Vận mệnh của thị trường chứng khoán lẫn kinh tế Mỹ đều nằm gọn trong tay giá dầu
Tại cuộc họp chính sách tháng 6, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ ra rằng ngân hàng trung ương này không còn bận tâm đến việc phân biệt lạm phát toàn phần và lạm phát lõi.
Thông thường, các ngân hàng trung ương tập trung vào lạm phát lõi vì dữ liệu này ít biến động hơn và mọi người công nhận rằng giá cả của một số loại hàng hóa nằm ngoài phạm vi kiểm soát của chính sách tiền tệ. Nhưng giai đoạn hiện nay không thể coi là bình thường. Và đối với người tiêu dùng, lạm phát lõi hạ nhiệt không có ích là bao nếu xăng vẫn đắt.
Hơn nữa, Fed sợ rằng áp lực lạm phát phình to sẽ kéo kỳ vọng lạm phát đi lên. Về lý thuyết, kỳ vọng này có thể khiến lạm phát trên thực tế tăng cao. Và đây là lý do thứ hai khiến Fed không nên phân biệt giữa lạm phát toàn phần và lạm phát lõi. Mục tiêu lớn nhất là kéo lạm phát toàn phần đi xuống, và Fed sẵn sàng trả giá bằng một cuộc suy thoái nếu cần thiết.
Tuy nhiên, việc Fed tập trung vào lạm phát toàn phần lại khiến giá dầu có tầm quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu giá dầu liên tục tiến lên thì gần như Fed sẽ tự động thắt chặt chính sách quyết liệt hơn nữa. Còn nếu dầu quay đầu giảm thì Fed sẽ dễ thở hơn và có thể không cần tăng lãi suất mạnh như dự kiến.
Có vẻ như hai kịch bản này đang được phản ánh trên thị trường chứng khoán Mỹ. Nếu nhìn lại khoảng thời gian Fed ra quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm % hồi giữa tháng này, bạn sẽ thấy giá dầu sụt giảm trong vài ngày còn hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 thì vững vàng và lăm le ngóc đầu. Diễn biến trong tuần này thì ngược lại. Giá dầu tăng đáng kể còn chứng khoán Mỹ thì giảm điểm.
Tuy giữa dầu và chứng khoán không có mối quan hệ nghịch đảo thực sự, nhưng sự gia tăng của giá dầu trong tuần này vẫn là mối đe dọa tới thị trường chứng khoán Mỹ. Một phần nguyên nhân là giá dầu cao hơn có thể khuyến khích Fed tung ra thêm một đợt tăng lãi suất 0,75 điểm %.
Sự căng thẳng giữa dầu và mọi ngành khác đặc biệt nổi bật vào phiên giao dịch 28/6, khi thị trường chung đỏ lửa còn mọi cổ phiếu dầu đều thắm sắc xanh.
Theo tờ Bloomberg, một trong những điều đáng chú ý khác là dầu không chỉ quan trọng với thị trường tài chính và Fed. Tuần này, chi nhánh Dallas của Fed đã công bố báo cáo sản xuất mới nhất, đính kèm bình luận đáng chú ý từ những người tham gia khảo sát. Một vài trong số họ chỉ ra rằng giá dầu tăng cao gần như có tác động đến mọi loại hàng hóa khác.
Một người trong lĩnh vực sản xuất kim loại cơ bản cho biết: “Lạm phát tiếp tục tác động trong bất kỳ lĩnh vực nào có liên quan tới giá xăng dầu, tức là hầu hết những gì chúng tôi mua”.
Một người khác cũng tham gia khảo sát bình luận: “Mọi thứ chúng tôi mua và bán được chuyên chở bằng xe tải, và có khi chúng tôi còn chẳng thuê được xe.
Lạm phát vẫn sẽ tiếp diễn cho đến khi Mỹ tự chủ được về dầu khí. Chính sách chính trị hiện nay có lẽ sẽ giữ nguyên cho đến năm 2024. Do đó, lạm phát sẽ đeo bám nền kinh tế thêm một khoảng thời gian nữa, rồi sau đó là lạm phát đình trệ!”.
Còn đây là nhận xét từ một người trong ngành in ấn và sản xuất liên quan: “Giá nhiên liệu tăng kéo theo mọi chi phí nguồn cung và phân phối đi lên”.
Do đó, nhìn từ góc độ thị trường đơn thuần, giá dầu có quyền năng chi phối lớn vì Fed đang rất tập trung vào lạm phát toàn phần.
Còn nhìn từ góc độ nền kinh tế thực, giá dầu cũng đóng vai trò cực lớn vì dầu ảnh hưởng đến mọi thứ. Nói cách khác, vận mệnh của cả thị trường chứng khoán lẫn kinh tế Mỹ đều đang phải phó mặc cho giá dầu.