|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nomura 'điểm tên' các nền kinh tế có thể suy thoái trong 12 tháng tới, Mỹ nằm đầu danh sách

08:11 | 06/07/2022
Chia sẻ
Kinh tế trưởng tại công ty môi giới Nomura cảnh báo, nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát tăng cao.

Chia sẻ với CNBC, ông Rob Subbaraman - kinh tế trưởng kiêm trưởng bộ phận phân tích thị trường toàn cầu của Nomura, bày tỏ: “Ngay bây giờ, nhiệm vụ duy nhất của nhiều ngân hàng trung ương là phải hạ nhiệt lạm phát.

Sự tín nhiệm của công chúng đối với chính sách tiền tệ là một tài sản quý giá, các nhà hoạch định hẳn sẽ không muốn mất đi lòng tin này. Vì vậy, họ đang hành động rất gấp rút và tích cực”.

“Điều đó đồng nghĩa rằng trước mắt, các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất rất mạnh tay. Trong vài tháng qua, chúng tôi đã chỉ ra các rủi ro suy thoái kinh tế…Và bây giờ, chúng ta có khá nhiều nền kinh tế phát triển đang rơi vào suy thoái”, ông nói tiếp.

Mỹ là một trong các nền kinh tế lớn mà Nomura "điểm danh". (Ảnh minh hoạ: Fox Business).

Ngoài Mỹ, Nomura dự kiến suy thoái cũng sẽ xuất hiện ở khu vực đồng euro, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Canada vào năm tới, hãng môi giới cho biết trong một ghi chú.

Theo ông Subbaraman, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã duy trì “chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo” quá lâu và hy vọng rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Giờ đây, chính phủ nhiều nước phải bám theo và cố gắng giành lại quyền kiểm soát giá cả.

“Một điểm mà tôi muốn nhấn mạnh khi có nhiều nền kinh tế suy yếu cùng lúc là bạn không thể dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng. Đó là một lý do khác khiến Nomura tin rằng nguy cơ suy thoái lần này là rất thật và sắp sửa xảy ra”, ông Subbaraman cảnh báo.

Suy thoái tại Mỹ: nông nhưng kéo dài

Tại Mỹ, Nomura dự báo một cuộc suy thoái nông nhưng kéo dài trong 5 quý sẽ bắt đầu từ quý cuối cùng của năm 2022.

“Nước Mỹ sẽ rơi vào suy thoái, tăng trưởng GDP hàng quý (so với quý trước) sẽ bắt đầu đi xuống từ quý IV năm nay. Đây sẽ là một cuộc suy thoái nông nhưng kéo dài tương đối. Chúng tôi tin kinh tế sẽ sa sút trong 5 quý liên tiếp”, ông Subbaraman nhận định.

 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là hai trong các ngân hàng trung ương đang tìm cách chế ngự lạm phát cao kỷ lục bằng việc tăng lãi suất thật mạnh.

Đầu tháng 6, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, qua đó đưa lãi suất chuẩn lên phạm vi 1,5% - 1,75%. Chủ tịch Jerome Powell đã phát tín hiệu rằng Fed có thể sẽ thực hiện một đợt tăng 50 hoặc 75 điểm cơ bản khác trong tháng 7 này.

“Fed sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào hố sâu suy thoái, nguyên nhân là bởi vì lạm phát hiện đang rất khó khống chế. Áp lực giá cả sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài, rất khó để hạ gục nó”, vị kinh tế trưởng tiếp tục.

“Chúng tôi dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 7 và sau đó là 50 điểm khác vào cuộc họp tiếp theo. Sau đó, ngân hàng trung ương này sẽ thực hiện một loạt đợt tăng 25 điểm cơ bản cho đến khi lãi suất chuẩn lên phạm vi 3,75% vào tháng 2 năm sau”, ông Subbaraman chia sẻ.

Rủi ro với các nền kinh tế quy mô trung bình

Trong ghi chú, Nomura đã đề cập tới một số nền kinh tế quy mô trung bình - bao gồm Australia, Canada và Hàn Quốc. Đây là các nước từng ghi nhận những đợt bùng nổ trên thị trường nhà ở gắn liền với hoạt động đi vay nợ.

Nomura cho biết, các nền kinh tế trên có nguy cơ suy thoái sâu hơn dự báo nếu lãi suất tăng cao, khiến thị trường bất động sản lao dốc và doanh nghiệp địa ốc tháo dỡ đòn bẩy tài chính.

 

“Nền kinh tế hiện không đứng trước rủi ro suy thoái là Trung Quốc…mặc dù nước này có nguy cơ bị phong toả trở lại và đối mặt với một cuộc suy thoái khác. Rủi ro là Bắc Kinh vẫn còn giữ nguyên chiến lược Zero COVID”, ghi chú nhấn mạnh.

Mặt khác, ông Subbaraman cảnh báo, nếu các ngân hàng trung ương không thắt chặt chính sách tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát ngay bây giờ, thì nền kinh tế sẽ còn chịu nỗi đau và thiệt hại khủng khiếp hơn khi lạm phát tăng cao và kéo dài dai dẳng hơn.

Một khi lạm phát ăn sâu bám rễ vào nền kinh tế, nó sẽ kích hoạt vòng xoáy giá cả - tiền lương và về lâu dài, ai cũng sẽ chịu thiệt.

“…chấp nhận nỗi đau trước mắt và kéo lạm phát xuống sẽ tốt cho nền kinh tế và xã hội thế giới hơn là để lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát như những gì chúng ta đã thấy vào thập niên 1970”, ông Subbaraman bày tỏ.

 

Yên Khê