|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc xây tuyến đường sắt kỳ quặc ở châu Phi

08:32 | 20/07/2019
Chia sẻ
Những thanh tà vẹt bê tông mới cứng chạy dọc cây cầu đường sắt mới ở Kenya, đoạn mới nhất của tuyến đường sắt Trung Quốc xây dựng từ bờ biển đến tận Uganda.
avatar_1563583691286

Tuyến đường sắt kết thúc ở Duka Moja, Kenya. (Ảnh: Bloomberg)

Nhưng có điều là tuyến đường này không đi đến biên giới, mà nó kết thúc đột ngột ở một ngôi làng buồn tẻ nằm cách thủ đô Nairobi khoảng 75 dặm về phía tây. Tuyến đường đã làm xong như vẫn để không.

Công trình được xác định là dự án hạ tầng chủ lực của khu vực Đông Phi bị dừng lại từ đầu năm nay, sau khi Trung Quốc dừng cho vay thêm khoảng 4,9 tỷ UDS để hoàn thành tuyến đường.

Hành động này có vẻ khiến cả Kenya và Uganda bất ngờ. Cả hai nước nay buộc phải khôi phục lại tuyến đường sắt từ thời thuộc địa để phát triển thương mại của khu vực.

Lý do cho việc Trung Quốc dừng cấp thêm tiền có thể nằm ở tính chất của dự án. Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhiều lần gọi dự án đường sắt Mombasa-Nairobi là minh chứng của sáng kiến Vành đai Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Nhưng khi quan ngại gia tăng trên toàn cầu rằng sáng kiến này khiến nhiều nước nghèo phải gánh những khoản nợ không bền vững, ông Tập gần đây gửi đi tín hiệu rằng Bắc Kinh sẽ kiểm soát kỹ hơn các dự án và thắt chặt giám sát.

Sự thay đổi đó đang bắt đầu được cảm nhận trên khắp thế giới. Một hệ thống tàu cao tốc dự kiến được làm ở Kazakhstan bị hoãn sau khi một ngân hàng địa phương tiếp nhận các khoản vay từ Trung Quốc sụp đổ. 

Ở Zimbabwe, một dự án điện mặt trời quy mô lớn đang thiếu tiền sau khi Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc thôi cấp vốn cho dự án do chính phủ Zimbabwea đang gánh nhiều khoản nợ từ trước. Tuyến đường sắt ở Kenya có thể là dự án tiếp theo chịu chung số phận.

Trung Quốc “đang theo cách thận trọng hơn đối với tình hình nợ ở châu Phi”, ông Piers Dawson, chuyên gia của hãng tư vấn đầu tư Africa Matters ở London, đánh giá. Ông cho rằng nguyên nhân là do “ồn ào quanh tính bền vững và nguy cơ vỡ nợ”.

Trung Quốc đang là nước cho vay đơn lẻ lớn nhất cho phát triển hạ tầng ở châu Phi. Cứ 5 dự án ở đây thì có 1 dự án vay tiền của Trung Quốc. 

Ngân hàng phát triển châu Phi ước tính châu lục này cần khoảng 130 – 170 tỷ USD mỗi năm để phát triển hạ tầng, nên các chính phủ rất mong muốn vay được tiền từ Trung Quốc để lấp vào chỗ trống này.

Nhược điểm là Keny trở thành 1 trong 3 nước châu Phi bị báo cáo của Trung tâm phát triển toàn cầu trụ sở tại Washington đánh giá là đang rơi vào tình trạng nợ đáng ngại vì tham gia vào sáng kiến Vành đai Con đường. Hai nước còn lại là Ai Cập và Ethiopia.

“Trung Quốc cũng phải giải quyết vấn đề của chính họ, trong đó chuyện bị nhiều người nghĩ là đang ‘gài bẫy’ nhiều đối tác tham gia Vành đại Con đường”, ông Jacques Nel, một nhà kinh tế học công tác tại hãng NKC African Economics. 

Chính phủ Trung Quốc “đang nhấn chân phanh vào các dự án mở rộng ra bên ngoài, hay ít nhất là tập trung hơn vào tính lâu dài của các dự án do lo ngại nguy cơ nợ của chính doanh nghiệp của họ”, ông Nel nói.

Bơ vơ

Đoạn đầu của tuyến đường sắt Kenya – Uganda dài 470km, nối thành phố cảng Mombasa với Nairobi, đã đi vào hoạt động nhưng chưa tạo ra tiền. Bắc Kinh dừng cấp thêm tiền để Uganda nối dài tuyến đường sắt này do lo ngại về hiệu quả của dự án.

Kenya và nước không giáp biển Uganda hợp tác phát làm tuyến đường sắt mới để giảm chi phí giao thông và thời gian vận chuyển hàng từ bờ biển vào mỗi nước và sâu hơn vào vùng đông và trung Phi. 

Nhưng khi thấy Trung Quốc có thể không cho vay thêm tiền, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta chấp nhận nối đoạn đường sắt mới làm với tuyến đường sắt cũ hơn 90 năm tuổi. Uganda cũng quyết định tân trang tuyến đường sắt từ thời thuộc địa của họ.

Nhưng điều đó vẫn khiến hai nước chịu thêm nợ, vào thời điểm mà Quỹ Tiền tệ quốc tế đang thúc giục họ hạn chế chi tiêu. 

Trung Quốc đã là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Kenya, chiếm khoảng 22% tổng số nợ bên ngoài của nước này tính đến tháng 12 năm ngoái.

Tình hình này không có lợi gì cho di sản của Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta khi đây là công trình đầu tư đơn lẻ lớn nhất của đất nước kể từ khi Kenya giành được quyền tự trị hơn 50 năm trước.

 Sợ nợ công sẽ tăng thêm, ông Kenyatta đang thuyết phục các nhà đầu tư tư nhân xây đoạn đường sắt nối tuyến cũ với tuyến mới. 

Còn Uganda cần thêm 205 triệu USD để khôi phục tuyến đường sắt cũ, nhưng chưa cho biết sẽ làm thế nào để có khoản tiền này.

Trở lại năm 2013, ông Kenyatta đề nghị Bắc Kinh cho vay vốn làm tuyến đường sắt này, với điều kiện là nhà thầu Trung Quốc sẽ xây dựng. 

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho vay 3,6 triệu USD để xây đoạn đường sắt tới Narobi, Tập đoàn cầu đường Trung Quốc xây dựng nó, còn Công ty xây dựng viễn thông Trung Quốc được chọn làm bên điều hành. 

Doanh thu từ khai thác tuyến đường sắt này sẽ được dùng để trả nợ, nhưng những người chỉ trích cho rằng chi phí quá cao và sẽ không mang lại lợi nhuận trong một thời gian dài.

Họ nhắc đến chuyện nước láng giềng Tanzania năm 2016 đã hủy vay 7,6 tỷ USD từ Trung Quốc cho tuyến đường sắt 2.200km để thuê hãng Yapi Merkezi Insaat Ve Sanayi của Thổ Nhĩ Kỳ và Engenharie and Construcao Africa của Bồ Đào Nha làm tuyến ngắn hơn với giá chỉ bằng một nửa cho mỗi kilomet. 

Bình Giang