|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phương Tây đòi áp giá trần lên dầu của Nga: Nói dễ hơn làm

10:07 | 29/06/2022
Chia sẻ
Việc đặt giới hạn lên giá dầu của Nga mặc dù được sự đồng thuận của G7 nhưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi áp dụng vào thực tế, từ việc tụ hợp đủ các nhà nhập khẩu ủng hộ cho đến nguy cơ Nga ngừng hoàn toàn xuất khẩu dầu.

Ý tưởng tốt

Theo OilPrice.com, việc đặt giới hạn lên giá dầu Nga được kỳ vọng sẽ đảm bảo dòng nhiên liệu vẫn chảy nhưng đồng thời làm giảm doanh thu của Điện Kremlin. Ý tưởng này vừa nhận được sự ủng hộ lớn tại hội nghị G7 tuần trước, nhưng vẫn còn nhiều thử thách để áp dụng vào thực tế.

Các nhà lãnh đạo G7 tại Schloss Elmau, Đức. (Ảnh: Tobias Schwarz/AFP).

Kế hoạch giới hạn giá dầu của Nga lần đầu tiên được đưa ra trong thảo luận giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức EU về việc tìm ra giải pháp cho vấn đề lạm phát trong khi hạn chế nguồn thu của Moscow. Rõ ràng là hạn chế xuất khẩu dầu của Nga không phải là ý tưởng tốt nhất.

Mỹ, Anh, và gần đây là EU, đều đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga, nhưng Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng cường mua hàng hóa của Điện Kremlin do mức chiết khấu cao. Hiện tại, EU vẫn đang mua nhiên liệu từ Nga trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực vào cuối năm nay.

Phương Tây đang phải trả một cái giá khá cao cho việc kìm hãm mọi hoạt động xuất khẩu của Nga. Vì vậy, cần tìm ra một biện pháp thay thế để đảm bảo vẫn cung cấp đủ cho thị trường quốc tế và giảm doanh thu từ việc bán hàng hóa của Nga.

Financial Times dẫn lời Thủ tướng Mari Draghi của Italy phát biểu ngay trong ngày đầu tiên của cuộc họp G7: "Chúng ta phải giảm lượng tiền đến Nga nhưng đồng thời loại bỏ một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát".

Đầu năm nay, ông Draghi cũng đưa ra ý tưởng thành lập tổ chức theo kiểu OPEC nhưng của người mua như một cách thúc đẩy liên minh xuất khẩu OPEC sản xuất nhiều dầu hơn.

Thách thức thực tế

Thành lập một liên minh OPEC cho người mua dầu sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, dựa trên các bình luận tại Schloss Elmau, khu nghỉ dưỡng lâu đài ở Đức, nơi các nhà lãnh đạo G7 đang gặp mặt.

Theo ông Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, vấn đề lớn trong kế hoạch là đảm bảo mức giá  trần gây tổn hại cho Nga hơn là những người mua dầu của Nga.

EU đang chịu mức lạm phát cao kỷ lục kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

"EU muốn đảm bảo mục tiêu là nhắm vào Nga và không làm cho cuộc sống của mình trở nên khó khăn và phức tạp hơn", ông Michel tuyên bố.

Bình luận của ông có thể coi như bằng chứng rằng các lệnh trừng phạt hiện tại dường như đang gây đau đớn hơn cho công dân của phương Tây hơn là tới người Nga.

"Chúng tôi đang trên con đường để đạt được một thỏa thuận", một quan chức chính phủ Đức giấu tên nói với Reuters một ngày trước khi cuộc họp G7 bắt đầu.

Thuyết phục hai người chơi lớn

Để thỏa thuận giới hạn giá dầu của Nga trở thành hiện thực, G7 sẽ cần sự hỗ trợ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ trong tuần này sẽ tham gia hội nghị G7 với tư cách là một quốc gia đối tác, cùng với Argentina, Nam Phi, Senegal và Indonesia.

Về phần Trung Quốc, G7 không có cách nào để khiến Bắc Kinh ngừng mua dầu từ Moscow, ít nhất là không có gì để trao đổi qua lại. Không những thế, khối này còn đang thách thức sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bằng kế hoạch đầu tư hạ tầng trị giá 600 tỷ USD.

Ấn Độ đã tăng gấp hàng chục lần lượng dầu nhập khẩu từ Nga.

Tuy nhiên, Ấn Độ có lẽ có thể bị thuyết phục chỉ mua dầu của Nga dưới một mức giá nhất định. New Delhi đã cởi mở hơn rất nhiều trong việc đối thoại với các quốc gia bị trừng phạt, nhưng họ cũng đã chỉ ra rằng sẽ ưu tiên lợi ích của mình, bao gồm năng lượng sẵn có và giá cả phải chăng.

Do Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào dầu nhập khẩu, về mặt lý thuyết, giới hạn giá sẽ được các nhà chức trách ở New Delhi hoan nghênh. Hiện tại, dầu của Nga đã được bán với giá chiết khấu so với dầu Brent và hầu hết các hỗn hợp khác, và Ấn Độ đang tận dụng tối đa lợi thế này.

Mọi giả định phải thuận lợi

Nếu giả định rằng tất cả người mua của Nga cùng tham gia vào kế hoạch giới hạn giá của G7, thì giải pháp này mới có hiệu quả ràng buộc tuyệt đối. Lúc này, nếu Nga muốn bán dầu của mình, thì sẽ phải bán dưới một mức giá nhất định.

Thế nhưng, lại cần thêm một lần giả định nữa rằng Nga sẽ lựa chọn tiếp tục bán dầu của mình thay vì dừng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu và ngắm nhìn giá dầu Brent vượt mốc 200 USD trong vài tuần. Khả năng này cũng đã được các nhà điều hành ngành năng lượng xét đến.

Theo báo cáo của Financial Times từ ngày đầu tiên tại cuộc họp G7, các nhà điều điều hành này nói rằng nếu phải đối mặt với giới hạn giá xuất khẩu dầu, thay vì đồng ý bán với giá này, Nga có thể chọn từ chối bán dầu. 

Và cách phản ứng này của Nga chắc chắn sẽ khiến châu Âu gặp khó khăn hơn nhiều so với hiện nay. 

Minh Quang