|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba tia sáng lẻ loi trong màn đêm mịt mù của thị trường chứng khoán Mỹ

14:25 | 06/07/2022
Chia sẻ

Nhà đầu tư có thể còn phải chịu thêm nhiều thiệt hại, nhưng thị trường vẫn còn ba điều may mắn: định giá thực đang được khôi phục, trái phiếu chính phủ một lần nữa giúp giảm thiểu rủi ro, và các rủi ro chính không khiến hoạt động của hệ thống bị trục trặc. 

(Hình minh họa: Bloomberg). 

Nửa đầu năm 2022 là quãng thời gian đầy đau đớn với các nhà đầu tư tại Mỹ. Họ hứng hàng loạt khoản lỗ lớn vì cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, tiền mã hóa và các loại tài sản khác.

Hầu như trong 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư cũng không nhận được bất kỳ sự bảo vệ nào từ trái phiếu chính phủ. Công cụ truyền thống giúp giảm thiểu rủi ro này cũng không chống chọi được đà giảm của thị trường chung và lao dốc nặng nề.

Nhìn chung, trừ dầu mỏ và một số loại hàng hóa khác, thì mọi thị trường đều bị bóng đen che phủ. Trong môi trường hiện nay, thật khó để tin rằng vẫn còn những tia sáng trên thị trường, đặc biệt là khi quá nhiều nhà phân tích cảnh báo về những khó khăn trong khoảng thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Mohamed A. El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng của công ty dịch vụ tài chính Allianz, lập luận rằng vẫn còn có ba tia sáng hiện hữu trên thị trường hiện nay.

Thứ nhất, định giá thực sự và bền vững đang được khôi phục sau giai đoạn giá tài sản bị bóp méo và thổi phồng bởi các đợt bơm thanh khoản khổng lồ của các ngân hàng trung ương. Một số cổ phiếu nổi bật đã rơi vào vùng quá bán trong đợt bán tháo quy mô lớn vừa qua do thanh khoản bị rút lại.  

Thứ hai, sau khi tụt dốc cùng thị trường chứng khoán, trái phiếu chính phủ đã trở lại vai trò là công cụ giúp giảm thiểu rủi ro cho danh mục của nhà đầu tư. Đây là tin vui với những nhà đầu tư cảm thấy rằng họ “không còn chỗ trú thân” trong thị trường hỗn loạn nửa đầu năm nay.

Mối tương quan nghịch chiều giữa giá trái phiếu chính phủ (tài sản phi rủi ro) và giá cổ phiếu (tài sản rủi ro) đã trở lại. Điều này xảy ra là nhờ vào việc ba yếu tố rủi ro chính đã diễn ra tuần tự chứ không phải đồng thời, và đây chính là tia sáng thứ ba.

Nếu ba yếu tố này xảy ra đồng loạt, tổn thất tới thị trường và nền kinh tế Mỹ sẽ còn lớn hơn nhiều, theo tờ Bloomberg.

Cuộc bán tháo của thị trường bắt đầu khi “rủi ro lãi suất” tăng vọt dưới áp lực lạm phát và phản ứng chính sách chậm chạp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cả cổ phiếu lẫn trái phiếu đều bị ảnh hưởng nặng nề. Vài tuần sau, đến lượt “rủi ro uy tín” gia tăng khi nhà đầu tư sợ hãi rằng việc Fed cố gắng bắt kịp với lạm phát sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Hai rủi ro trên tồn tại càng lâu thì càng có nguy cơ giải phóng rủi ro thứ ba đáng sợ hơn nhiều: hoạt động của thị trường gặp rắc rối.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán Mỹ đang bước ra khỏi giai đoạn "giả tạo" mà chính sách tiền tệ của Fed khơi mào. Trước đó, lập trường "siêu lỏng lẻo" của Fed đã khiến định giá cao ngất ngưởng và bị bóp méo, nguồn lực bị phân bổ sai sách và nhà đầu tư không đoái hoài đến các yếu tố cơ bản. 

Đối với các nhà đầu tư dài hạn, sự chuyển đổi này là tích cực và hứa hẹn sẽ dẫn đến cái đích bền vững hơn. Dù vậy, con đường phía trước vẫn còn lắm gập ghềnh và chông gai. 

Giang