Cơn sốt đầu cơ bất động sản ở Sri Lanka trước khi đất nước lâm cảnh vỡ nợ
Tại đồn điền chè rộng hơn 3 ha trên một đỉnh đồi gần thành phố Galle ở bờ biển phía đông nam của Sri Lanka đang tọa lạc một căn biệt thự 6 phòng ngủ mang nét kiến trúc Sri Lanka cổ kính.
Biệt thự hai tầng, rộng hơn 750 m2 này có tên Pokkuluwa, hướng tầm nhìn ra Ấn Độ Dương. Khách có thể mua riêng lẻ căn biệt thự hoặc chi 3,9 triệu USD để sở hữu nó cùng một ngôi nhà hai phòng ngủ bên bờ biển cách đó gần 5 km.
Theo New York Times, căn biệt thự được hoàn thiện vào năm 2010, nằm ở độ cao hơn 240 m so với mực nước biển. Charlie Wrey, chủ cơ ngơi, chia sẻ: “Ngôi nhà này chắc chắn là sự kết hợp của các phong cách và chủ đề kiến trúc khác nhau, nhưng hơi hướng Sri Lanka luôn thấm đượm từ trong ra ngoài”.
Căn nhà hai phòng ngủ bên bờ biển nằm trên một khu đất rộng hơn 800 m2, được hoàn tất vào năm 2011. Tương tự như căn biệt thự, ngôi nhà này cũng vay mượn thiết kế thuộc địa Hà Lan nhưng vẫn sở hữu những nét kiến trúc Sri Lanka.
Được biết, Pokkuluwa chỉ là một trong vô vàn các biệt thự, bất động sản hạng sang nằm rải rác ở Sri Lanka, đặc biệt là gần khu vực bờ biển. Thực chất, người dân địa phương xây chúng không phải để nghỉ dưỡng mà để bán cho khách du lịch nước ngoài với giá hời.
Sri Lanka, với khoảng 22 triệu cư dân, là một quốc đảo nhiệt đới ở Ấn Độ Dương, cách bờ biển phía đông nam Ấn Độ khoảng 64 km.
Kể từ khi khép lại cuộc nội chiến kéo dài 26 năm vào năm 2019, đất nước này đã chứng kiến nhiều thay đổi về cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như có thêm đoạn đường cao tốc kết nối thủ đô Colombo với thành phố Galle.
Sri Lanka nổi tiếng như một điểm đến lý tưởng để người nước ngoài mua “căn nhà thứ hai”, bất chấp những thảm kịch như sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 và vụ đánh bom vào Lễ Phục sinh năm 2019.
Theo lời các nhà môi giới bất động sản, du khách nước ngoài thích thú với Sri Lanka chủ yếu là nhờ khí hậu ấm áp quanh năm, những bãi biển tuyệt đẹp, những khu rừng kỳ thú, những cánh đồng lúa đẹp như tranh vẽ và đông đảo người dân nói tiếng Anh ở nước này.
Chia sẻ với New York Times, chuyên gia bất động sản Pranesh Paramanantha tại Sri Lanka Sotheby’s International Realty, nhận xét: “Rất nhiều người Sri Lanka thân thiện và hiếu khách. Khách du lịch thực sự bị thu hút đến đất nước chúng tôi và du lịch là một yếu tố thúc đẩy chính của thị trường bất động sản”.
Sau một thời gian đình trệ, ngành du lịch tại quốc đảo Sri Lanka đã bắt đầu phục hồi từ quý IV năm 2019. Song, đầu năm sau, nước này đã ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào tháng 1 và bắt đầu áp đặt các hạn chế du lịch từ tháng 3.
Theo ông Ivan Robinson, Giám đốc cấp cao tại công ty địa ốc Lanka Real, khi vắng khách du lịch, một số chủ nhà nước ngoài ở Sri Lanka đã rao bán tài sản vì họ không thể kiếm tiền từ việc cho thuê nữa.
Bất ngờ thay, người dân địa phương lại chính là người tranh giành để mua những bất động sản xa xỉ đó, ông Robinson cho hay. “Cư dân Sri Lanka đầu tư vào bất động sản hạng sang như một hàng rào ngừa lạm phát và đồng rupee đang mất giá”, vị giám đốc nói.
“Ý tưởng là, một khi đại dịch qua đi, họ có thể các bán biệt thự cao cấp cho những nhà đầu tư nước ngoài bằng đồng USD thay vì đồng rupee của Sri Lanka”, ông Robinson cho biết thêm.
Ông Max Duddy - đồng sáng lập của hãng tư vấn địa ốc The New Sri Lankan House, cũng nhận thấy sự nhiệt tình của người dân địa phương đối với các bất động sản có giá trị cao, cả ở thủ đô Colombo lẫn các khu vực ven biển như Galle.
Dường như nhờ vào cơn sốt đầu cơ của người dân Sri Lanka mà bất chấp các làn sóng COVID dữ dội nhất, thị trường bất động sản ở quốc đảo này vẫn rất ổn định. Chỉ số giá Lanka Property Web cho thấy giá nhà ở Sri Lanka đã tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước trong quý đầu tiên của năm 2021.
Ông Pranesh cho biết: “Giá nhà tăng trưởng vững vàng đã khuyến khích nhiều người Sri Lanka tiếp tục mua bất động sản bất chấp tính khó lường của đại dịch. Người mua Sri Lanka đã gặt hái được lợi nhuận khả quan trong những năm qua, khi giá bất động sản tăng không ngừng. Do đó, họ có lý do để tiếp tục đầu cơ”.
Theo vị chuyên gia, giá nhà hạng sang ở Colombo có giá lên tới 500.000 USD, thường từ gần 3.900 đến 7.200 USD cho mỗi 1 m2. Trong khi đó, ông Robinson cho biết, các biệt thự bãi biển có 3 hoặc 4 phòng ngủ thường có giá khoảng 1 - 5 triệu USD.
Hôm 12/4/2022, ngân hàng trung ương Sri Lanka tuyên bố “không thể” thanh toán các khoản nợ nước ngoài do phải tiết kiệm nguồn ngoại tệ hạn hẹp để “nhập khẩu hàng hóa thiết yếu” cho người dân.
Cuộc khủng hoảng mà chính phủ, do Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đứng đầu, một phần bắt nguồn từ tác động tức thời của đại dịch COVID-19 và sự sa sút của lĩnh vực du lịch.
Tuy nhiên, vấn đề còn trở nên nghiêm trọng hơn bởi mức chi tiêu ngân sách quá lớn của chính quyền Colombo, việc cắt giảm thuế quá tay làm xói mòn nguồn thu của nhà nước, chính sách “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc và dự trữ ngoại hối ở mức thấp nhất trong một thập kỷ, theo The Guardian.
Dự trữ ngoại hối của Sri Lanka đã cạn kiệt hơn 70% trong hơn hai năm qua và giờ chỉ còn lại 2 tỷ USD. Trong khi đó, nước này còn có khoản nợ khổng lồ trị giá 7 tỷ USD đến hạn trả trong năm nay.
Cùng lúc, lạm phát tăng vọt do chính phủ mạnh tay in tiền để trả các khoản vay trong nước và trái phiếu nước ngoài. Tháng 2 năm nay, số liệu lạm phát giá tiêu dùng của Sri Lanka tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, lập đỉnh so với năm 2015.
Sau khi ông Rajapaksa tuyên bố Sri Lanka đang trong tình trạng khẩn cấp về kinh tế, quân đội đã được trao quyền để đảm bảo người dân có thể mua các mặt hàng thiết yếu như gạo và đường heo giá chính phủ ấn định. Song, động thái này cũng chẳng thể xoa dịu được nỗi đau của cư dân địa phương.
Anh Anurudda Paranagama, một tài xế ở thủ đô Colombo, đã nhận thêm công việc thứ hai để trang trải chi phí thực phẩm tăng cao cũng như khoản vay ô tô mới nhưng hoàn toàn không đủ.
Trao đổi với truyền thông, anh cho biết người bán tạp hóa trong làng đã khui những gói sữa bột 1 kg và chia nó thành những gói 100 g vì khách hàng không đủ tiền để mua cả gói lớn.
Đáng ngại là lĩnh vực du lịch đang thấm mệt. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, tình trạng mất việc làm trong ngành du lịch và mất nguồn thu từ khách nước ngoài đang gây ảnh hưởng lớn.
Thông thường, du lịch đóng góp đến hơn 10% GDP của Sri Lanka. Giờ đây, hơn 200.000 người tại quốc đảo 22 triệu dân đang mất đi kế sinh nhai, và đó chỉ là tính riêng trong lĩnh vực du lịch và lữ hành.
Trong bối cảnh đất nước vỡ nợ và thiệt hại kinh tế chồng chất như vậy, không ai rõ liệu ngành bất động sản của Sri Lanka có thể sống sót cho đến ngày du khách nước ngoài trở lại hay không. Những người lũ lượt đầu cơ mua biệt thự hạng sang chờ bán cho khách ngoại có thể đang rất lo lắng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/