|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Không phải lạm phát, thu nhập trì trệ mới là vấn đề của Trung Quốc

14:35 | 10/06/2022
Chia sẻ
Trái ngược với lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát tại Mỹ, rủi ro kinh tế chính của Trung Quốc lại xuất phát từ việc hàng trăm triệu người đang phải bám vào tiết kiệm khi tiền lương giảm hoặc biến mất.

Trong khi phương Tây đau đầu về lạm phát thì tại Trung Quốc, giá lương thực chỉ tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện giờ, tầng lớp trung lưu ở đất nước tỷ dân đang quan tâm hơn đến việc mức lương của họ đi xuống, làm kìm hãm chi tiêu và triển vọng kinh tế nói chung.

Theo SCMP, đối với khoảng 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu của Trung Quốc, việc suy giảm thu nhập ngày càng trở nên phổ biến trong bối cảnh Bắc Kinh duy trì chính sách Zero COVID nghiêm ngặt và điều kiện kinh tế khó khăn.

Ông Gong Wentao, một nhà đầu tư độc lập trên thị trường bất động sản ThÂm Quyến, cho biết: “Từ tin tức quốc tế và trong nước, chúng tôi thấy rằng lạm phát toàn cầu đang khá nghiêm trọng. Những yếu tố này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá dầu, khí đốt tự nhiên, ngũ cốc và thị trường chứng khoán của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay”.

“Nhưng những người dân bình thường vẫn tin tưởng vào khả năng ổn định giá cả của chính phủ. Tỷ lệ lạm phát cao ở phương Tây chắc chắn sẽ không xảy ra tại Trung Quốc”, ông khẳng định.

“Trong khi đó, giá nhà ở, tiền thuê nhà và thu nhập của Trung Quốc nói chung đang rất trì trệ. Tin tức hàng ngày cho thấy ngày càng có nhiều người lao động bị sa thải”, ông Gong kể. “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là chi tiêu ít hơn, bất kể chính phủ đưa ra kích thích gì. Hiện tượng này như báo hiệu một đợt suy thoái thực sự đáng sợ”.

Tuy nhiên, ông Gong tin rằng Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp hiệu quả để kiểm soát lạm phát, bao gồm cả việc dự trữ ngũ cốc trong hai năm qua.

Lạm phát không phải mối lo của Trung Quốc?

Tháng 4 năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 2,1%, với giá rau tươi tăng 24% và trái cây tươi tăng 14,1% nhưng giá thịt heo giảm 33,3%. Mức tăng ghi nhận trong tháng 3 và tháng 1 lần lượt là 1,5% và 0,9%.  

Nhìn chung, số liệu CPI mới nhất vẫn nằm trong phạm vi có thể kiểm soát được. Để so sánh thì kể cả tốc độ tăng 2,9% vào năm 2019 và 2,5% của năm 2020 vẫn nằm trong “mục tiêu khoảng 3% của chính phủ”.

Bắc Kinh đã công bố dữ liệu lạm phát tháng 5 vào đầu ngày 10/6. Theo đó, chỉ số CPI vẫn giữ nguyên mức 2,1% của tháng 4; trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn mức 8% của tháng 4.

Tỷ lệ lạm phát trong tháng 5 vẫn giữ nguyên mức 2,1% của tháng trước, thấp hơn dự kiến 0,1%.

Theo ông Shen Jianguang, kinh tế trưởng tại JD Digits, trong bối cảnh Mỹ đối mặt rủi ro lạm phát đình trệ và châu Âu có thể rơi vào suy thoái, Trung Quốc hơn bao giờ hết cần phải tăng tiêu dùng trong nước. Ông Shen cảnh báo rằng chi tiêu tiêu dùng trong nước xuống thấp đã trở thành rủi ro kinh tế hàng đầu ở Trung Quốc. 

Theo SCMP, bà Wendy Liu, Giám đốc cấp cao của một công ty nước ngoài tại Thâm Quyến, vẫn đang cố gắng xoay xở với tình hình kinh tế bất ổn. Bà nói: “Tôi không biết làm thế nào để hiểu đúng về tình hình hiện tại: là lạm phát đình trệ hay giảm phát?”

“Một mặt, các mặt hàng rau, trái cây, ăn uống và điện tử tiêu dùng đều tăng giá trong năm nay, nhưng giá thuê nhà ở và mặt hàng thịt, gạo, những thứ ảnh hưởng nhiều nhất đến người dân bình thường, lại tăng khá hạn chế”, bà cho biết.

“Kể từ năm 2020, hầu hết thu nhập của hầu hết bạn bè tôi đều đình trệ hoặc giảm sút. Tôi đủ khả năng để kiếm sống, nhưng gặp nhiều áp lực để duy trì chất lượng cuộc sống của tầng lớp trung lưu”, bà nói thêm.

Hồi kết của "tự do cherry"

Theo một cuộc khảo sát công khai gần đây trên Weibo về thu nhập, hơn 56,1% trong số 3.359 người được hỏi cho biết thu nhập của họ đã giảm trong đại dịch, trong khi 24,6% nói thu nhập không thay đổi.

Phần lớn tầng lớp trung lưu thành thị của Trung Quốc đã mất đi cái gọi là “tự do cherry”. Thuật ngữ này ám chỉ khả năng mua các sản phẩm đắt tiền mà không cần suy nghĩ kỹ, bao gồm cả các món ăn nhập khẩu như cherry từ Chile.

Chi tiêu tùy ý đã giảm tại Trung Quốc, do lương không tăng hoặc giảm nhưng chi phí sinh hoạt tăng. (Ảnh: Xinhua).

“Năm ngoái, tôi đã không ngần ngại mua một kg nho cao cấp trong nước với giá 70 nhân dân tệ (tương đương 10,5 USD). Nhưng hiện giờ giá nho cùng thương hiệu đã là 120 nhân dân tệ, còn một quả kiwi nhập khẩu thì lên tới 12 nhân dân tệ khiến mọi người phải cân nhắc kỹ trước khi mua”, chị Qiu Fa, quản lý một cửa hàng trang sức tại Quảng Châu cho biết.

Trong khi đó, mặc dù tiêu dùng và đầu tư giảm nhưng các khoản thanh toán thế chấp tốn kém vẫn cần được chi trả, còn nợ hộ gia đình thì đang tăng lên.

“Trong thập kỷ qua, mọi người đều tưởng tượng và mặc nhiên rằng cuộc sống sẽ tốt hơn: mua một ngôi nhà để bớt ảnh hưởng từ lạm phát và nhận được lợi nhuận tốt [từ các khoản đầu tư]. Nhưng hiện tại không còn ai nghĩ như vậy nữa ”, chị Lin Xiaoxia, một nhân viên văn phòng tại Thượng Hải cho biết.

Theo Cric China, giá thuê nhà ở trung bình hàng tháng tại 55 thành phố trên khắp Trung Quốc là 33,02 nhân dân tệ/m2 trong quý đầu tiên của năm 2022, giảm 0,72% so với quý IV/2021. So với cả năm 2021, tốc độ tăng giá thuê đã giảm đáng kể.

Giá thuê nhà ở tại Thâm Quyến, thành phố công nghệ năng động nhất Trung Quốc, cũng có xu hướng hạ nhiệt vào năm 2021, giảm khoảng 11% so với năm 2019, theo dữ liệu của Centaline Property.

“Vào tháng 5 và tháng 6 những năm trước, một số lượng lớn sinh viên trẻ mới tốt nghiệp từ khắp nơi đổ về Thâm Quyến để tìm việc làm và các chủ nhà đã nhân cơ hội này để tăng giá thuê, nhưng không phải năm nay”, bà Jade Zheng, một chủ nhà ở Thâm Quyến cho biết sẽ giữ nguyên giá cho thuê hai căn hộ.

Minh Quang

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.