|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường hàng hóa hạ nhiệt khiến triển vọng kinh tế thế giới càng thêm rối rắm

16:46 | 11/07/2022
Chia sẻ
Giá nhiều loại hàng hóa từng "giúp" áp lực lạm phát phình to nay đã giảm đáng kể. Nếu sắp tới lạm phát nhường đường cho suy thoái, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương sẽ giáng đòn đau vào nền kinh tế.

(Hình minh họa: Getty Images, Financial Times). 

Lạm phát tăng cao ngoài dự đoán khiến các ngân hàng trung ương bất ngờ. Và ngay khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nổ những phát đạn lớn đầu tiên để chế ngự áp lực giá, thị trường tài chính toàn cầu lại được dịp bất ngờ khác.

Các quan chức ngân hàng trung ương đã bị chỉ trích dữ dội vì để mặc giá cả leo thang hòng hỗ trợ tăng trưởng. Nhưng bây giờ, có thể họ sẽ bị lên án với lý do ngược lại. Trong vài tuần qua, giá của nhiều loại hàng hóa, vốn từng giúp lạm phát tăng cao, đã hạ nhiệt đáng kể. 

Tuần vừa rồi, giá dầu Brent có lúc giảm sốc xuống dưới 100 USD/ thùng, thấp hơn hẳn 20% so với tháng trước. Giá đồng và sắt đều đã mất 1/3 so với mức đỉnh hồi đầu năm nay. Giá sắt đang ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, còn đồng thì rẻ hơn bất kỳ thời điểm nào từ tháng 1/2021. Gỗ thì đã gần như quay trở lại mức trước đại dịch.

Ngay cả giá một số loại thực phẩm cũng đã "quay về mặt đất" sau khi tăng vũ bão vì chiến sự Nga-Ukraine. Hiện lúa mì đang được giao dịch với giá bằng với thời điểm ngay trước khi hai bên động binh, và thấp hơn gần 40% so với đỉnh hồi tháng 5, tờ Finanicial Times cho biết. 

 

Những mặt hàng này đã giảm giá được một thời gian và cùng lúc, một số hàng hoá khác lại tăng tốc. Nguyên nhân là gì khi mà tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng chưa được giải quyết. Rất nhiều thị trường hàng hóa vật chất vẫn đang chịu căng thẳng.

Diễn biến trái ngược của thị trường khí đốt là minh chứng cho điều này. Tại Mỹ, giá khí đốt đã giảm 1/3 trong tháng qua. Tại châu Âu, nơi mà Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt bất cứ lúc nào, giá đang tăng vùn vụt.

Thêm nữa, không phải mọi hàng hóa được giao dịch toàn cầu đều đang giảm giá. Ví dụ, ngô và đậu nành đều đang được giao dịch với giá gần mức kỷ lục. Nhưng sự thay đổi lớn đang diễn ra cho thấy nhà đầu tư rõ ràng đã trở nên cẩn trọng hơn rất nhiều, thay vì đơn thuần đặt cược rằng nhu cầu cho một số loại hàng hóa chủ chốt sẽ luôn luôn cao hơn cung.  

Nói cách khác, nỗi sợ lạm phát đang bị thay thế bởi nỗi lo suy thoái. Giá hàng hóa giảm là do nhà đầu tư đã tính đến rủi ro rằng nhu cầu sẽ nhanh chóng nguội lạnh và buộc người bán phải hạ giá sản phẩm.  

Tương tự, kỳ vọng lạm phát trên thị trường cũng đang giảm nhanh. Những người muốn chứng minh nỗi sợ của mình là có căn cứ không cần nhìn đâu xa: Chi phí đi vay dài hạn tại nhiều thị trường đã đi lên dựa trên dự đoán về các hành động mạnh mẽ hơn của các ngân hàng trung ương.

Dẫu vậy, nói Mỹ chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái có thể là quá vội vàng. Tăng trưởng việc làm tháng 6 của Mỹ chậm lại nhưng vẫn cao hơn hẳn mức thông thường và kéo tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đi lên. Rõ ràng, thị trường lao động không báo hiệu một cuộc suy thoái. Và lạm phát vẫn còn quá cao ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Ngay cả những loại hàng hóa trên đà giảm giá trong thời gian qua vẫn có thể sẽ tăng vọt trở lại vào ngày mai. Trên thực tế, phần lớn giá những mặt hàng này đã lại đi lên trong nửa cuối tuần trước.

Suy thoái hay giá hàng hóa tăng cao kỷ lục đều không tốt cho ổn định kinh tế hay chính trị. Biến động giá điên cuồng phản ánh những niềm tin chóng thay đổi của nhà đầu tư. Một điều chắc chắn là các động thái thị trường gần đây càng làm xáo trộn thêm bức tranh vĩ mô vốn đã phức tạp.

Hầu hết mọi người, đặc biệt là các ngân hàng trung ương, biết rằng chính sách tiền tệ có độ trễ. Nếu các cú sốc phía cung gây ra lạm phát đảo ngược, chu kỳ thắt chặt mà hầu hết các ngân hàng trung ương khởi động trong những tháng qua sẽ giáng đòn đau lên nền kinh tế vào đúng thời điểm tồi tệ nhất.

Các ngân hàng trung ương không sai khi siết chặt chính sách tiền tệ. Nhưng những xu hướng trên khiến việc đánh giá quy mô và tốc độ thắt chặt của họ càng trở nên khó khăn.

Giang