|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ đi xuống sau số liệu lạm phát cao bất ngờ, Dow Jones mất hơn 200 điểm

07:14 | 14/07/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên 13/7 sau khi báo cáo mới nhất cho thấy tỷ lệ lạm phát tháng 6 lên tới 9,1%, cao nhất trong hơn 40 năm và vượt qua dự báo của các chuyên gia. Nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ thắt chặt tiền tệ mạnh tay để hạ nhiệt giá cả.

Kết phiên 13/7, S&P 500 dừng ở 3.801,78 điểm.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 209 điểm, tương đương 0,67%, và kết phiên ở 30.773 điểm. S&P 500 mất 0,45% và đóng cửa ở gần ngưỡng 3.800 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,15% và dừng ở gần 11.248 điểm.

Sáng 13/7, Cục Thống kê lao động Mỹ (BLS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ cuối năm 1981, đồng thời cao hơn dự báo 8,8% mà các nhà kinh tế của Dow Jones đưa ra.

Tỷ lệ lạm phát lõi (core inflation, không kể giá lương thực và năng lượng) là 5,9%, trong khi các nhà kinh tế ước tính 5,7%.

CPI tháng 6 của Mỹ tăng 9,1% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức 8,6% của tháng 5 và lớn hơn mức 8,8% mà các nhà kinh tế dự báo.

CNBC dẫn lời bà Liz Ann Sonders, Giám đốc chiến lược đầu tư tại tập đoàn tài chính Charles Schwab, nhận định: “Không thể nói gì khác được, Fed sẽ phải thắt chặt tiền tệ quyết liệt hơn trong ngắn hạn và bóp nghẹt nhu cầu của nền kinh tế. Tôi nghĩ một cuộc suy thoái là không thể tránh khỏi”.

Thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh khi nhà đầu tư đánh giá tác động của số liệu lạm phát mới nhất. Dow Jones có lúc mất tới 466 điểm. Nasdaq và S&P 500 có lúc giảm lần lượt hơn 2% và 1,5% rồi sau đó hồi phục một phần về cuối phiên.

Cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu đi lên nhờ diễn biến tích cực của Domino’s Pizza, Bath & Body Works và Tesla. Trong khi đó, Boeing, Walgreens và United Health đều giảm trên 2% và kéo tụt Dow Jones vào sắc đỏ. Biểu đồ dưới đây cho thấy 10/12 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đi xuống trong phiên 13/7, tiêu cực nhất là nhóm công nghiệp và dịch vụ viễn thông.

 Đa số nhóm cổ phiếu sa sút trong phiên 13/7 sau khi số liệu lạm phát tháng 6 được công bố.

Những cổ phiếu công nghệ lớn từng bị bán tháo mạnh trong năm nay như Amazon, Netflix và Tesla cùng nhau hồi phục trong phiên vừa qua với mức tăng hơn 1%, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế.

Twitter bật tăng gần 8% sau khi công ty mạng xã hội này khởi kiện tỷ phú Elon Musk vì tranh chấp liên quan tới thương vụ mua lại trị giá 44 tỷ USD. Chỉ số công nghệ Nasdaq có lúc giao dịch trong sắc xanh rồi cuối phiên mới giảm xuống dưới tham chiếu.

Bên cạnh báo cáo lạm phát, nhà đầu tư còn theo dõi kết quả kinh doanh quý II để đánh giá sức khỏe của các doanh nghiệp. Cổ phiếu Delta Air Lines sụt 4,5% sau khi hãng hàng không này thông báo doanh thu cao hơn dự báo nhưng lợi nhuận không đạt kỳ vọng.

Cổ phiếu của các hãng hàng không khác như United Airlines và American Airlines cũng đi xuống. Các cổ phiếu du thuyền Royal Caribbean và Carnival giảm lần lượt 2,1% và 1%. Cả Dow Jones và S&P 500 đều đã giảm 4 phiên liên tục.

Dow Jones đã mất 612 điểm trong 4 phiên gần đây.

Nguy cơ Fed tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản

Số liệu lạm phát tháng 6 cao đột biến đã khiến nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ phải mạnh tay thắt chặt hơn dự kiến trước đó.

Trong cuộc họp ngày 14-15/6, các quan chức Fed đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (tức 0,75 điểm %), đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ 1994. Fed dự tính sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 26-27/7 và thị trường cũng có kỳ vọng tương tự.

Tuy nhiên, sau khi số liệu CPI tháng 6 được công bố sáng 13/7, công cụ FedWatch của CME Group cho thấy đa phần nhà đầu tư đang dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất tới 100 điểm cơ bản.

Ông Michael Schumacher, Giám đốc chiến lược vĩ mô tại Wells Fargo Securities, nhận xét: “Chỉ số CPI lõi đang đi lên với tốc độ đáng sợ”. Fed thường nhìn vào số liệu lõi (không bao gồm lương thực và năng lượng) khi quyết định chính sách tiền tệ. “Khi lạm phát lõi cao tới mức này, Fed không thể phớt lờ nguy cơ được. Đây là một con số tồi tệ”, ông Schumacher nói thêm.

CPI lõi tháng 6 tăng 5,9% so với cùng kỳ 2021.

Dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt, suy thoái kinh tế

CPI tăng cao đã làm dấy lên câu hỏi liệu lạm phát đã lập đỉnh hay chưa. So với tháng liền trước, CPI toàn phần tháng 6 tăng 1,3% và CPI lõi đi lên 0,7%, trong khi ước tính của các nhà kinh tế lần lượt là 1,1% và 0,5%.

Đồng thời, giá dầu thô, các loại hàng hóa khác và nhà ở đều đi xuống trong những tuần gần đây, cho thấy dấu hiệu đà tăng của giá cả đã khựng lại, ông Jeff Kilburg, Giám đốc đầu tư và quản lý danh mục của Sanctuary Wealth, đánh giá.

Giáo sư tài chính Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton cũng cho rằng việc giá xăng hạ nhiệt sau khi lên đỉnh trong tháng 6 có thể là tín hiệu cho thấy lạm phát đã chậm lại.

Giá cả tăng cao còn khiến nhà đầu tư và các chuyên gia lo ngại nền kinh tế rơi vào suy thoái. Ngày 13/7, các nhà phân tích của Bank of America cho rằng Mỹ có thể bị suy thoái nhẹ vào cuối năm nay và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ khoảng 3,6% hiện nay lên 4,6% trong năm 2023.

Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vì Fed thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.

Trong quý I, GDP của Mỹ đã giảm 1,6%. Theo ước tính mới nhất từ mô hình GDPNow của Fed chi nhánh Atlanta, GDP sẽ giảm tiếp 1,2% trong quý II. Khi tổng sản phẩm quốc nội đi xuống hai quý liên tục, nền kinh tế sẽ bị coi là suy thoái.

“Sách Be” do Fed công bố hôm 13/7 cũng cho thấy những lo ngại về suy thoái và lạm phát trong nền kinh tế ngày càng lan rộng.

Đức Quyền - Song Ngọc