|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ tăng lên theo tỷ lệ lạm phát

07:19 | 24/07/2022
Chia sẻ
Khi lạm phát lên cao, xác suất nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cũng được dự báo tăng theo. Nguy cơ thất nghiệp nhiều hơn, việc làm ít đi và GDP giảm sút đang ngày càng hiện hữu.

GDP của Mỹ đã giảm trong quý I/2022, nếu tiếp tục sa sút trong quý II thì nền kinh tế sẽ bị coi là suy thoái. Số liệu GDP quý II sẽ được công bố vào ngày 29/7.

Liên tiếp các dự báo suy thoái

Theo một khảo sát các nhà kinh tế do Bloomberg thực hiện, xác suất trung vị xảy ra một cuộc suy thoái trong vòng 12 tháng tới tăng từ mức 30% trong tháng 6 lên mức 47,5% trong tuần trước.

Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố khi nào suy thoái xảy ra và kết thúc. NBER định nghĩa suy thoái là “sự sụt giảm đáng kể của hoạt động kinh tế, lan rộng ra khắp nền kinh tế và kéo dài nhiều hơn một vài tháng”. Cách xác định suy thoái phổ biến nhất là GDP tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.

Theo CNBC, một trong những lý do khiến suy thoái có khả năng cao sẽ xảy ra chính là việc lạm phát liên tục tăng nóng. Tuần trước, Cục Thống kê lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1981.

Khi lạm phát quá cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải nâng lãi suất để hạ nhiệt nhu cầu của người dân cũng như doanh nghiệp, qua đó kiềm chế giá cả, đồng thời làm cho hoạt động kinh tế sa sút và dẫn tới suy thoái.

Lạm phát ở Liên minh châu Âu (EU) cũng cao ngang ngửa với Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 21/7 đã gây bất ngờ khi nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, cao gấp đôi mức tăng mà thị trường dự đoán.

Lạm phát tại Mỹ và châu Âu đang ở đỉnh nhiều thập kỷ. 

Các tổ chức lớn như Citigroup, Deloitte và PNC Financial Services từng dự báo nền kinh tế giảm tốc vào năm 2023 nhưng gần đây đều cho rằng suy thoái có thể xảy ra vào năm 2022, hoặc vẫn là 2023 nhưng vào tháng sớm hơn dự báo trước kia.

Tuần trước, Bank of America cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái nhẹ trong những tháng còn lại của năm 2022, tương tự như nhận định của ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể tăng từ mức 3,6% hiện nay lên 4,6% trong suy thoái, Bank of America cho hay.

Lạm phát ăn mòn sức mua của người dân

Một nhà băng khổng lồ khác là Wells Fargo cũng thay đổi triển vọng kinh tế từ “hạ cánh mềm” thành “suy thoái nhẹ” trong quý I/2023. Hạ cánh mềm là cách miêu tả kịch bản Mỹ khống chế được lạm phát nhưng không làm kinh tế suy thoái.

Ông Jay Bryson, Kinh tế trưởng của Wells Fargo, cho biết lý do chính khiến ngân hàng này có cái nhìn bi quan hơn là số liệu lạm phát tháng 5 và 6 từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm báo cáo chính thức mà Cục Thống kê Lao động công bố.

Ông Bryson coi các con số CPI tháng 6 là “xấu xí” và nói thêm rằng lạm phát “đã bám rễ sâu hơn và lan rộng hơn”. Đối với người tiêu dùng, lạm phát “đang ăn mòn thu nhập khả dụng thực tế”.

Thu nhập khả dụng thực của các cá nhân Mỹ giảm xuống tương đương mức trước dịch.

Tiêu dùng của hộ gia đình giảm xuống là một dấu hiệu nữa cho thấy suy thoái đang đến gần. Wells Fargo dự báo rằng tháng 9 sẽ là giai đoạn tiêu dùng “giảm rõ rệt” khi nhiều người phải dùng tới tiền tiết kiệm để trang trải chi phí hàng hóa và dịch vụ ngày càng cao.

Ông Bryson nói: “Người tiêu dùng đã cầm cự khá tốt về quy mô chi tiêu. Nhưng tỷ lệ tiết kiệm của các gia đình đang giảm xuống và dư nợ thẻ tín dụng đang tăng lên. Đó không phải là xu hướng bền vững trong dài hạn”.

Dư nợ vay tiêu dùng (bao gồm nợ thẻ tín dụng và và các loại tín dụng quay vòng khác) vào ngày 6/7 đã vượt qua mức trước dịch COVID-19 và lập đỉnh lịch sử 884 tỷ USD, biểu đồ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dưới đây cho thấy. Nếu so với đáy vào tháng 4/2021, dư nợ đã tăng 20%.

Nợ vay tiêu dùng của người dân Mỹ lên cao chưa từng thấy.

Trong bối cảnh lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Fed gần như chắc chắn sẽ nâng tiếp lãi suất trong cuộc họp thường kỳ ngày 26-27/7.

Câu hỏi duy nhất lúc này là liệu ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản như đa số nhà đầu tư dự báo, hay 100 điểm cơ bản như Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta cho là “có thể được xem xét”.

Lãi suất cao sẽ khiến cho doanh nghiệp hạn chế vay mượn để mở rộng đầu tư và sản xuất kinh doanh. Người tiêu dùng cũng sẽ bớt vay bớt tiêu, kết quả là nhu cầu hàng hóa và dịch vụ đều đi xuống, kinh tế suy thoái.

Những người có khoản vay với lãi suất biến đổi như nợ mua nhà hay nợ thẻ tín dụng sẽ phải chịu chi phí lãi hàng tháng cao hơn và do vậy không còn thu nhập để tiêu dùng cho các nhu cầu khác.

Tiến sỹ Aleksandar Tomic tại Trường đại học Boston nói: “Chúng ta phải kiểm soát lạm phát”, đặc biệt là khi tốc độ tăng của lương đang thấp hơn tỷ lệ lạm phát.

“Câu hỏi trị giá nghìn tỷ USD lúc này là liệu chúng ta có thể khống chế được lạm phát mà không làm nền kinh tế suy sụp hay không”, ông Tomic nói thêm.

Song Ngọc - Đức Quyền