Việt Nam trong nhóm 5 nước được dự đoán sẽ đạt thoả thuận sớm nhất với Mỹ

Chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có hiệu lực đầy đủ sau khi các mức thuế cao hơn với 60 đối tác thương mại lớn có hiệu lực từ ngày 9/4. (Ảnh minh hoạ: SBS/EPA, AAP).
5 quốc gia dễ đạt thoả thuận với Mỹ
Tính đến phiên 8/4, thị trường chứng khoán Mỹ đã bán tháo ngày thứ 4 liên tiếp. Trong đó, chỉ số S&P 500 đã giảm gần 19% so với mức đỉnh ghi nhận hồi tháng 2, mấp mé thị trường gấu.
Giữa lúc giá cổ phiếu lao dốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump lưu ý ông sẵn sàng đàm phán vấn đề thuế quan với các đối tác thương mại, đặc biệt là nếu các nước đem đến thứ gì đó “phi thường” cho Mỹ.
Đến cuối ngày 8/4, ông Trump tiết lộ triển vọng đạt một thoả thuận thương mại với Hàn Quốc “có vẻ tốt” sau cuộc điện đàm với quyền Tổng thống Han Duck-soo và cho biết các quan chức Nhật Bản đang lên máy bay đến Mỹ để đàm phán.
Nhiều quốc gia khác cũng đang nỗ lực đạt thoả thuận với chính quyền ông Trump. Theo đưa tin từ Reuters, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent vào lúc 16h ngày 9/4 (theo giờ địa phương).
Một nguồn tin khác của Reuters cho biết mục đích của cuộc họp là tổ chức các cuộc đàm phán về khả năng điều chỉnh mức thuế quan đối ứng mà chính quyền Tổng thống Trump áp lên Việt Nam.
Nhà phân tích Aniket Shah - người đứng đầu bộ phận phát triển bền vững của ngân hàng đầu tư Jefferies - đã tìm cách xác định những quốc gia có thể hành động nhanh chóng nhất để đạt thoả thuận với Mỹ.
Ông Shah xếp hạng các quốc gia dựa trên một số tiêu chí: mối quan hệ của chính phủ hoặc nguyên thủ quốc gia tương ứng với chính quyền ông Trump; quy mô tương đối nhập khẩu hàng hoá Mỹ; đóng góp của hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ vào GDP; chênh lệch thuế quan; và sức khoẻ hiện tại của nền kinh tế.
Theo các tiêu chí đó, vị chuyên gia tin rằng Anh, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia là 5 quốc gia hàng đầu “có khả năng nhanh chóng đạt thoả thuận với Mỹ”. Ông Trump áp thuế đối ứng tương ứng cho từng nước là 10%, 24%, 46%, 26% và 49%.

Những cổ phiếu nào hưởng lợi?
Cổ phiếu của một số công ty Mỹ cũng có thể tăng giá nếu chính quyền Tổng thống Trump đạt thoả thuận với các quốc gia kể trên.
Nhà sản xuất đồ thể thao Nike bị ảnh hưởng đáng kể kể từ khi chủ nhân Nhà Trắng thông báo thuế quan đối ứng vào giữa tuần trước vì hãng phụ thuộc rất lớn vào cơ sở tại Việt Nam và Campuchia.
Cổ phiếu Nike đã lao dốc gần 18% trong tuần qua. Vào năm 2024, gã khổng lồ đồ thể thao sản xuất khoảng 50% giày dép và 28% hàng may mặc của mình tại Việt Nam, theo hồ sơ mà công ty nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ.
Ngoài ra, Nike còn có khoảng 15% dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Campuchia vào năm ngoái.
Nhà phân tích Randal Konik cùng nhiều chuyên gia khác trên Phố Wall có góc nhìn lạc quan về cổ phiếu Nike. Theo LSEG, Nike được khuyến nghị mua vào bởi 20 trong số 40 nhà phân tích theo dõi cổ phiếu này.
Tương tự, nhà sản xuất máy bay Boeing có thể hưởng lợi từ các thoả thuận thuế quan giữa Mỹ với Anh, Nhật Bản và Ấn Độ, vì một phần máy bay mà công ty này xuất xưởng là đơn hàng quốc tế.
Trên thực tế, hơn hai phần ba đơn đặt hàng máy bay của Boeing trong thập kỷ qua là cho các khách hàng bên ngoài thị trường Mỹ, CNBC cho hay.
Mặc dù giá Boeing tăng nhẹ trong phiên 8/4 sau khi công ty cho biết số máy bay giao trong tháng 3 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, cổ phiếu này vẫn giảm hơn 17% trong tuần qua và hơn 21% trong năm 2025.