Mỹ công bố kế hoạch đầu tư hạ tầng 600 tỷ USD để đối trọng với ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa mới công bố kế hoạch huy động 600 tỷ USD cho chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu của G7 để đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Kế hoạch trên được ông Biden tiết lộ trong bài phát biểu hôm 26/6, ngày đầu tiên trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày của các nước G7. Tham dự cùng ông Biden là 6 nguyên thủ quốc gia đến từ các nước phát triển nhất thế giới.
Theo SCMP, sáng kiến Đối tác về Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) là bản sửa đổi của kế hoạch Xây dựng Thế giới Tốt đẹp hơn (BBBW) được giới thiệu tại cuộc họp năm ngoái của G7. Một quan chức Mỹ nói rằng PGII sẽ cung cấp giải pháp thay thế cho các mô hình cơ sở hạ tầng “bẫy nợ" của Trung Quốc.
Sau thông báo của ông Biden, Nhà Trắng ra tuyên bố: “Cùng với các đối tác G7, chúng tôi nhắm đến việc huy động 600 tỷ USD cho tới năm 2027 để đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu”.
Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ huy động 200 tỷ USD cho PGII trong 5 năm tới “thông qua các khoản trợ cấp, tài trợ liên bang và tận dụng đầu tư từ khu vực tư nhân”. Những dự án này sẽ tập trung vào năng lượng sạch, công nghệ viễn thông an toàn, hệ thống y tế và những lĩnh vực khác.
Chính phủ Mỹ khẳng định “đây mới chỉ là khởi đầu”. Mỹ và các đối tác G7 dự định sẽ thu hút “thêm hàng trăm tỷ USD vốn từ các đối tác cùng chí hướng, ngân hàng phát triển đa phương, các tổ chức tài chính phát triển, quỹ đầu tư quốc gia, và nhiều bên khác".
Ông Biden từng đề cập đến ý tưởng xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu trong chiến dịch tranh cử tổng thống hơn hai năm trước. Từ đó đến nay, ngày càng có nhiều cáo buộc từ Mỹ và các nước châu Âu rằng Bắc Kinh đang tạo gánh nặng nợ nần cho các bên tham gia vào BRI.
BRI là kế hoạch đầu tư và thương mại kết nối Trung Quốc với những nền kinh tế khác, được Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2013. Sáng kiến này đã mở rộng sức ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh thông qua việc xây cầu, cảng và cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển.
Không có dữ liệu chính thức về tổng giá trị các khoản đầu tư đã được thực hiện từ khi BRI được khởi động. Năm 2020, World Bank ước tính khoảng 500 tỷ USD đã được đầu tư vào các dự án BRI tại 50 nước trong giai đoạn 2013-2018.
Còn theo các báo cáo Đầu tư BRI của Trung tâm Tài chính và Phát triển xanh liên kết với Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, tổng trị giá các khoản đầu tư thuộc BRI của Trung Quốc từ 2019 đến 2021 là 162,9 tỷ USD.
Như vậy, từ khi BRI được khởi xướng đến nay, Trung Quốc đã chi khoảng 662,9 tỷ USD cho chương trình này, lớn hơn quy mô kế hoạch của G7. Morgan Stanley dự đoán tổng chi phí của Trung Quốc trong suốt vòng đời của BRI có thể lên tới 1.200-1.300 tỷ USD vào năm 2027, nhưng ước tính về tổng đầu tư có thể khác nhau.
Vị quan chức cấp cao của Mỹ thừa nhận rằng sáng kiến BRI có tầm ảnh hưởng đáng kể, nhưng tin rằng kế hoạch của G7 sẽ có lợi thế.
“Đúng là Sáng kiến Vành đai và Con đường đã được triển khai trong vài năm và đã tiến hành đầu tư cũng như giải ngân nhiều khoản lớn. Nhưng tôi tin rằng việc đưa ra PGII vào lúc này không phải đã quá trễ, thậm chí đây mới đúng thời điểm”.
Vị quan chức giấu tên tiết lộ rằng “nhiều nước” từng hợp tác với Trung Quốc giờ đang thấy hối hận, kết luận rằng Bắc Kinh quan tâm đến việc thiết lập chỗ đứng kinh tế và địa chiến lược hơn là mang lại lợi ích cho người dân địa phương.
Vị này nói thêm: “Chúng tôi mang đến đề nghị đầu tư giúp cải thiện đất nước của bạn, cải thiện nền kinh tế và tạo ra tác động lâu dài lên GDP và người dân. Đó chính là bản chất đề xuất của PGII”.
Trong số các nước G7, chỉ có Pháp và Italy đã tham gia sáng kiến BRI. Hồi tháng 2, Trung Quốc và Pháp tuyên bố hai nước này đang hợp tác xây dựng 7 dự án cơ sở hạ tầng tại châu Phi, Đông Nam Á và và Đông Âu trị giá hơn 1,7 tỷ USD.