|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc: ‘Nếu Mỹ muốn đối đầu, chúng tôi sẽ đấu lại đến cùng’

08:57 | 13/06/2022
Chia sẻ
Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa cáo buộc Mỹ “bôi nhọ” Trung Quốc và cho rằng Washington đang tìm cách cô lập Bắc Kinh khỏi các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại sự kiện Đối thoại Shangri-la năm 2019. (Ảnh tư liệu: Reuters).

Tại đối thoại Shangri-la ngày 12/6/2022, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc phát biểu rằng trách nhiệm cải thiện mối quan hệ nhiều trắc trở giữa Mỹ và Trung Quốc thuộc về phía Washington.

“Chúng tôi yêu cầu Mỹ chấm dứt việc bôi xấu và kiềm chế Trung Quốc. Dừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Quan hệ song phương không thể tốt lên nếu như Mỹ không có thiện chí”, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại diễn đàn quốc phòng và an ninh thường niên cấp cao châu Á.

“Tuy nhiên, nếu Mỹ muốn đối đầu, chúng tôi sẽ đấu lại đến cùng. Quân đội hai nước nên tích cực nỗ lực xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp”, ông Ngụy nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cho rằng chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden dẫn tới “xung đột và đối đầu”.

Tháng 5 vừa qua, Mỹ công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) nằm trong chiến lược chung của toàn khu vực. IPEF bao gồm 13 quốc gia và không có Trung Quốc.

“Đối với Trung Quốc, chiến lược này là nỗ lực xây dựng một nhóm đặc quyền nhỏ trên danh nghĩa vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cở mở, thực chất là nhằm cưỡng ép các nước trong khu vực và công kích một nước cụ thể”, Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa nói ngày 12/6 tại Shangri-la, Singapore.

“Đây là một chiến lược tạo ra xung đột và đối đầu nhằm kiềm chế và bao vây các nước khác. Trung Quốc mong muốn hòa bình và ổn định, chúng tôi không phải người gây chiến ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Ngụy nói, đồng thời kêu gọi Mỹ “tăng cường tình đoàn kết và phản đối sự đối đầu, chia rẽ”.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng phát biểu tại Shangri-la. Trong suốt sự kiện thượng đỉnh về quốc phòng châu Á, đại diện của Trung Quốc luôn bác bỏ những cáo buộc về việc Trung Quốc gây hấn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc đương chức cũng như đã về hưu tổ chức các cuộc họp báo đặc biệt để phản bác phát biểu của ông Kishida và ông Austin.

Hôm 11/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã mô tả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là “vùng hoạt động ưu tiên” nằm trong “trung tâm của chiến lược tổng thể của Mỹ”. Ông Austin chỉ trích gay gắt cách tiếp cận ngày càng mang tính “ép buộc và hung hăng” của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi mà Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Indonesia.

Máy bay chiến đấu F-16V của Đài Loan cất cánh, năm 2022. (Ảnh: Getty Images).

Về vấn đề Đài Loan, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khẳng định đảo Đài Loan là một tỉnh cần được thống nhất với đại lục, giải pháp cuối cùng là dùng đến vũ lực. Trung Quốc sẽ không nhân nhượng với bất kỳ nỗ lực tuyên bố độc lập nào của Đài Loan.

“Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi giá và sẽ chiến đấu đến tận cùng. Đó là lựa chọn duy nhất của Trung Quốc”, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa nói. “Những ai đang theo đuổi việc tuyên bố Đài Loan độc lập nhằm chia rẽ Trung Quốc chắc chắn sẽ không có kết cục tốt đẹp”.

“Đài Loan thuộc về Trung Quốc, là một tỉnh của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ hiện thực hóa việc thống nhất Đài Loan”, ông Ngụy khẳng định.

Nhiều đời Tổng thống Mỹ duy trì quan điểm "mập mờ chiến lược" trong vấn đề Đài Loan. Mỹ bán nhiều vũ khí hiện đại cho Đài Loan, bất chấp sự phản đối kịch liệt của chính phủ Bắc Kinh. Tuy nhiên, Mỹ không cam kết chắc chắn sẽ đưa quân đội đến cứu Đài Loan nếu hòn đảo này bị tấn công.

Đức Quyền

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.