|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Liệu các khoản vay hạ tầng từ Trung Quốc có khiến châu Phi rơi vào bẫy nợ?

07:29 | 07/08/2019
Chia sẻ
Năm 2018, Thủ tướng CHDC Congo Clement Mouamba đến Bắc Kinh với hai nhiệm vụ chính: Tìm hiểu chính xác đất nước ông nợ Trung Quốc bao nhiêu tiền và thuyết phục Trung Quốc cơ cấu lại nợ.
Liệu các khoản vay hạ tầng từ Trung Quốc có khiến châu Phi rơi vào bẫy nợ? - Ảnh 1.

Thủ tướng CHDC Congo Clement Mouamba. Ảnh: Reuters

Đây là vấn đề lớn vì một số quốc gia Trung Phi giàu dầu mỏ hiện đã nợ quá nhiều, đến mức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không thể cung cấp cho họ một gói cứu trợ khi cần thiết.

IMF đã tạm dừng các gói vay thêm cho đến khi chính quyền Thủ tướng Mouamba có thể cung cấp chính xác số tiền mà họ phải trả cho các chủ nợ bên ngoài, bao gồm cả Trung Quốc - đối tác cho vay song phương lớn nhất của CHDC Congo, và các công ty dầu mỏ đa quốc gia như Glencore và Trafigura.

CHDC Congo, vốn có nguồn thu phụ thuộc phần lớn vào dầu mỏ, đã hướng đến Trung Quốc và các công ty dầu mỏ tư nhân để tìm kiếm nguồn tài trợ cho chính phủ khi giá dầu thế giới sụt giảm từ mức 100 USD/thùng xuống còn 30 USD/thùng hồi năm 2014.

Sau chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Mouamba, CHDC Congo đã tái cơ cấu được các khoản vay từ Trung Quốc - đối tác cung cấp 1/3 (2,5 tỷ USD) số nợ nước ngoài của nước này - bằng cách kéo dài thời gian trả nợ thêm 15 năm.

Trong khi đó, một số quốc gia châu Phi khác đang vật lộn để giải quyết các khoản vay từ Bắc Kinh cũng đề nghị Trung Quốc giãn nợ.

Ethiopia đã được nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xoá một phần nợ và các điều khoản nới lỏng đối với khoản vay 3,3 tỷ USD mà họ sử dụng để xây dựng tuyến đường sắt. Trong khi đó, Zambia cũng đang tìm kiếm sự điều chỉnh tương tự cho các khoản vay phục vụ các dự án sây bay và đường cao tốc.

Giới phân tích cho rằng các nước châu Phi đang chịu gánh nặng với khoản nợ phi thực tế cho các dự án cơ sở hạ tầng được Trung Quốc hậu thuẫn do thiếu sự minh bạch và xem xét kỹ lưỡng. 

Trung Quốc lại nói rằng phương Tây có thể lên án các khoản nợ mà các nước châu Phi phải chịu nhưng rõ ràng sự hỗ trợ mà Trung Quốc đưa ra sẽ có lợi cho các nước chủ nhà trong dài hạn.

Đầu những năm 1990, trước khi bắt đầu chiến lược "nắm lại châu Phi" sau nhiều năm bị cô lập với thế giới bên ngoài, Trung Quốc  đã gặp những bất lợi nghiêm trọng trong cuộc đua về nguyên liệu thô đầu vào và thị trường cho các sản phẩm công nghiệp.

Trong bối cảnh đó, thuộc địa của các cường quốc phương Tây lại đẩy mạnh thực hiện các thoả thuận cho phép tăng cường khai thác và thu lợi nhuận, từ nhiên liệu hoá thạch đến khoáng sản.

Trung Quốc đã nhận thức được vấn đề đó và nhanh chóng đề ra chiến lược mới để thuyết phục các nước châu Phi cho phép Bắc Kinh tiếp cận nguồn nguyên liệu thô cho các ngành sản xuất công nghiệp, cũng như mở ra một thị trường khổng lồ cho các sản phẩm có biểu hiện dư thừa của mình.

Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đồng minh, lôi kéo các nước châu Phi hỗ trợ, không những về mặt thương mại mà còn sự ủng hộ chính trị (tăng phiếu bầu) trong các tổ chức quốc tế đa phương.

Vào thời điểm đó, nhiều nhà lãnh đạo châu Phi đang chịu áp lực phải tự do hoá nền kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo. 

Cách tiếp cận của Trung Quốc rất thức thời, đó là hứa hẹn không can thiệp vào vấn đề nội bộ của từng quốc gia và đảm bảo rằng Bắc Kinh có thể cung cấp các khoản vay trị giá hàng tỷ USD để đổi lấy việc được tiếp cận các nguồn khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định sẽ không gắn bất cứ điều kiện chính trị nào với nguồn vốn cho vay phát triển. Đồng thời, Trung Quốc hứa hẹn sẽ cho các nước châu Phi tiếp cận các khoản tiền khổng lồ để xây dựng đường giao thông, cầu, đường sắt, sân bay, đập thuỷ điện… Song, Bắc Kinh không hẳn cung cấp các khoản vay một cách vô tư, không điều kiện.

Để nhận được nguồn tài chính từ Trung Quốc, các đối tác châu Phi cần đảm bảo sử dụng các nhà thầu Trung Quốc, thay vì mở thầu tự do, công khai. Ngoài ra, nhiều thoả thuận được ký kết buộc phải sử dụng các điều kiện tài chính, kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, yếu kém, do các công ty nhà nước Trung Quốc cung cấp.

Ví dụ, ở Kenya, Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu khả thi miễn phí để sử dụng cho tuyến đường sắt. Cũng chính công ty này đã nắm được hợp đồng để thực hiện dự án. Sắp tới, họ cũng sẽ được vận hành, khai thác các dịch vụ tàu chở khách và chở hàng.

Theo thông lệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF yêu cầu các nghiên cứu tiền khả thi phải được thực hiện bởi một nhà tư vấn độc lập, chứ không phải bởi chính công ty thực hiện dự án.

Theo dữ liệu do Sáng kiến nghiên cứu Trung Quốc-châu Phi, thuộc Đại học Johns Hopkins, Bắc Kinh đã cung cấp các khoản vay lên đến 143 tỷ USD cho các nước châu Phi kể từ năm 2000. Một số nhà phê bình nhận định khoản vay này tiềm ẩn mức độ rủi ro, mất ổn định đối với các nước vay nợ.

Các thoả thuận vay với điều khoản dễ dàng, đấu thầu không cạnh tranh và chi tiết hợp đồng thiếu minh bạch, đã dẫn đến những vấn đề mới, đó là tham nhũng hoặc quản lý yếu kém.

Các chuyên gia phân tích phương Tây và ngay cả nước sở tại đều cho rằng đây là "chiến lược bẫy nợ", thuộc tổng thể thúc đẩy trao đổi thương mại và ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, không nước đối tác nào nhận thức rõ âm mưu của Trung Quốc, đó là cố tình đẩy họ rơi vào các khoản nợ để chiếm đoạt tài nguyên hoặc áp đặt được ảnh hưởng.

Chuyên gia quan hệ quốc tế Obert Hodzi, thuộc Đại học Helsinki (Phần Lan), cho biết tuyến đường sắt nối Addis Ababa (Ethiopia) với Djibouti và Mombasa-Nairobi (Kenya) là những ví dụ điển hình về các dự án lớn được tài trợ bằng các khoản vay dễ dàng nhưng không bền vững từ Trung Quốc.

Điều đó đã buộc các đối tác châu Phi phải tiếp tục kiếm tìm sự giúp đỡ từ Trung Quốc. Mối quan ngại lớn nhất là một số quốc gia châu Phi sẽ chìm trong những khoản nợ khổng lồ, đi kèm với đó là những cơ sở hạ tầng tuy hoành tráng nhưng có chất lượng kém.

Ông Ken Opalo, một nhà nghiên cứu người Kenya tại Đại học Georgetown (Mỹ), nhận định vấn đề chính là sự bất lực của các nước châu Phi trong việc thiết kế và thực hiện các dự án thực sự cần thiết cho nền kinh tế của các địa phương. Hầu hết các nước phải chấp nhận các dự án thiết kế, tài trợ và thực hiện bởi các doanh nghiệp Trung Quốc.

Nếu các dự án tách bạch được phần nghiên cứu khả thi và thiết kế thì đó sẽ là tốt hơn, qua đó mới có thể đảm bảo được rằng chính phủ các nước châu Phi nhận được khoản đầu tư xứng đáng.

Theo Howard French, tác giả cuốn sách "China’s Second Continent: How a Million Migrants are Building a New Empire in Africa" nhận định Trung Quốc đã hạn chế đề cập đến tính minh bạch và trách nhiệm của chính phủ đối tác trong sử dụng các khoản vốn vay. Chính vì vậy, các khoản vay từ Trung Quốc là cơ hội lớn cho lãnh đạo các nước tiếp nhận thực hiện các hành vi tham nhũng.

Nếu như các nước phương Tây rất khắt khe khi kèm theo các điều kiện về cải cách thể chế, minh bạch trong sử dụng và điều hành nguồn vốn, thì Trung Quốc lại dễ dàng phê chuẩn các khoản vay. Tham nhũng, kém hiệu quả, phải đánh đổi bằng tài nguyên thiên nhiên và qua đó dần phải chịu sự phụ thuộc về chính sách, rõ ràng các nước châu Phi đang mất quá nhiều trong cái "bẫy nợ cơ sở hạ tầng" của Trung Quốc.

Quang Trường