|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư toàn cầu kiếm tìm manh mối về suy thoái từ lợi nhuận quý II của doanh nghiệp

11:46 | 11/07/2022
Chia sẻ
Lợi nhuận của doanh nghiệp toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt thách thức, từ suy thoái, lạm phát cho đến khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Kết quả kinh doanh tiêu cực hơn dự kiến rất có thể sẽ kích hoạt một đợt bán tháo mới với cổ phiếu.

 

Nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Getty Images). 

Trong nửa đầu năm 2022 đầy bão tố, các nhà đầu tư đã chứng kiến 18.000 tỷ USD vốn hoá chứng khoán toàn cầu bị xóa sổ. Giờ đây, họ đang căng thẳng chờ xem liệu lợi nhuận doanh nghiệp có thể giữ vững hay liệu các công ty sẽ hạ dự báo kết quả kinh doanh trong bối cảnh các mối đe dọa đến nhu cầu ngày càng gia tăng.

Hai luồng dư luận trái chiều đang nổi lên trên Phố Wall. Giới phân tích có vẻ tin rằng doanh nghiệp đang ở vị thế tốt để chuyển chi phí tăng thêm sang phía người tiêu dùng, nhưng các chuyên gia đầu tư thì không. Họ có nhiều lý do để ngờ vực, trong bối cảnh tình hình vĩ mô xấu đi giữa lúc lạm phát leo thang, lãi suất tăng mạnh và tâm lý người tiêu dùng đi xuống.  

Bà Anneka Treon, Giám đốc điều hành tại công ty quản lý tài sản Van Lanschot Kempen nói với Bloomberg: “Thật kỳ lạ khi mọi người đều nói về nguy cơ suy thoái, nhưng dự báo lợi nhuận doanh nghiệp của các nhà phân tích trong vài tháng qua lại tăng thay vì giảm.

Điều này thật sự khó tin và đó là lý do vì sao mùa báo cáo kết quả kinh doanh tới lại quan trọng đến vậy. Chúng tôi cần biết biên lợi nhuận và bình luận của ban lãnh đạo doanh nghiệp về các xu hướng nhu cầu mới nhất mà họ chứng kiến”.  

 

Dưới đây là 5 vấn đề mà giới đầu tư đang theo dõi trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II - thứ có khả năng quyết định liệu chứng khoán sẽ phục hồi hay rơi xuống đáy mới.

Thiệt hại vì lạm phát

Các công ty trong lĩnh vực bán lẻ lo ngại rằng tâm lý người tiêu dùng xuống dốc có thể kéo theo nhu cầu giảm sút. Loạt cảnh báo suy thoái gần đây có thể sẽ dẫn đến thay đổi trong hành vi hộ gia đình, hạn chế quyền năng định giá và năng lực bảo vệ biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Một số nhà đầu tư cược rằng các công ty công nghệ vốn hóa siêu lớn với quy mô khổng lồ đang có lợi thế hơn trong việc duy trì tăng trưởng và chống chịu áp lực. 

Bà Marija Veitmane, chuyên gia cấp cao tại State Street Global Markets chỉ ra, khi người tiêu dùng chuyển sang những mặt hàng rẻ hơn, các công ty bán hàng cho thị trường đại chúng có thể sẽ là những doanh nghiệp gặp khó khăn nhất.

Ngay cả các ngân hàng cũng có thể bị ảnh hưởng, dù ngành này thường được hưởng lợi khi lợi suất thực đi lên. Bà Veitmane giải thích: “Mức độ bằng phẳng của đường cong lợi suất có thể triệt tiêu lợi ích từ việc lãi suất gia tăng và đè nén lên biên lợi nhuận ròng của các ngân hàng”.

Suy thoái

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ và giá dầu đều đồng loạt đi xuống thời gian gần đây, tờ Bloomberg đánh giá nhà đầu tư đã chuẩn bị tâm thế cho suy thoái.

Nhà đầu tư có thể muốn nghe xem doanh nghiệp nói gì về nửa cuối năm, nhưng họ đã tích trữ sẵn tiền mặt và trú ẩn trong trái phiếu.

Bank of America cho biết khoảng 63 tỷ USD trên thị trường chứng khoán đã chảy vào tiền mặt chỉ trong tuần kết thúc vào ngày 6/7. Trái phiếu toàn cầu cũng chứng kiến dòng tiền vào lớn nhất trong 14 tuần qua – 2,4 tỷ USD – nhờ vào lực mua nợ chính phủ và trái phiếu Kho bạc lớn. 

 

Tuần trước tỷ phú Ken Lagone, đồng sáng lập nhà bán lẻ Home Depot, đánh giá rằng Mỹ đã rơi vào suy thoái. Không chỉ ông Lagone mà nhiều tên tuổi lớn khác cũng có ý kiến tương tự, ví dụ như "nữ kiệt" giới đầu tư Cathie Wood. 

Ông Danni Hewson, nhà phân tích tài chính ở AJ Bell nêu ý kiến: “Một số công ty có thể lợi dụng tâm lý ảm đạm chung để che đậy các tin xấu họ đang giấu giếm”.

Ông Thomas Hayes, Chủ tịch Great Hill Capital, nhận định: "Không loại trừ khả năng chúng ta sẽ có một quý tồi tệ”. Nhưng ông cũng lưu ý rằng nếu khả năng này là sự thật thì đã có thêm nhiều doanh nghiệp hạ dự báo lợi nhuận trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh.

Gián đoạn ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc, dự báo lợi nhuận của hàng chục doanh nghiệp – chủ yếu là từ các công ty năng lượng và vật liệu – đều mang tính tích cực. Nhưng những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hạn chế COVID-19 mới là tâm điểm của mùa báo cáo này.

Các nhà phân tích của Haitong Securities cho biết trong 5 tháng đầu năm, dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp của cả năm 2022 đã giảm từ 31% xuống 22%.

 

Northeast Securities dự đoán thép và vật liệu xây dựng sẽ là các ngành tụt hậu so với mặt bằng chung do doanh số bất động sản ảm đạm và hoạt động xây dựng bị đình trệ. Doanh nghiệp tiêu dùng cũng có thể bị ảnh hưởng lớn vì các biện pháp chống COVID-19.  

Những biện pháp này cũng tác động đến doanh nghiệp Mỹ, ví dụ như Starbucks và Canada Goose Holdings.

Cuối tháng 6, Nike đưa ra dự báo cả năm bi quan vì phải đóng cửa nhiều cửa hàng ở Trung Quốc. Các biện pháp phòng dịch ảnh hưởng đến hệ thống nhà máy Trung Quốc cũng có tác động lan tỏa sang những nước khác, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khả năng cung ứng vật liệu thô và linh kiện máy móc. 

Bế tắc năng lượng ở châu Âu

Theo dữ liệu từ Bloomberg Intelligence, lợi nhuận của các doanh nghiệp năng lượng thuộc S&P 500 được dự kiến tăng hơn ba lần trong quý II. Trong khi đó, mức tăng trung bình của mọi công ty thuộc S&P chỉ là 4%. Tuy gần đây giá dầu đã suy yếu, giới chuyên gia tại JPMorgan và UBS Global Wealth Management vẫn rất lạc quan về ngành này.

Nhưng trong bối cảnh châu Âu thấp thỏm vì suy giảm nguồn cung khí đốt từ Nga, các doanh nghiệp trong khu vực đang lo ngại về nguy cơ thiếu hụt năng lượng khi mùa đông đến. Trong tháng 7, Pictet Asset Management đã hạ xếp hạng các cổ phiếu khu vực đồng euro.

Tương lai của các công ty tiện ích trong khu vực cũng không sáng sủa hơn. Chính phủ phương Tây phải vận đến những biện pháp quyết liệt để đối phó với tình hình. Pháp đang quốc hữu hóa gã khổng lồ điện hạt nhân Electricite de France, còn Đức đang bàn luận để giải cứu công ty khí đốt Uniper.

 

Euro gần ngang giá USD

Sự suy yếu của đồng euro có thể đảo lộn lợi nhuận của các công ty thiên về nhập khẩu của châu Âu và các công ty Mỹ dựa vào khu vực này để mua linh kiện. Các công ty châu Âu có thể bị tổn thương bao gồm nhóm doanh nghiệp điện lực, du lịch và giải trí. Ông James Athey, Giám đốc đầu tư tại Abrdn bày tỏ: “Tôi sợ rằng lợi ích khi đồng euro suy yếu sẽ bị lu mờ bởi triển vọng kinh tế xấu đi”.  

Trái với diễn biến của đồng euro, đồng USD lại đang mạnh lên. Chỉ số USD của Bloomberg đã tăng 9% trong năm nay. Lo ngại về diễn biến trên thị trường ngoại tệ đang đè nặng lên các công ty Big Tech của Mỹ. Tháng trước, Microsoft cảnh báo rằng đồng bạc xanh mạnh mẽ sẽ tác động xấu đến lợi nhuận của công ty trong quý II.

Giang