|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Áp trần giá dầu Nga là 'một trong những công cụ mạnh mẽ nhất' để giải quyết lạm phát

07:58 | 15/07/2022
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng áp trần giá đối với dầu thô của Nga sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạ nhiệt lạm phát tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lạm phát “cao một cách không chấp nhận được”

Ngày 14/7, phát biểu trước khi khai mạc cuộc họp của khối G20 tại Bali (Indonesia), Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo rằng lạm phát đang “cao một cách không chấp nhận được” và hạ nhiệt giá cả là “ưu tiên hàng đầu” của Washington.

Dữ liệu công bố trước đó cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất kể từ tháng 12/1981. Giá năng lượng cao ngất là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến mức tăng kỷ lục này.

 

“Trước hết, chúng tôi luôn ủng hộ nỗ lực của Fed và những gì họ cho là cần thiết để kiểm soát lạm phát”, bà Yellen cho hay. “Ngoài ra, Washington cũng đang thực hiện các bước đi riêng mà chúng tôi tin sẽ hỗ trợ trong ngắn hạn để kéo lạm phát đi xuống, đặc biệt là về giá năng lượng…”

“Việc nghiên cứu để áp trần giá đối với dầu thô của Nga và tránh các đợt tăng giá đột biến trong tương lai cũng là một phần công việc của chúng tôi”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nói thêm.

Theo CNBC, bà Yellen kêu gọi các nước nên nỗ lực để kiềm chế hai lỗ hổng kinh tế quan trọng từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, đó là giá nhiên liệu tăng nóng và tình trạng mất an ninh lương thực đang lan tràn trên toàn cầu. Bà nhấn mạnh rằng thế giới đang chứng kiến những “tác động tiêu cực lan toả từ cuộc chiến”.

Theo vị bộ trưởng, Mỹ sẽ tiếp tục trao đổi với các nước khác để xem “các bên có thể làm gì để giúp những quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến của Nga”. Điều này bao gồm việc giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực, và áp trần giá đối với dầu của Nga.

“Một trong những công cụ mạnh mẽ nhất”

Chia sẻ trước truyền thông, bà Yellen cho hay: “Áp trần giá đối với dầu thô của Nga là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất của chúng tôi để xoa dịu tổn thất của công chúng Mỹ cũng như người dân toàn cầu, những người đang chịu thiệt vì giá xăng và hàng tạp hoá tăng chóng mặt”.

“Áp trần giá cũng sẽ tước đi nguồn thu mà Tổng thống Vladimir Putin cần để tài trợ cho cuộc chiến của ông ta”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ bày tỏ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo rằng động thái này có thể kéo giá dầu lên tới 175 USD/thùng.

Khi Washington cấm nhập khẩu và châu Âu tìm cách cắt giảm sử dụng dầu thô của Nga, giá dầu thế giới đã bật tăng mạnh. Hồi tháng 3, giá dầu đã tăng lên trên 120 USD/thùng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu từ Bail, Indonesia. (Ảnh: Reuters).

Áp trần giá là một cơ chế mà trong đó, Mỹ cùng các quốc gia khác sẽ tạo thành một liên minh để mua dầu mỏ của Nga với giá vừa đủ để duy trì dòng chảy ra thị trường, nhưng đồng thời khiến Nga mất đi khả năng tài trợ tài chính cho cuộc chiến ở Ukraine.

Bà Yellen nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch dựa trên các biện pháp trừng phạt lịch sử đã áp dụng để khiến ông Putin khó khăn hơn khi tiến hành chiến tranh hoặc phát triển nền kinh tế của mình”.

Đến nay, Nga vẫn im lặng trước đề xuất áp trần giá dầu của phương Tây, trong khi các nước khác như Ấn Độ lại không cân nhắc tham gia, còn Trung Quốc tỏ vẻ không ủng hộ, theo CNBC.

Cùng ngày 14/7, Bắc Kinh cho biết áp trần giá có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Shu Jueting cho rằng việc áp trần giá sẽ rất phức tạp và kêu gọi các nước theo đuổi đàm phán hoà bình để chấm dứt chiến sự.

Bộ trưởng Yellen cho biết bà hy vọng mức trần giá sẽ trở nên hấp dẫn trong mắt nhiều công ty nhập khẩu dầu thô của Nga, vì nó sẽ giúp giảm chi phí nhập khẩu do các lệnh cấm vận tài chính và bảo hiểm trước đó.

Cuối tháng 6, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm các công ty bảo hiểm trong khu vực cung cấp dịch vụ cho các tàu vận chuyển năng lượng của Nga.

“Vì vậy, tôi hy vọng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thấy việc áp trần giá dầu là có lợi cho họ, giúp họ hạ giá dầu nhập khẩu. Hai nước này là các nước nhập khẩu dầu quan trọng”, bà Yellen bày tỏ.

Yên Khê