|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ đi xuống giữa lo ngại về suy thoái và lạm phát

07:18 | 13/07/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên 12/7 trong sắc đỏ khi nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro như cổ phiếu do lo ngại suy thoái, đồng thời chờ đợi số liệu lạm phát công bố ngày 13/7.

Dow Jones và S&P 500 đã giảm ba phiên liên tiếp.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 192,5 điểm, tương đương 0,62%, và kết phiên ở 31.981 điểm. S&P 500 mất 0,92% và dừng ở gần 3.819 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm sâu nhất khi mất 0,95%, đóng cửa ở gần 11.265 điểm.

CNBC dẫn lời ông Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư của công ty tư vấn Truist, nhận xét: “Thị trường lúc này đang thiếu chất xúc tác, thiếu dòng dẫn dắt. Nhà đầu tư lo lắng vì tăng trưởng đang chậm lại và các ngân hàng trung ương đang ở trong trạng thái thắt chặt”.

Các chỉ số cổ phiếu đi xuống trong một tiếng giao dịch cuối ngày 12/7 sau khi dao động lình xình giữa xanh và đỏ. Dow Jones có lúc tăng 172 điểm nhưng cũng có lúc sụt tới hơn 300 điểm. Biểu đồ bên dưới cho thấy S&P 500 đã giảm điểm trong ba phiên liên tục, tương tự như Dow Jones.

S&P 500 hiện nay thấp hơn 20% so với đầu năm 2022.

Theo CNBC, các nhà đầu tư có vẻ xa lánh các tài sản rủi ro như cổ phiếu để dồn tiền vào những nơi an toàn hơn như trái phiếu Kho bạc Mỹ và USD. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 2,96%. Lợi suất giảm đồng nghĩa với giá tăng.

Lợi suất kỳ hạn 2 năm vẫn đang cao hơn kỳ hạn 10 năm, tức là đường cong lợi suất tiếp tục đảo ngược. Nhiều nhà đầu tư coi hiện tượng đảo ngược này là dấu hiệu dự báo suy thoái kinh tế đang đến gần.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đi xuống sau khi lập đỉnh trong tháng 6.

Một số cổ phiếu công nghệ bật tăng đầu phiên 12/7 nhưng sau đó quay đầu đi xuống vào cuối buổi chiều. Salesforce và Microsoft cùng đóng cửa giảm hơn 4%, Netflix và Alphabet giảm hơn 1%. Amazon rơi hơn 2%.

Cổ phiếu Twitter biến động mạnh sau khi tỷ phú Elon Musk tuyên bố chấm dứt thương vụ mua công ty mạng xã hội này vơi giá 44 tỷ USD vì vấn đề tài khoản ảo (bot). Kết phiên 12/7, Twitter tăng 4,3%. Công ty này đã đâm đơn kiện Elon Musk để buộc vị tỷ phú phải thực hiện thỏa thuận mua lại.

Cổ phiếu hàng không tăng giá sau khi American Airlines công bố ước tính tổng doanh thu trong quý II vượt qua mức của năm 2019 khi dịch COVID-19 chưa bùng phát. Cổ phiếu American vọt lên gần 10%. Các hãng hàng không khác như United, Delta và Southwest Airlines cũng tăng lần lượt 8,1%, 6,2% và 4,6%.

Cổ phiếu các hãng du thuyền Norwegian và Carnival đi lên tương ứng 5,8% và 7,5%. Boeing bật tăng 7,4% khi số máy bay bàn giao trong tháng 6 vừa qua đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2019.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu lớn đều đóng cửa trong sắc đỏ, dẫn đầu là ngành năng lượng. Giữa những lo ngại về suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu nhiên liệu, giá dầu thô WTI và Brent cùng giảm trên 8% và hiện đều ở dưới ngưỡng 100 USD/thùng.

Cổ phiếu năng lượng giảm sâu khi giá dầu lao dốc.

PepsiCo khởi động mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II trong ngày 12/7 bằng việc công bố doanh thu và lợi nhuận khả quan hơn kỳ vọng, đồng thời nâng dự báo doanh thu cả năm. Delta Air Lines, JPMorgan, Morgan Stanley, Wells Fargo và Citigroup cũng sẽ công bố trong tuần này.

Nhà đầu tư đang chú ý theo dõi những rủi ro đối với dự báo lợi nhuận trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải chống chọi với lãi suất lên cao và áp lực lạm phát ngày càng lớn. Nguy cơ suy thoái kinh tế cũng đang khiến Phố Wall lo lắng.

Theo ông Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, các nhân tố vĩ mô sẽ chỉ tác động đáng kể tới lợi nhuận doanh nghiệp vào quý III.

“Chúng tôi cho rằng lợi nhuận quý II sẽ đạt hoặc vượt kỳ vọng vì các yếu tố bất lợi vẫn chưa ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi đồng ý rằng trong tương lai, tình hình sẽ trở trở nên khó khăn hơn và chúng tôi đang lo ngại về việc lợi nhuận tăng chậm lại hoặc thậm chí là suy giảm”.

USD tăng vọt, Euro suy yếu

Chỉ số dollar (DXY) đo lường sức mạnh của USD với một rổ gồm 6 loại tiền tệ gồm Euro, yen Nhật, bảng Anh, dollar Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sỹ. Ngày 12/7, DXY đã vọt lên trên 108 điểm, tăng 13% so với đầu năm 2022.

USD mạnh lên trong khi Euro suy yếu đã khiến cho tỷ giá USD/EUR giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2002. Trong phiên 12/7, đã có lúc USD và Euro ngang giá nhau. 

 Đầu năm 2021, cần tới hơn 1,2 USD để đổi một Euro, nay chỉ cần 1 USD.

Một số chuyên gia Phố Wall cảnh báo việc đồng tiền của Mỹ mạnh lên có thể báo hiệu nhiều bất trắc đối với lợi nhuận doanh nghiệp trong thời gian tới.

“Đồng USD lên giá là triệu chứng của sự bất ổn toàn cầu và sẽ khiến cho doanh nghiệp Mỹ càng thêm khổ sở”, đồng thời làm các ngân hàng trung ương toàn cầu gặp nhiều khó khăn, tạo ra thêm trở ngại đối với lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu, ông Adam Crisafulli, nhà sáng lập Vital Knowledge, nhận xét.

Nhà đầu tư cũng chú ý theo dõi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 sắp được công bố vào ngày 13/7. Tỷ lệ lạm phát toàn phần được dự báo sẽ tăng từ 8,6% trong tháng 5 lên mức 8,8% trong tháng 6.

Đức Quyền - Song Ngọc