Tại sao nhiều nước châu Á muốn lún sâu vào bẫy nợ của Trung Quốc?
Lào là nạn nhân mới nhất của chính sách ngoại giao bẫy nợ mà Trung Quốc áp dụng.
Không thể thanh toán các khoản vay cho Trung Quốc, Lào đành phải giao cho Bắc Kinh kiểm soát phần lớn hệ thống lưới điện quốc gia. Sự việc này diễn ra ngay tại thời điểm khối nợ của công ty điện lực quốc gia đã chạm ngưỡng 26% tổng sản phẩm quốc nội của Lào.
Ở diễn biến khác, Sri Lanka và Pakistan đang phải vay nợ mới từ Trung Quốc để trả các khoản vay cũ, cho thấy vòng luẩn quẩn mà hai nước mắc phải. Trong quá khứ, hai quốc gia châu Á này đã phải nhượng các tài sản chiến lược cho Trung Quốc để xóa bớt nợ.
Cách đây ba năm, Sri Lanka đã kí hợp đồng cho Trung Quốc thuê Hambantota (cầu cảng có vị trí chiến lược nhất khu vực Ấn Độ Dương) và hơn 6.000 ha đất xung quanh trong 99 năm.
Theo Nikkei Asia, việc Sri Lanka chuyển nhượng cảng Hambantota cho Bắc Kinh được ví như một người nông dân nợ nần đầm đìa phải gán con gái cho những kẻ cho vay nặng lãi.
Trong khi đó, Pakistan đã miễn thuế và trao cho Trung Quốc một số độc quyền để điều hành cảng Gwadar trong 40 năm. Chính phủ Trung Quốc sẽ bỏ túi 91% doanh thu của cảng này.
Cảng Gwadar là nút giao của hoạt động thương mại năng lượng toàn cầu. Gần cảng này, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một tiền đồn kiểu Djibouti cho hải quân nước họ.
Tajikistan, nước có nhiều khoản vay từ năm 2006, đã phải nhượng 1.158 km vùng núi Pamir cho Trung Quốc và sau đó cho phép các công ty đến từ đất nước tỉ dân khai thác vàng, bạc cùng nhiều quặng khoáng sản khác trong khu vực. Gần đây, Tajikistan đã yêu cầu Bắc Kinh giảm nợ.
Quốc gia láng giềng Kyrgyzstan cũng mắc nợ Trung Quốc và đã tìm cách giảm bớt khối nợ vào tháng trước, trước khi nước này rơi vào hỗn loạn chính trị.
Tại châu Phi, có một danh sách dài các nước đang lao đao vì đại dịch COVID-19 muốn hoãn thanh toán nợ cho Trung Quốc như Angola, Cameroon, Congo, Ethiopia, Kenya, Mozambique và Zambia.
Tại sao muốn mắc nợ Trung Quốc?
Lào có tham vọng trở thành nguồn cung năng lượng lớn của khu vực Đông Nam Á thông qua đầu tư vào phát triển thủy điện và xuất khẩu điện. Vì vậy, Lào đồng ý giao cho các công ty nhà nước Trung Quốc vai trò quan trọng trong khai thác trữ lượng thủy điện dồi dào của họ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện đã kiểm soát luôn lưới điện của Lào và nói rộng ra là nguồn nước của đất nước Đông Nam Á này.
Vấn đề này có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh môi trường và cơ hội phát triển bền vững của Lào, khi mà các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mê Kông đang góp phần làm cạn kiệt mực nước sông và khiến hạn hán tái diễn ở vùng hạ lưu. Nikkei nhận định, chính sách bẫy nợ nhìn chung đã tạo cho Trung Quốc lợi thế lớn trước Lào.
Trước lo ngại Sri Lanka có thể trở nên phụ thuộc Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ bay từ thủ đô New Delhi (Ấn Độ) đến đất nước Nam Á này vào ngày 28/10 để kêu gọi Sri Lanka ngả về phía Washington.
Ông Pompeo dự kiến sẽ thuyết phục chính phủ Sri Lanka chấp nhận một thỏa thuận quân sự và khoản viện trợ 480 triệu USD kéo dài 5 năm. Theo Nikkei, đây là hai đề xuất gây tranh cãi tại Sri Lanka.
Tuy nhiên, Sri Lanka gần đây đã quyết định tìm đến chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc để vay thêm tiền nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ, thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Điều đó đặt ra một câu hỏi lớn hơn: Nguyên nhân nào khiến một số nước lún sâu vào bẫy nợ của Trung Quốc, bất chấp rủi ro bị mất quyền tự chủ về chính sách đối ngoại?
Đáp án là có khá nhiều yếu tố liên quan. Ví dụ, các nước có thể dễ dàng vay mượn Trung Quốc hơn là vay IMF, vì các khoản vay của cơ quan này thường đi kèm với một loạt điều kiện và giám sát nghiêm ngặt.
Trung Quốc không đánh giá mức độ tín nhiệm của quốc gia đi vay, trái ngược với IMF. Thông thường, IMF sẽ không cho vay nếu đánh giá tín nhiệm cho thấy các khoản vay bổ sung có thể đẩy quốc gia đi vay vào một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng.
Trung Quốc sẵn lòng cho vay đến khi các nước đối mặt với khủng hoảng nợ, khi đó lợi thế của Bắc Kinh sẽ tăng cao hơn. Khi tình trạng của nước đi vay càng trở nên tồi tệ, lãi suất mà họ có thể phải trả cho các khoản vay của Trung Quốc càng cao.
Theo Nikkei, Trung Quốc có lịch sử tận dụng khó khăn khi thanh toán nợ của các nước nhỏ nhưng nằm ở vị trí chiến lược, Maldives là một ví dụ. Tại Maldives, Bắc Kinh đã chuyển đổi các khoản vay lớn thành ảnh hưởng chính trị, bao gồm việc mua lại một vài hòn đảo nhỏ ở quần đảo Ấn Độ Dương này với giá rẻ.
Không giống các nạn nhân khác, Maldives đã may mắn thoát khỏi bẫy nợ của Trung Quốc. Kể từ khi ông Abdulla Yameen, cựu Tổng thống Maldives, bị lật đổ hai năm trước, Ấn Độ đã đứng ra bảo trợ cho quốc đảo này với ngân sách hào phóng và một gói viện trợ mới gần đây.
Chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc đang hứng chịu chỉ trích từ các nước. Các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (công cụ để hiện thực hóa chính sách bẫy nợ) được cho là có nhiều sai sót và hành vi thiếu minh bạch. Hai yếu tố này cho thấy Bắc Kinh có thể đang đánh đổi lợi ích ngắn hạn mà bỏ quên mục tiêu dài hạn.
Trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ phải trả giá đắt cho chính sách ngoại giao bẫy nợ của mình, Nikkei nhận định.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/