|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Trump ngừng rót tiền cho WHO, cả thế giới chỉ trích và bày tỏ quan ngại

00:11 | 16/04/2020
Chia sẻ
Từ Trung Quốc, Đức, Liên Hợp quốc, đại diện châu Âu, châu Phi, ... đều tỏ ra không hài lòng với Tổng thống Mỹ Donald Trump về quyết định dừng góp tiền cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm mưa làm gió khắp hành tinh.

Ngày 14/4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ ngừng cấp ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong thời gian nước Mỹ đánh giá lại cách phản ứng của tổ chức này đối với đại dịch COVID-19. Theo ông Trump, những sai lầm của WHO đã "gây ra quá nhiều cái chết" khi đại dịch lây lan ra toàn cầu.

"Hôm nay tôi đang chỉ đạo chính quyền Mỹ ngừng cấp ngân sách cho WHO trong thời gian đánh giá trách nhiệm của WHO vì quản lí yếu kém và che đậy sự lây lan của virus corona chủng mới", ông Trump phát biểu hôm 14/4 tại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ cũng cáo buộc rằng WHO đã "ủng hộ thông tin sai lệch của Trung Quốc về virus corona chủng mới, nói rằng virus này không truyền nhiễm, và lệnh cấm di chuyển là không cần thiết".

Bản thân ông Trump cũng đang chịu sự chỉ trích rất lớn từ trong và ngoài nước về phản ứng chậm trễ của ông đối với COVID-19, khiến cho nước Mỹ thiếu sự chuẩn bị và dịch bệnh lan rộng khó kiểm soát.

Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết trong chính quyền của ông Trump cũng có nhiều người không đồng tình với quyết định ngừng cấp tiền cho WHO.

Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO khi đóng góp hơn 400 triệu USD trong năm 2019, tương đương khoảng 15% ngân sách của tổ chức này. Theo sau là Liên Hợp quốc, Hàn Quốc, Australia, Quĩ Gates Foundation, … Trung Quốc mỗi năm góp cho WHO khoảng 40 triệu USD.

Sau tuyên bố ngừng cấp ngân sách của ông Trump, các chính trị gia và lãnh đạo hàng đầu trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích, đồng thời bày tỏ sự quan ngại sâu sắc.

Tổng Thư kí Liên Hợp quốc Antonio Guterres cho rằng bây giờ "không phải lúc" để cắt giảm nguồn lực cho WHO.

"Bây giờ là lúc cần đoàn kết, cộng đồng quốc tế cần hành động cùng nhau để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới cũng như những thiệt hại ghê gớm mà nó gây ra", ông Guterres nói trong một thông cáo.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, toàn thế giới hiện nay ghi nhận hơn 2 triệu ca dương tính và gần 129.000 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ dẫn đầu về cả hai tiêu chí với 610.000 ca xác nhận nhiễm và hơn 26.000 người thiệt mạng.

Ông Trump ngừng rót tiền cho WHO, cả thế giới chỉ trích và bày tỏ quan ngại - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, tháng 4/2020. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc – nước từng nhiều lần được WHO khen ngợi vì các chính sách quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh – cũng lên tiếng hối thúc Mỹ hãy thực hiện nghĩa vụ của mình đối với WHO.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 15/4 nói: "Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định của Mỹ".

"Hành động của Tổng thống Trump sẽ làm suy yếu năng lực của WHO trong việc chống lại đại dịch, đặc biệt là ở những quốc gia kém phát triển, đồng thời gây tổn hại tới quan hệ hợp tác quốc tế", ông Triệu Lập Kiên nói.

Nhà sáng lập tập đoàn Microsoft - tỉ phú Bill Gates thì cho rằng việc ông Trump ngừng cấp vốn cho WHO giữa một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu là "cực kì nguy hiểm".

Ông Trump ngừng rót tiền cho WHO, cả thế giới chỉ trích và bày tỏ quan ngại - Ảnh 2.

Tỉ phú Bill Gates cũng chỉ trích ông Trump về quyết định dừng cấp ngân sách cho WHO. Ảnh: Getty Images.

Ông Josep Borrell – Đại diện cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh Châu Âu (EU) đăng Twitter: "Cực kì thất vọng về quyết định ngừng cấp ngân sách cho WHO của Mỹ. Không có lí do nào có thể biện minh cho hành động này khi mà những nỗ lực của WHO đang cần thiết hơn bao giờ hết".

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cũng cho rằng việc đổ lỗi lẫn nhau sẽ không mang lại tác dụng gì. "Virus không biết đến biên giới", ông Maas đăng Twitter.

Bà Jacinda Ardern - Thủ tướng New Zealand cho rằng WHO là một phần thiết yếu trong nỗ lực đẩy lùi COVID-19. "Trong tình cảnh hiện nay chúng ta cần chia sẻ thông tin và cần những lời tư vấn có thể tin tưởng được, WHO đã làm được nhiệm vụ đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ và đóng góp đúng trách nhiệm của mình", bà Ardern nói.

Ông Scott Morrison - Thủ tướng Australia tỏ ra đồng cảm với những chỉ trích mà ông Trump nhắm vào WHO, đặc biệt là khi WHO ủng hộ "một cách không thể hiểu nổi" việc Trung Quốc mở cửa trở lại các khu chợ bán thịt tươi sống - vốn được coi là nơi khởi phát dịch COVID-19.

"Tuy nhiên, WHO cũng làm nhiều công việc quan trọng, trong đó bao gồm ở khu vực Thái Bình Dương và chúng tôi hợp tác chặt chẽ với WHO", ông Morrison nói trên một đài truyền thanh Australia. "Chúng tôi sẽ không ném chuột vỡ bình, nhưng WHO cũng không thể tránh khỏi bị chỉ trích".

Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki tuyên bố trên Twitter: "Hơn bao giờ hết, thế giới đang cần sự lãnh đạo của WHO để vượt qua cơn bão COVID-19. Chúng ta có trách nhiệm chung hết sức khẩn thiết trong việc đảm bảo WHO có thể thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình".

Tổ chức y tế Protect Our Care tại Mỹ cho rằng việc Tổng thống Trump ngừng cấp ngân sách cho WHO là "một bằng chứng rõ ràng cho thấy ông Trump đang cố tình đánh lạc hướng dư luận khỏi những tuyên bố của ông ta trước đây với nội dung hạ thấp mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như sự thất bại của chính quyền ông Trump trong công tác chuẩn bị ứng phó".

"Tất nhiên WHO cũng có những sai lầm, nhưng cắt nguồn tiền cho WHO trong lúc dịch bệnh cao trào này là hết sức vô trách nhiệm", ông Leslie Dach – Chủ tịch của Protect Our Care phát biểu.

Song Ngọc