|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vết rạn mới của nền kinh tế Trung Quốc: Người trẻ không mặn mà kiếm việc, làm giàu như xưa

08:00 | 29/05/2022
Chia sẻ
Nhờ sự hỗ trợ từ cha mẹ, nhiều người trẻ tại Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ Gen Z, ngày càng thoải mái hơn với các lựa chọn công việc và cuộc sống. Xu hướng này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế tỷ dân trong vài năm tới.

Thế hệ ít tham vọng

Trong bối cảnh nền kinh tế chững lại, lượng người lao động trẻ gia nhập thị trường việc làm tăng cao kỷ lục và số lượng công việc hạn chế hơn, các chuyên gia đã bi quan rằng các bạn trẻ tại Trung Quốc sẽ rất khó tìm được việc làm trong hè này.

Song, ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống của giới trẻ, đặc biệt là lứa sinh viên Gen Z (sinh sau năm 1996) dường như đang làm thay đổi cục diện. Thay vì theo đuổi “giấc mộng Trung Hoa” để nhanh chóng làm giàu và đổi đời, nhiều người chọn đi chậm hơn hoặc thậm chí “nằm thẳng”.

Sophia Xie (22 tuổi), người sẽ hoàn thành chương trình học tại một trường đại học hàng đầu ở Thâm Quyến hè này, chia sẻ: “Ở trường tôi, có khoảng 100 sinh viên sẽ tốt nghiệp năm nay, nhưng chỉ khoảng 10 có kế hoạch tìm việc ngay sau khi ra trường”.

“Một số khác dự định học thạc sĩ ở nước ngoài hoặc tại quê nhà, hoặc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển công chức, hoặc thậm chí ở nhà cho đến khi tìm được công việc ưng ý”, Sophia nói thêm.

(Ảnh minh họa: SCMP/Brian Wang).

Nhiều bạn cùng trang lứa của Sophia tình nguyện chọn thất nghiệp, đặc biệt là ở các thành phố hạng nhất hoặc hạng hai. Sophia là một thành viên của Gen Z và là một trong khoảng 10,76 triệu sinh viên dự kiến sẽ ra trường và bước vào thị trường lao động trong năm nay.

Tuy nhiên, SCMP dẫn số liệu từ nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhaopin cho biết, trong quý đầu tiên của năm 2022, số lượng đầu việc dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp đã giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dẫu vậy, Sophia chia sẻ: “Mặc dù nhiều người nói 2022 là năm khó tìm việc nhất từ trước đến nay, các bạn cùng trường của tôi vẫn có thể được đề nghị công việc với mức lương khởi điểm từ 6.000 đến 10.000 nhân dân tệ/tháng nếu họ cố gắng”.

“Có thể thị trường việc làm sẽ đình trệ trong vài năm tới, nhưng chúng tôi tự gọi mình là thế hệ ít có ham muốn kết hôn, sinh con và có mức thu nhập cao. Đây có thể là một vũ khí hữu ích để chúng tôi chống lại đà suy giảm kinh tế trong tương lai…”, cô tiếp tục.

Năm nay, em gái song sinh của Sophia Xie - Susie, cũng sẽ tốt nghiệp một trường đại học ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Sau đó, cô sẽ bay thẳng đến Anh để theo học chuyên ngành tâm lý và quản trị nhân sự.

Trao đổi với SCMP, Susie nói: “Ngày nay, cuộc sống ở Trung Quốc về cơ bản đáp ứng được nhu cầu sống của chúng tôi. Hơn nữa, chúng tôi cũng có đa dạng lựa chọn về nghề nghiệp, tiêu dùng và giải trí, tốt hoặc thậm chí tốt hơn so với nhiều nước phát triển”.

Đối với Sophia và những người bạn của cô, cân bằng giữa công việc và cuộc sống là ưu tiên hàng đầu. Cô cho hay: “Không phải làm thêm giờ vào cuối tuần, có cuộc sống xã hội riêng, nuôi thú cưng và đặc biệt tình yêu hay hôn nhân không phải là điều bắt buộc, chứ đừng nói đến con cái”.

Tại sao người trẻ nhẹ gánh công việc?

Sophia, giống như hầu hết những bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z khác, đều ít phải đối mặt với áp lực làm việc để kết hôn và kiếm đủ tiền để mua nhà, vì hầu hết cha mẹ của họ đều đã sở hữu ít nhất một bất động sản.

Theo một báo cáo của Citic Securities hồi năm ngoái, số con trong độ tuổi Gen Z của các hộ gia đình Trung Quốc trung bình là 0,94 - giảm so với khoảng 2vào năm 1971. Điều đó đồng nghĩa rằng người trẻ được cha mẹ hỗ trợ nhiều hơn vì có ít anh chị em hơn.

Mặt khác, trong quý I/2022, mức lương trung bình hàng tháng tại 38 thành phố lớn của Trung Quốc là 10.014 nhân dân tệ, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo nền tảng Zhaopin, mức lương hàng tháng của một người có bằng cử nhân đã tăng 1,8% so với năm trước lên 12.033 nhân dân tệ. Song, Sophia bày tỏ: “Với mức lương đó, chúng tôi khó có thể vay nợ mua nhà, kết hôn và sinh con”.

Yu Qian, 24 tuổi, đã vay 100.000 nhân dân tệ từ gia đình vào năm 2020 để bắt đầu công việc kinh doanh ở quê hương Trú Mã Điếm, một thành phố cỡ trung ở tỉnh Hà Nam. Công việc của cô là mở xưởng dạy vẽ cho trẻ em.

Theo SCMP, các chú của Yu đã rời nông thôn vào đầu những năm 2000 để làm việc ở các thành phố biển, với ước mơ kiếm đủ tiền để phụng dưỡng cha mẹ già, mua nhà, kết hôn và nuôi dưỡng con cái ở thành phố. Tuy nhiên, cô lại không nối gót họ.

“Tôi không có kế hoạch sống ở các thành phố hạng nhất, quê tôi bây giờ đã đô thị hóa khá nhiều, các ứng dụng tôi dùng ở đây cũng giống như ứng dụng mà các bạn tôi sử dụng ở các thành phố lớn, và tàu cao tốc cũng rất tiện lợi”, Yu nói.

“Đại dịch đã ảnh hưởng đến xưởng vẽ của tôi, khiến xưởng phải đóng cửa gần một tháng vào tháng trước. Song, tôi cảm thấy ổn và không căng thẳng gì, miễn là tôi vẫn giữ kế hoạch chỉ sinh một con trong tương lai”, cô nói tiếp.

Theo lời Yu, nếu kết hôn, hầu hết thanh niên ở các thành phố nhỏ sẽ có ít nhất một bất động sản, một ô tô, tiền mặt khoảng 200.000 nhân dân tệ và thường thì cha mẹ họ sẽ trang trải phần lớn chi phí.

Nhìn chung, thế hệ Gen Z của Trung Quốc ít gặp phải áp lực hơn so với Gen Y, khiến lựa chọn công việc của họ cũng đổi khác đi.

“Có thể tác động kinh tế của đại dịch sẽ sớm ảnh hưởng đến chúng tôi. Nhưng tôi thích sống với cha mẹ và mèo cưng của mình. Cha mẹ cũng rất ủng hộ ước mơ trở thành một chuyên gia fitness của tôi”, Wang Ang, 19 tuổi đến từ Quảng Châu, cho hay.

Bà Annie Wang, chủ một công ty giải pháp tiếp thị lớn, bình luận: “Người trẻ giờ đây có cảm giác an toàn và tự tin vào công việc cũng như thu nhập của mình hơn trước. Họ không còn chịu áp lực sinh kế và có thể tập trung vào sở thích cá nhân”.

Khả Nhân

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.