Tổng thống Trump lỡ bước nhưng Trung Quốc cũng không thể tranh thủ tiến lên
Ông Trump nhường sân chơi lại cho Trung Quốc
Tuần trước Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo chính phủ Mỹ ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong 60 - 90 ngày. Lí do mà ông Trump đưa ra là WHO đã phản ứng chậm trễ và quan trọng hơn là quá tin tưởng vào những tuyên bố trấn an của Trung Quốc, giúp Trung Quốc bưng bít thông tin về mức độ nguy hiểm của đại dịch COVID-19 bùng phát tại nước này.
Mỗi năm Mỹ đóng góp cho WHO khoảng 450 triệu USD, tương ứng với gần 40 triệu USD/tháng. Về lí thuyết, Trung Quốc có thừa khả năng kinh tế đề bù đắp phần ngân sách mà Mỹ dừng cung cấp, nhờ đó càng "ghi điểm" với WHO cũng như các quốc gia nghèo phụ thuộc vào hỗ trợ y tế.
Thay vì đe dọa cắt đứt tài chính, Washington nên tăng cường sự tham gia của mình và đẩy lùi ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Một chiến thuật cụ thể là đưa những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc vào ban lãnh đạo các tổ chức quốc tế. Hồi tháng 3, Mỹ đã đối đầu với Trung Quốc và giúp đưa ông Daren Tang - Tổng Giám đốc Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore vào vị trí đứng đầu Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới. Đây được coi là một chiến thắng thầm lặng – ít được báo giới để ý tới nhưng rất quan trọng trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.
Cuộc bầu cử lãnh đạo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) sắp tới đây sẽ là một phép thử khác dành cho tư tưởng ngoại giao mạnh tay này của Mỹ. Nên nhớ rằng ITU chính là tổ chức thiết lập các tiêu chuẩn kĩ thuật cho mạng 5G toàn cầu - một trong những lĩnh vực gây tranh cãi nhất giữa Mỹ và Trung Quốc trước khi COVID-19 chiếm sóng.
Trung Quốc không thừa thế xông lên
Việc Mỹ ngừng tài trợ cho WHO không phải là một bước đi tích cực và đã để lại một khoảng trống mà Trung Quốc có thể lợi dụng để gia tăng hiện diện của mình.
Tuy nhiên thay vì tận dụng cơ hội này để thể hiện vai trò lãnh đạo của một siêu cường đang lên, Trung Quốc chỉ hòa cùng với lãnh đạo các nước khác chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump.
Để lấy lòng cộng đồng quốc tế và đánh lạc hướng những chỉ trích nhằm vào cách Trung Quốc xử lí đại dịch trong giai đoạn đầu, chính quyền Bắc Kinh đã tặng hoặc bán máy thở, khẩu trang và nhiều trang thiết bị y tế cho hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên chỉ vài chuyến bay chở đồ cứu trợ là không đủ để giải quyết tình trạng thiếu thốn trầm trọng ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là những nước nghèo bị các quốc gia giàu có trả giá cao hơn và "cuỗm" hết.
Một số chuyên gia về y tế cộng đồng đã đề xuất thành lập một tổ chức mới với sự phối hợp của G20 và các tổ chức từ thiện như Gates Foundation nhằm huy động năng lực sản xuất và phân phối đồ bảo hộ và thiết bị y tế, thuốc, vắc xin, … đảm bảo các quốc gia giàu cũng như nghèo có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu.
Với vai trò công xưởng của thế giới, nhiều nhà máy của Trung Quốc sản xuất ra vô vàn các loại vật tư y tế và do vậy đất nước tỉ dân có nhiều lợi thế trong đảm nhiệm vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên đến nay Trung Quốc vẫn chưa đứng ra nhận lấy trọng trách này.
Tương tự, Trung Quốc là một trong những chủ nợ lớn nhất của châu Phi và nên là nước đi đầu trong giảm và xóa nợ để các nước nghèo ở lục địa đen có thêm nguồn lực chống đại dịch. Thực tế, Trung Quốc mới chỉ tham gia cùng các chủ nợ lớn khác vào một chương trình hoãn nợ trị giá 20 tỉ USD và hứa "xem xét khả năng" thực hiện các gói hỗ trợ lớn hơn "cùng với cộng đồng quốc tế".
Nếu Trung Quốc thực sự muốn chiếm lấy vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, Bắc Kinh có thể đồng ý để các chuyên gia Liên Hợp quốc đến điều tra xem đợt bùng phát COVID-19 ở Vũ Hán đã nổ ra như thế nào. Bước đi này sẽ thể hiện một đất nước minh bạch, giúp xây dựng lại lòng tin của thế giới với Trung Quốc tốt hơn nhiều so với chính sách tặng khẩu trang hay điều chỉnh cách thống kê số liệu.
Tuy nhiên Chủ tịch Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý một cuộc điều tra như vậy vì nguy cơ xuất hiện nhiều câu hỏi "khó" về cách chính quyền ứng phó khủng hoảng cũng như nguồn gốc thực sự của virus SARS-CoV-2.
Tâm lí bài ngoại của người dân cũng như nền kinh tế lao dốc vì phong tỏa chống dịch (thể hiện qua GDP tăng trưởng âm lần đầu tiên trong gần 30 năm) đã khiến cho Trung Quốc không mấy hứng thú với việc hỗ trợ tài chính cho nước ngoài. Nếu chi tiền, có lẽ Trung Quốc phải giúp đỡ 1,4 tỉ dân của mình trước tiên.
Trung Quốc không còn phong độ như xưa?
Trong quá khứ, Trung Quốc từng hành động quyết đoán và mạnh mẽ hơn hiện nay rất nhiều.
Khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, Mỹ thành lập Ngân hàng Thế giới (WB) để cho các nước nghèo vay với lãi suất ưu đãi và Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để điều phối hệ thống tài chính toàn cầu. Mỹ đồng thời nắm quyền phủ quyết những vấn đề quan trọng trong điều hành và nhân sự của các tổ chức quốc tế này.
Sau 30 năm liên tục tăng trưởng hai chữ số, nền kinh tế Trung Quốc đã đạt qui mô ngang ngửa với Mỹ và do vậy chính quyền Bắc Kinh đòi hỏi tầm ảnh hưởng lớn hơn tại IMF và WB. Đương nhiên Mỹ không đồng ý.
Sau nhiều năm bị Mỹ chèn ép, Trung Quốc tự tạo ra sân chơi riêng bằng đề xuất thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB). Bất chấp sự phản đối của Mỹ, 57 nước đã tham gia vào AIIB khi ngân hàng này được chính thức ra mắt vào năm 2015. Trong số các thành viên sáng lập có cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Anh, Pháp, Đức, Australia, …
Những nước này nói không với Mỹ và nói có với Trung Quốc với hi vọng nhận được các khoản vay lãi suất thấp và các hợp đồng xây dựng khổng lồ mà AIIB tài trợ. Ai cũng thấy rõ động cơ của các nước này: Từ trước khi AIIB được thành lập, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã vượt qua Ngân hàng Thế giới để trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho các dự án phát triển quốc tế.
Hay một ví dụ khác: Sau cuộc Đại Khủng hoảng 2008, Trung Quốc tham gia thành lập khối BRICS gồm các nước mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi nhằm tạo một liên minh có khả năng ra quyết định và hành động nhanh chóng mà không chịu sự giám sát của Mỹ hay nhóm G7.
Năm 2014 khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa quân đội vào Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu đã hủy lời mời ông Putin tham dự cuộc họp của khối G8 và tuyên bố Nga "bị cô lập".
Một tháng sau, Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác của BRICS dang rộng vòng tay đón ông Putin tại cuộc họp thượng đỉnh của khối.
Sự rụt rè hiện nay của Trung Quốc đặt ra câu hỏi: Phải chăng đất nước tỉ dân bị thiệt hại nặng nề vì COVID-19 tới mức phải tạm gác lại cuộc đua bá quyền?
Dù câu trả lời là gì thì thế giới nói chung cũng chỉ thêm khổ sở vì thiếu đi sự dẫn dắt của đầu tàu Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng phải trả giá vì sự co cụm của mình.
Tuy tình hình dịch bệnh trong nước đã cơ bản được kiểm soát và từng có nhiều ngày liên tục Trung Quốc không ghi nhận ca nhiễm nội địa mới nào, số ca bệnh COVID-19 "nhập khẩu" đang ngày một tăng cao. Xu thế này sẽ tiếp diễn nếu các quốc gia khác – đặc biệt là những nước láng giềng của Trung Quốc – vẫn bị dịch bệnh hoành hành.
Chưa kể, các đối tác thương mại của Trung Quốc phải phong tỏa để chống dịch càng lâu thì Trung Quốc cũng càng khó để khôi phục kinh tế.