|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lạm phát tại Mỹ: Con số 1,3% đáng lo hơn 9,1%

17:33 | 14/07/2022
Chia sẻ
Thông tin đáng chú ý nhất trong báo cáo lạm phát tháng 6 của Mỹ không phải là con số 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mà là con số 1,3% khi so với tháng liền trước.

Khi xét số liệu so sánh với cùng kỳ năm trước, lạm phát tại Mỹ đang ở đỉnh 4 thập kỷ.

Sáng 13/7 theo giờ Mỹ (tức tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 của nền kinh tế lớn nhất thế giới là 296,31 điểm, tăng 9,1% so với cùng kỳ 2021. Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất tại Mỹ kể từ tháng 12/1981. Các hãng tin lớn của thế giới cũng như Việt Nam đều tập trung vào con số 9,1% này.

Những biến động trong mặt bằng giá cả qua quãng thời gian dài cỡ 12 tháng có thể được giải thích bằng rất nhiều lý do khác nhau.

Khi CPI của Mỹ vào giữa năm 2021 tăng mạnh so với giữa năm 2020, nhiều quan chức của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các chuyên gia khác cho rằng nguyên nhân chính là mặt bằng so sánh thấp do người dân ít chi tiêu trong những tháng đầu đầu dịch. Những nhân tố khác thường được viện dẫn là kinh tế hồi phục mạnh sau dịch, chuỗi cung ứng đứt gãy, …

Nếu so với tháng liền trước (tức tháng 5/2022), chỉ số CPI tháng 6 tăng 1,3% sau khi đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ. Biểu đồ dưới đây cho thấy mức tăng của tháng 6 là cao nhất kể từ năm 2005.

CPI tháng 6 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 1,3% so với tháng liền trước.

Con số 1,3% này không thể được giải thích bằng lý do “nền so sánh thấp” như trong trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Thay vào đó, tốc độ tăng nhanh của CPI tháng 6 so với tháng 5 cho thấy rõ ràng rằng các chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed chưa phát huy nhiều tác dụng.

Trong cuộc họp tháng 3, Fed nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps). Khi lạm phát không hạ nhiệt, Fed nâng thêm 50 bps trong tháng 5 và gần đây nhất là 75 bps trong tháng 6.

Fed cũng đã dừng chương trình mua trái phiếu và chuyển sang bán bớt tài sản, giảm quy mô bảng cân đối kế toán để hút bớt tiền về.

Theo số liệu từ Hội đồng thống đốc Fed, quy mô bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương Mỹ tại ngày 6/7 vừa qua là gần 8.892 tỷ USD, giảm 74 tỷ USD so với mức đỉnh hồi giữa tháng 4. 

Quy mô bảng cân đối kế toán của Fed tăng sốc trong những tháng đầu đại dịch, sau đó tăng chậm dần và hiện nay bắt đầu đi xuống.

Fed cũng hút tiền về thông qua các hợp đồng repo nghịch đảo (reverse repo), nâng quy mô khoản mục này lên đỉnh lịch sử 2.330 tỷ USD vào ngày 30/6.

Bất chấp loạt biện pháp thắt chặt kể trên, CPI tháng 6 vẫn tăng mạnh so với tháng 5. Vậy nguyên nhân là gì?

Độ trễ chính sách

Đối với các nhà đầu tư chứng khoán và những người thường xuyên theo dõi chỉ số trên thị trường tài chính, các phát biểu và quyết định của lãnh đạo ngân hàng trung ương có tác động gần như ngay lập tức, thậm chí thị trường biến động dựa theo kỳ vọng trước khi quyết định chính thức được đưa ra.

Một số nhà đầu tư Mỹ lo ngại Fed sẽ nâng lãi suất và giảm cung tiền nên đã bán cổ phiếu từ cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones lập đỉnh lịch sử vào phiên 3/1 và 4/1 rồi sau đó đi xuống cho tới nay, không phải đợi đến khi Fed nâng lãi suất lần đầu vào tháng 3 mới bắt đầu giảm.

Như vậy, tác động của chính sách tiền tệ đối với giá tài sản gần như không có độ trễ. Tuy nhiên, thay đổi trong cung tiền thường mất một khoảng thời gian nhất định mới có thể ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa và dịch vụ. Các chuyên gia ước tính độ trễ từ chính sách tiền tệ tới lạm phát thường vào khoảng 12 tháng.

Nói cách khác, giá cả không tăng ngay sau khi cung tiền tăng, và lạm phát cũng sẽ không hạ nhiệt ngay khi ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ. Độ trễ này là lý do vì sao Fed đã nâng lãi suất ba lần vào các tháng 3, 5 và 6 nhưng CPI tháng 6 vẫn tăng tới 1,3% so với tháng 5.

(Ảnh: Reuters; Đồ họa: Song Ngọc).

Rủi ro sai lầm chính sách tiền tệ

Thử tưởng tượng một căn phòng lạnh âm 25 độ C với một cốc đựng đầy nước đã đóng băng. Một người không biết nhiệt độ tan chảy của băng là bao nhiêu nên đã thử nâng dần nhiệt độ lên xem lúc nào băng biến thành nước, từ âm 25 độ C lên âm 20, âm 10, âm 5, ...

Khi lên đến 1 độ C, băng đã bắt đầu tan nhưng vì nhiệt độ vẫn tương đối thấp nên quá trình tan chảy diễn ra rất chậm, người này không thấy rõ sự thay đổi nên tiếp tục nâng nhiệt độ lên 10, 15, 20 độ C. Khi băng tan thấy rõ thì nhiệt độ đã quá cao, không còn sát với nhiệt độ nóng chảy của băng.

Điều hành chính sách tiền tệ để chống lạm phát cũng tương tự như việc nâng nhiệt độ để tìm điểm tan chảy của băng: Khi nhận thấy rõ tác động thì đã hành động quá tay.

Fed bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3/2022, có thể phải tới đầu năm 2023 thì quyết định này mới tác động rõ rệt tới giá cả. Việc lạm phát đi xuống không phải là hệ quả của riêng chính sách gần nhất mà là của các hành động từ trước đó nhiều tháng, thậm chí cả năm trời.

Tương tự, hiện tượng băng tan chảy không phải là hệ quả duy nhất của việc nâng nhiệt độ từ -1 lên +1 độ C mà còn của cả quá trình trước đó, từ -25 lên -1 độ C nhưng không có thay đổi trực quan nào.

Lãi suất quỹ liên bang của Mỹ đang trong khoảng 1,5 - 1,75%.

Nếu Fed cứ nâng lãi suất liên tục cho tới khi lạm phát giảm mạnh thì rất dễ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái vì thắt chặt quá mức.

Lúc lạm phát bắt đầu đi xuống cũng là lúc các đợt nâng lãi suất từ một năm trước phát huy tác dụng. Nếu lại cộng thêm các đợt nâng lãi suất liên tiếp sau đó, tác động có thể quá lớn với nền kinh tế.

Sau khi số liệu lạm phát tháng 6 cao bất ngờ được công bố sáng 13/7, nhiều nhà giao dịch trên thị trường tiền tệ đã dự báo Fed sẽ nâng lãi suất tới 100 điểm cơ bản (bps) trong cuộc họp ngày 26-27/7 sắp tới, thay vì mức 75 bps như kỳ vọng trước đây.

Các quan chức Fed đương nhiên không xa lạ gì với khái niệm độ trễ của chính sách tiền tệ. Nhưng cũng chính những chuyên gia này đã phạm sai lầm trong suốt nửa cuối năm 2021 khi cho rằng lạm phát chỉ là “tạm thời”. Vì vậy, không có gì đảm bảo Fed sẽ hành động đúng đắn trong nỗ lực ghìm cương giá cả hiện nay.

Đức Quyền - Song Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.