|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sri Lanka hối hận vì cho Trung Quốc thuê cảng tối đa 198 năm

12:37 | 25/02/2021
Chia sẻ
Hợp đồng cho thuê cảng Hambantota được Sri Lanka ký kết vào năm 2017 để trang trải các khoản nợ với Trung Quốc. Thỏa thuận này thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh Bắc Kinh bị cáo buộc sử dụng "ngoại giao bẫy nợ" để đạt quyền lực địa chính trị.

Ông Dinesh Gunawardena, Ngoại trưởng Sri Lanka cho biết hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota hiện có thời hạn 99 năm nhưng có thể được gia hạn thêm 99 năm nữa. Ông gọi thỏa thuận với Trung Quốc là "sai lầm" của chính phủ tiền nhiệm.  

Hambantota nằm ở cực nam của Sri Lanka, hướng ra các tuyến đường biển quan trọng của Nam Á. Vị trí thuận lợi giúp Hambantota có tiềm năng trở thành trung tâm hàng hải quan trọng ở Ấn Độ Dương.

South China Morning Post cho biết sau khi nhậm chức năm 2019, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa nói ông muốn đàm phán lại thỏa thuận với Trung Quốc. Nhưng sau đó ông Rajapaksa lại phủ nhận từng có dự định như vậy.

Sri Lanka hối hận vì cho Trung Quốc thuê cảng tối đa 198 năm - Ảnh 1.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa được cho là đang xem xét lại thỏa thuận cảng với Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Tuy nhiên vào ngày 6/2, Tướng Daya Ratnayake - Chủ tịch Cơ quan quản lý cảng Sri Lanka nói với tờ Ceylon Today rằng tổng thống đang xem xét lại thỏa thuận cho thuê cảng. Tướng Ratnayake cũng cho biết Sri Lanka không thu được nhiều lợi ích từ thỏa thuận và quân đội đã di dời căn cứ hải quân khỏi khu vực do Trung Quốc kiểm soát "sau nhiều cuộc thảo luận với các quan chức Trung Quốc".

Tướng Ratnayake nhận xét: "Thậm chí ngay bây giờ, chúng tôi cũng đang xem xét lại thỏa thuận. Lẽ ra hợp đồng cho thuê cảng Hambantota với các điều khoản như vậy không nên được ký kết. Nhưng quá trình xem xét lại đang được tiến hành".

Lời nói của Ngoại trưởng Gunawardena càng làm dấy thêm sự không chắc chắn về hợp đồng với Trung Quốc. Hôm 20/2, ông tiếp tục chia sẻ ý kiến với tờ Ceylon Today rằng "chính phủ tiền nhiệm đã mắc sai lầm trong thỏa thuận cảng Hambantota khi họ hủy bỏ hợp đồng trước đó và kéo dài thời gian cho thuê thành 99 năm cộng với 99 năm nữa khi thời hạn đầu tiên kết thúc".

Nhưng vị ngoại trưởng không nói rõ liệu chính phủ đương nhiệm có ý định thay đổi thỏa thuận không.

Sri Lanka hối hận vì cho Trung Quốc thuê cảng tối đa 198 năm - Ảnh 2.

Bắc Kinh nói rằng hoạt động tại cảng đang được mở rộng. (Ảnh: AFP)

Hôm 24/2, Trung Quốc phủ nhận tin đồn thỏa thuận với Sri Lanka đang được đàm phán lại. Thay vào đó ông ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho biết các hoạt động tại cảng Hambantota đang được mở rộng.

"Các tin tức gần đây không đúng với sự thật", ông Uông phát biểu tại buổi họp báo ở Bắc Kinh.

Ông khẳng định thỏa thuận đã được đàm phán trên cơ sở "bình đẳng và tự nguyện" giữa hai nước với ý định biến cảng Hambantota thành trung tâm logistics, vận tải và công nghiệp ở Ấn Độ Dương.

Ông Uông nói tiếp: "Với nỗ lực chung từ hai phía Trung Quốc và Sri Lanka, cảng Hambantota đã vượt qua thách thức của đại dịch và duy trì động lực tốt trong việc mở rộng hoạt động".

Thỏa thuận cảng Hambantota là một phần quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận này có thể làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của Sri Lanka, buộc chính phủ chấp nhận các đòi hỏi địa chính trị của Bắc Kinh.

Ông Pang Zhongying, học giả về quan hệ quốc tế cho biết Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với áp lực tăng cường về các hoạt động ở ở Sri Lanka do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với Mỹ và Ấn Độ trong khu vực.

"Sri Lanka từ lâu đã nằm trong sân sau của Ấn Độ và quan hệ giữa hai nước khá phức tạp. Và khi chính quyền Biden đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, Trung Quốc có khả năng sẽ phải đối mặt với thêm nhiều thách thức trong khu vực", ông Zhongying dự đoán.

Giang

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.