hàng trung ương khác đã gây ra suy thoái hay chưa. Vì vậy, các số liệu kinh tế được thông báo trong tuần tới càng có ý nghĩa quan trọng.

GDP giảm hai quý liên tiếp?

GDP của Mỹ đã giảm 1,6% trong quý I. Nếu GDP tiếp tục đi xuống trong quý II, nhà đầu tư sẽ coi nền kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái.

Mô hình dự báo GDPNow của Fed chi nhánh Atlanta cho rằng tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng âm 1,6% trong quý II. Trái lại, các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát cho rằng GDP tăng nhẹ 0,3%.

GDP của Mỹ có nguy cơ giảm hai quý liên tiếp.

Cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định thời điểm suy thoái kinh tế bắt đầu và kết thúc là Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER). Ông Leo Grohowski cho biết NBER xem xét nhiều yếu tố chứ không chỉ có tăng trưởng GDP.

Bà Diane Swonk, Kinh tế trưởng của KPMG, dự báo GDP của Mỹ giảm 1,9% trong quý II nhưng cho rằng nền kinh tế vẫn chưa rơi vào suy thoái vì tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn thấp, cần phải tăng thêm ít nhất 0,5 điểm %.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện nay vẫn tương đối thấp.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong tuần trước với chỉ số S&P 500 đi lên 2,6%, Dow Jones và Nasdaq Composite cũng thêm lần lượt 2% và 3,3%.

Thông tin từ các tập đoàn khổng lồ không chỉ có lợi nhuận

4 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất nước Mỹ là Apple, Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Amazon sẽ công bố lợi nhuận lần lượt vào ngày 26 và 28/7. Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) công bố kết quả kinh doanh vào hôm 27/7, trùng với ngày Fed thông báo quyết định lãi suất.

Tổng cộng có hơn 1/3 số doanh nghiệp thành viên của chỉ số S&P 500 sẽ công khai số liệu tài chính quý II trong tuần tới.

Microsoft và Alphabet sẽ công bố lợi nhuận vào ngày 26/7, Apple và Amazon vào ngày 28/7.

CNBC dẫn lời ông Leo Grohowski, nhận định: “Tôi nghĩ những điều mà các doanh nghiệp lớn tiết lộ về triển vọng tương lai sẽ quan trọng hơn là con số lợi nhuận trong quá khứ”.

Trong bối cảnh lạm phát đang ở đỉnh 4 thập kỷ, người tiêu dùng đang phải tăng cường vay nợ và giảm tiết kiệm chỉ để duy trì mức mua sắm như trước đây. Trong thời gian tới, xu hướng chi tiêu của các hộ gia đình có thể không còn được như trước.

Trong số các doanh nghiệp trong S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý II, khoảng 75,5% có lợi nhuận cao hơn dự báo của giới phân tích, số liệu từ Refinitiv cho thấy.

Các chỉ số cổ phiếu đi lên trong tuần qua nhưng lợi suất trái phiếu tiếp tục đi xuống khi nhà đầu tư lo ngại nguy cơ suy thoái.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 2,76% trong phiên 22/7 sau khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất của châu Âu và Mỹ vẽ nên một bức tranh ảm đạm về nền kinh tế. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là mức lợi suất thấp nhất kể từ cuối tháng 5 đến nay.

Giá trái phiếu biến động ngược chiều với lợi suất. Khi lợi suất giảm thì giá tăng, cho thấy nhà đầu tư lo sợ suy thoái nên tìm mua các tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu thay cho tài sản rủi ro như cổ phiếu.

Lợi suất suy giảm khi nguy cơ suy thoái lên cao.

Các sự kiện quan trọng với chứng khoán Mỹ trong tuần tới

Ngày 25/7:

Kết quả kinh doanh của: Newmont Goldcorp, Squarespace, Whirlpool, NXP Semiconductor, TrueBlue, F5

Ngày 26/7:

Kết quả kinh doanh của: Microsoft, Alphabet, Coca-Cola, McDonald’s, General Motors, 3M, UPS, PulteGroup, Raytheon Technologies, Texas Instruments, Archer-Daniels-Midland, Chubb, Chipotle Mexican Grill, Mondelez International, Canadian National Railway, Pentair, LVMH, Paccar, Kimberly-Clark, Albertsons, General Electric, Ameriprise, Teradyne, Ashland, Boston Properties, FirstEnergy, Visa

Fed bắt đầu họp phiên thường kỳ.

Công bố số liệu giá nhà S&P/Case-Shiller, số liệu giá nhà FHFA, doanh số bán nhà xây mới, niềm tin người tiêu dùng.

Ngày 27/7:

Kết quả kinh doanh của: Boeing, Meta Platforms, Bristol-Myers Squibb, Ford, Etsy, Qualcomm, T-Mobile, Kraft Heinz, Norfolk Southern, Netgear, Cheesecake Factory, American Water Works, Ryder System, Genuine Parts, Waste Management, Hilton Worldwide, Boston Scientific, Owens Corning, Sherwin-Williams, Fortune Brands, Lam Research, Flex, Hess, Community Health Systems, Molina Healthcare

Công bố số liệu hàng hóa lâu bền, doanh số bán nhà chưa chốt, kết quả cuộc họp của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell tổ chức họp báo.

Ngày 28/7:

Kết quả kinh doanh của: Apple, Amazon, Comcast, Intel, Merck, Pfizer, Honeywell, Mastercard, Northrop Grumman, Southwest Airlines, Harley-Davidson, Anheuser-Busch InBev, Diageo, Shell, Stanley Black and Decker, Carlyle Group, Southern Co, Lazard, Roku, International Paper, Sirius XM, Hershey, PG&E, ArcelorMittal, Keurig Dr. Pepper, Hertz Global, T.Rowe Price, Valero, Embraer, First Solar, Beazer Homes, Hartford Financial, Celanese, VF Corp, Eastman Chemical, Frontier Group

Công bố số liệu về lượng người xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, ước tính GDP quý II.

Ngày 29/7:

Kết quả kinh doanh của: AstraZeneca, Weyerhaeuser, Sony, BNP Paribas, Eni, Aon

Công bố chỉ số chi phí của chủ lao động, thu nhập và chi tiêu cá nhân, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân, PMI khu vực Chicago, khảo sát tâm lý người tiêu dùng.

Đức Quyền - Song Ngọc