'Vành đai, Con đường' của Trung Quốc đi vào ngõ cụt vì COVID-19
Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), mà Trung Quốc là một thành viên, đã đồng ý giãn nợ cho các nước nghèo đang phải chống chọi với tác động kinh tế của COVID-19.
Một số bộ trưởng tài chính còn nhấn mạnh rằng sự trợ giúp của họ cho gói cứu trợ này – bao gồm việc hoãn trả lãi vay và nợ gốc cho đến ít nhất là hết năm 2020 – phụ thuộc vào việc Trung Quốc có đồng ý tham gia hay không.
Theo South China Morning Post (SCMP), đây là một dấu hiệu cho thấy rằng Bắc Kinh không chỉ được nhìn nhận là ngang hàng với chính phủ các nước giàu có và quyền lực trên thế giới, mà lợi ích của Trung Quốc cũng giống với liên minh các quốc gia phát triển - ít nhất là trong thời điểm này.
Nếu Trung Quốc phá vỡ hàng ngũ và tự theo đuổi lợi ích của riêng mình, khiến cho nhiều khoản nợ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, Trung Quốc sẽ mất đi vị thế đất nước này đã theo đuổi bấy lâu nay qua việc khuếch trương quyền lực mềm.
Từ lâu, Trung Quốc đã ưa thích sử dụng các thỏa thuận song phương bí mật hơn là các khoản vay phối hợp với nhiều nước khác.
Các thỏa thuận này bao gồm các tiêu chuẩn lỏng lẻo cho những dự án mập mờ trong ngành dịch vụ công cộng, bao gồm dự án giao thông ở Pakistan, Montenegro và Kazakhstan. Số tiền cho vay thực tế thường không được tiết lộ, khiến cho đánh giá tín dụng của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới mất đi tính tính chính xác.
Giới chuyên gia ước tính rằng trước khi khủng hoảng nổ ra, "khối nợ ẩn" của các nước đang phát triển đối với Trung Quốc có qui mô vào khoảng 380 tỉ USD, nhiều hơn tổng nghĩa vụ nợ của các nước này với Câu lạc bộ Paris, Ngân hàng Thế giới, hoặc Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
"Cơn sốt" cho vay toàn cầu được thổi bùng bởi "Sáng Kiến Một Vành Đai, Một Con Đường", cũng như cách xử lí sai lầm đối với bùng phát COVID-19 của Trung Quốc đóng vai trò lớn trong việc gây ra sự biến dạng kinh tế của các nước đang phát triển trong thời gian gần đây.
Kể cả khi được tạm hoãn trả nợ, các quốc gia này sẽ khó có thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ trong tương lai gần. Nhiều khả năng, thỏa thuận của khối G20 sẽ không thể giải quyết được vấn đề thanh toán nợ trong dài hạn.
IMF ước tính rằng đại dịch COVID-19 sẽ đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng năm 1929, và có thể kéo dài đến tận năm 2021. Các nước đang phát triển – trong đó có những con nợ lớn nhất của Trung Quốc – với hệ thống y tế yếu kém và dân số lớn sẽ là những nạn nhận chịu ảnh hưởng lớn nhất của của cuộc suy thoái này.
Từ tháng trước, ngày càng có nhiều nước lên tiếng kêu gọi Trung Quốc giảm hoặc xóa nợ. Bà Obiageli Ezekwesili, cựu Phó Chủ tịch khu vực châu Phi tại Ngân hàng Thế giới nói rằng lục địa này "phải được nhận bồi thường thiệt hại và trách nhiệm từ Trung Quốc - quốc gia giàu có và hùng mạnh nhưng đã thất bại trong việc xử lí thảm họa toàn cầu một cách minh bạch và hiệu quả".
Ông Ken Ofori-Atta, Bộ trưởng Tài chính của Ghana cũng nói rằng 8 tỉ USD tiền lãi các nước châu Phi nợ Trung Quốc trong năm nay cần phải "được xem xét lại". Trong khi đó, ông Zainab Ahmed, Bộ trưởng Tài chính Nigeria cho biết nước này sẽ tìm cách hoãn trả lãi cho Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh không chấp nhận đề xuất của G20 là cho hoãn các khoản thanh toán nợ đến sớm nhất là năm sau, thì Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, vốn đã cho các nước đang phát triển vay tổng cộng 339 tỉ USD kể từ năm 2013, có thể sẽ phải đối mặt với một làn sóng vỡ nợ.
Tuy nhiên, việc tái cơ cấu các khoản nợ này sẽ không hề dễ dàng. Một trong những lí do khiến rất nhiều quốc gia chấp nhận các khoản vay của Trung Quốc là vì họ không muốn phải tuân thủ theo các điều kiện cho vay nghiêm ngặt của IMF và Ngân hàng Thế giới.
Các quốc gia đi vay này thiếu sự minh bạch, nạn tham nhũng tràn lan, chính phủ quản trị kém và sẵn sàng trả lãi suất cao hơn để tiếp cận dòng tiền dễ dàng.
Theo SCMP, năm 2017, khi các khoản nợ của Sri Lanka trở nên không bền vững, nước này đã cho một công ty Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm. Một số quốc gia, bao gồm Myanmar, Malaysia và Sierra Leone đã để ý tới sự kiện này, và hủy bỏ hoặc thu hẹp qui mô các thỏa thuận cho vay của Trung Quốc.
Các quyết định này có vẻ là đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, khi mà hoạt động cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong vài năm qua.
Nguy cơ vỡ nợ của các nước nghèo đang tăng lên một cách đáng báo động, khi các nước này phải chật vật tìm cách chi trả cho cuộc chiến chống COVID-19. Nếu Trung Quốc thu hồi các tài sản đảm bảo của các quốc gia này, Bắc Kinh sẽ bị coi là một kẻ trục lợi trong cuộc khủng hoảng y tế. Tiếng xấu này chắc chắn sẽ không thu hút được thiện cảm trong thế giới hiện nay.
Có lẽ đây là một trong những lí do khiến Trung Quốc đồng ý giãn nợ cho những nước nghèo, giống như các chủ nợ quốc tế lớn trên thế giới như G20 và Câu lạc bộ Paris.
Sự ngờ vực đối với Trung Quốc đang ngày càng gia tăng do việc che đậy COVID-19 của giới quan chức nước này hồi tháng 1, và do các thiết bị y tế mà Trung Quốc xuất khẩu bị phát hiện là kém chất lượng và không đáng tin cậy. Ngoài ra, các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng thúc đẩy thuyết âm mưu về nguồn gốc dịch bệnh.
Các quốc gia nghèo nhất trên thế giới sẽ khó mà chấp nhận cách xử lí và truyền bá thông tin sai lệch về COVID-19 của Trung Quốc, trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm này đã lan ra toàn thế giới.
Trung Quốc cần phải thay đổi cách trợ giúp các nước đang phát triển, bao gồm việc giúp đỡ những quốc gia không nhận được tài trợ qua vay nợ đảm bảo cho sức khỏe cộng đồng.
Bắc Kinh cũng cần phải hành động như một nhà đầu tư dài hạn vào sự thành công của các quốc gia khác, thay vì chỉ tìm cách khai thác tài nguyên và mở rộng thị trường cho giới doanh nghiệp nước họ.
Bắc Kinh cần phải tìm ra những cách thức mới để giúp các quốc gia con nợ của mình, nếu không sẽ bị coi là một kẻ cho vay cắt cổ. Nếu vậy, chắc chắn sẽ xảy ra làn sóng phản ứng dữ dội đối với sự hiện diện của Trung Quốc tại khắp các quốc gia trên thế giới. Lúc đó các mối quan hệ kinh tế và chính trị của Trung Quốc sẽ bị rạn nứt sâu sắc.