|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ai sẽ là những 'hiệp sĩ trắng' giải cứu ngành bất động sản Trung Quốc?

14:18 | 25/05/2022
Chia sẻ
Gần 5 năm trước, hai ông lớn bất động sản khác đã ra tay giải cứu Dalian Wanda khi tập đoàn này gặp hoạn nạn. Giờ đây, cả ngành bất động sản Trung Quốc đều lao đao thì ai sẽ đứng ra giải cứu?

Hai cựu “hiệp sĩ trắng”

Cách đây gần đúng 5 năm, một trong những tài phiệt giàu có nhất Trung Quốc đã mở họp báo khẩn cấp để thông báo về “cuộc giải cứu” doanh nghiệp quy mô lớn nhất thời điểm đó, trong bối cảnh chính quyền trung ương trấn áp các thương vụ trục lợi trong lĩnh vực bất động sản.

Tại tòa nhà trụ sở của tập đoàn Dalian Wanda ở Bắc Kinh, giới truyền thông đang chờ đợi ông trùm địa ốc Wang Jianlin xuất hiện. Ông Wang đang ẩn mình trong một phòng họp. Cánh nhà báo bên ngoài nghe thấy tiếng la hét, đồ đạc bị đập phá và tiếng kính vỡ.

Một lúc sau, ông Wang bước ra khỏi phòng, tất cả đều mỉm cười. Đi cùng ông là Chủ tịch Sun Hongbin của Sunac China Holdings và Chủ tịch Li Sze-lim của Guangzhou R&F Properties, SCMP cho hay.

Chủ tịch tập đoàn Dalian Wanda - Wang Jianlin (thứ hai bên trái) nâng ly cùng Chủ tịch Sun Hongbin của Sunac China Holdings (thứ hai bên phải) và Chủ tịch Li Sze-lim của Guangzhou R&F (ngoài cùng bên phải) tại buổi "giải cứu" tháng 7/2017. (Ảnh: AFP).

Ngày hôm đó, Wang Jianlin đã gây bất ngờ cho tất cả. Ông bán 77 khách sạn cho R&F với giá 19,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 3 tỷ USD); đồng thời bán 13 dự án du lịch cho Sunac với giá 43,8 tỷ nhân dân tệ.

Hai khoản cứu trợ từ R&F và Sunac đã mang lại cho Wanda hơn 60 tỷ nhân dân tệ tiền mặt, giúp tập đoàn địa ốc này chi trả phần nào 200 tỷ nhân dân tệ tiền vay ngân hàng và trái phiếu đến hạn thanh toán.

Sau đó, để xoay xở, Wanda tiếp tục bán thêm bất động sản ở Sydney, London và Beverly Hills, một câu lạc bóng đá ở Tây Ban Nha, quyền kiểm soát nhà sản xuất du thuyền Sunseeker Yachting ở Anh, một xưởng phim và cổ phần trong chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất nước Mỹ AMC.

5 năm sau, Wanda ngày nay là một cái bóng mờ nhạt của chính nó trước đây, hoàn toàn vắng bóng trên mặt báo. Bất ngờ hơn là, hai “hiệp sĩ trắng” năm xưa giờ đang bị các cơ quan quản lý giám sát vì vấn đề nợ nần, buộc phải bán tháo tài sản để cố trụ lại.

Tuần trước, Sunac đã vỡ nợ một lô trái phiếu đồng USD. Trái phiếu của tập đoàn này còn bị Fitch Ratings hạ xếp hạng hai lần thành trái phiếu rác. Cùng lúc, R&F phải bán tài sản ở London với mức chiết khấu tới 42%.

Lần này ai ra tay giải cứu?

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn chưa từng có vì các biện pháp kiểm soát của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình trong hai năm qua. Vậy, lần này ai sẽ đứng ra giải cứu cho các công ty địa ốc?

Chia sẻ với SCMP, ông Tommy Wu, nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, nhận định: “Để thực hiện công việc giải cứu nặng nhọc này, có thể chúng ta phải cần nhiều hơn một tập đoàn hoặc một ngân hàng”.

Mặt khác, ông Wu cho hay: “Bất động sản lao đao là do các vòng chính sách của Bắc Kinh siết quanh cổ. Vì vậy, một trong những giải pháp cho vấn đề là gỡ bỏ những ràng buộc này, hoặc thậm chí là đảo ngược chúng”.

Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS), vào năm 2019, thị trường bất động sản dân cư trị giá 1.700 tỷ USD của Trung Quốc là lớn nhất thế giới, gấp 7 lần quy mô thị trường Mỹ vào năm 2019.

Xuất phát từ lo ngại rằng sự sụp đổ của thị trường nhà ở có thể kéo theo bất ổn dân sự, chính quyền các địa phương đang dần nới lỏng kiểm soát đối với lĩnh vực địa ốc, SCMP thông tin.

Ông Wu của Oxford Economics bình luận thêm: “Nguồn thu của nhiều thành phố cũng gắn liền với bất động sản, đặc biệt là thông qua bán đất, nên họ có động lực để vực dậy thị trường”.

Năm ngoái, doanh thu bán đất đã đóng góp 8.700 tỷ nhân dân tệ vào ngân quỹ của chính quyền các địa phương, chiếm 42% tổng nguồn thu (không bao gồm tài trợ từ chính quyền trung ương ở Bắc Kinh).

 

Ông Wu bình luận: “Bất kỳ sự sụt giảm nào về doanh số bán đất đều sẽ khiến nhiều lãnh đạo phải rùng mình, đặc biệt là khi thuế bất động sản được kỳ vọng từ lâu nhưng vẫn chưa trở thành một nguồn thu mới của chính quyền”.

Thị trường nhà đất càng lao đao khi làn sóng COVID mới xuất hiện và Bắc Kinh quyết tâm theo đuổi chiến lược Zero COVID. Trong tháng 4, doanh số bán nhà của Trung Quốc sụt giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời tụt 43% so với tháng trước đó.

Do đó, để kích thích nhu cầu, vào đầu tháng 5, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ giới hạn dưới của lãi suất cho vay - vốn áp dụng cho những người mua nhà lần đầu tiên, thêm 20 điểm cơ bản. Đây là một tín hiệu cực kỳ mạnh mẽ rằng Bắc Kinh đang muốn giải cứu thị trường bất động sản.

Mặt khác, trong giai đoạn từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 5 vừa qua, hơn 130 thành phố đã nới lỏng 180 quy định về mua bán bất động sản, đưa ra lãi suất vay thế chấp ưu đãi hơn và xử lý thủ tục nhanh chóng hơn,… Một số địa phương thực hiện nhiều hơn một đợt nới lỏng chính sách.

Ba thành phố cấp cao nhất cũng tham gia danh sách. Hồi tháng 2, Bắc Kinh đã giảm lãi suất vay thế chấp 5 điểm cơ bản xuống còn 5,15% đối với người mua nhà đầu tiên và 5,65% đối với người mua nhà thứ hai.

Trước khi bị phong tỏa, một số quận của Thượng Hải đã rút ngắn thời gian chờ mua nhà của người trẻ từ hai năm xuống còn ba tháng. Thâm Quyến - quê hương của hai gã khổng lồ công nghệ Tencent và Huawei, thì hạ lãi suất vay thế chấp 0,2 điểm % xuống 4,9% đối với người mua nhà lần đầu và 5,2% đối với người mua căn thứ hai.

Liệu tất cả những động thái trên có đủ để ngăn chặn cú sập của ngành bất động sản Trung Quốc hay không, SCMP đặt câu hỏi.

Đáp lại, ông Albert Yau, Giám đốc Tài chính của công ty địa ốc Zhongliang Holdings, cho hay: “Thành thật mà nói, tôi không biết khi nào tình hình sẽ khởi sắc. Mọi thứ khó khăn hơn dự đoán của chúng ta vào năm ngoái”. Bản thân Zhongliang Holdings đang gặp trục trặc với hai lô trái phiếu trị giá tổng cộng 750 triệu USD.

Yên Khê

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.