|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng thống Trump dùng WHO làm 'con dê tế thần'

17:06 | 15/04/2020
Chia sẻ
Tổng thống Donald Trump cho biết chính phủ Mỹ sẽ ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì cơ quan này khiến "nhiều người bỏ mạng vì đại dịch" khi giúp đỡ "Trung Quốc che đậy thông tin về virus corona", mặc dù chính ông từng ca ngợi hướng xử lí đại dịch của Trung Quốc cũng như khen ngợi WHO.

Trong nhiều tuần qua, Tổng thống Trump đã không ngừng vấp phải chỉ trích vì phản ứng chậm chạp và kém hiệu quả trong đại dịch COVID-19 cũng như không nhanh chóng áp dụng các biện pháp y tế cộng đồng có thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Theo New York Times, cuộc thăm dò gần đây cho thấy có nhiều người dân Mỹ phản đối cách ông Trump xử lí cuộc khủng hoảng y tế hơn là ủng hộ.

Thế là vào ngày 14/4, ông Trump đã đổ lỗi và biến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành "con dê tế thần" (scapegoat), tuyên bố ngừng tài trợ cho tổ chức này. Lí do mà ông Trump đưa ra là WHO đã phạm phải một loạt sai lầm gây thiệt hại nghiêm trọng trong quá trình chống lại đại dịch.

Ông Trump nói chính quyền của ông sẽ tiến hành đánh giá xem xét trách nhiệm của WHO trong việc quản lí kém và che đậy sự lây lan của COVID-19.

"Sai lầm của WHO đã khiến nhiều người bỏ mạng", Tổng thống Trump phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng.

Cụ thể, ông Trump cáo buộc WHO gây ra tất cả các sai lầm mà chính ông mắc phải kể từ khi virus corona lần đầu xuất hiện ở Trung Quốc và sau đó lan rộng trên khắp thế giới.

Bị chỉ trích vì phản ứng chậm chạp trước đại dịch, Tổng thống Trump cố đổ lỗi và ngưng tài trợ cho WHO - Ảnh 1.

Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 14/4. (Ảnh: New York Times)

Tính đến ngày 14/4, toàn thế giới ghi nhận khoảng 2 triệu ca dương tính với COVID-19 và gần 125.000 ca tử vong. Riêng tại Mỹ - ổ dịch lớn nhất thế giới, có hơn 600.000 ca nhiễm và 25.000 ca tử vong.

Cuộc tấn công vào WHO - tổ chức được thành lập từ sau Thế chiến II như một phần của Liên Hợp Quốc nhằm "thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe của người dân trên toàn cầu" là ví dụ mới nhất cho thấy nỗ lực đổ lỗi của ông Trump trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.

Không phải lần đầu tiên ông Trump đổ lỗi cho người khác

Theo New York Times, trong nhiều tháng qua, ông Trump đã liên tục cáo buộc truyền thông đại chúng, thống đốc các tiểu bang, Đảng Dân chủ và cả cựu Tổng thống Barack Obama phải chịu trách nhiệm cho tình hình dịch bệnh ở Mỹ.

Tuy nhiên, chính ông Trump đã công khai và liên tục ca ngợi hướng xử lí đại dịch của chính phủ Trung Quốc hồi đầu năm nay, thời điểm mà chính quyền của ông đang đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc.

Vào ngày 24/1, khoảng một tháng sau khi virus corona lần đầu được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, ông Trump đăng tweet: "Trung Quốc đã nỗ lực kiểm soát virus. Mỹ đánh giá cao sự cố gắng và tính minh bạch của họ".

Trong cuộc tranh luận qua lại với báo giới hôm 14/4 sau tuyên bố ngừng tài trợ cho WHO tại Vườn Hồng, ông Trump đã từ chối trả lời về sự mâu thuẫn trong lời nói của mình, cho hay ông "rất muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc" ngay cả khi ông hỏi "đâu chỉ mình tôi cho đóng cửa biên giới với Trung Quốc?"

Nhấn mạnh lí do tại sao lại quyết định ngừng cấp ngân sách cho WHO, ông Trump khẳng định WHO "thiên vị Trung Quốc" mà không giải thích ý nghĩa câu nói hay tại sao điều đó lại khiến số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ tăng cao.

Trong một tuyên bố vào tối ngày 14/4, ông António Guterres - Tổng thư kí Liên Hợp Quốc, đã lên tiếng bảo vệ WHO. Ông Guterres nói rằng chúng ta "phải hỗ trợ WHO vì cơ quan này là cực kì cần thiết cho cuộc chiến đẩy lùi đại dịch".

Ông Guterres nhận định "có thể các bên tiếp nhận thông tin theo hướng khác nhau" nhưng ông khẳng định đây không phải là lúc để giải quyết những khác biệt đó.

"Bây giờ không phải lúc để giảm bớt các nguồn lực cho hoạt động của WHO hay bất kì tổ chức nhân đạo nào khác đang trong cuộc chiến chống lại COVID-19", ông Guterres nói thêm.

Các quốc gia thành viên cứ hai năm sẽ cấp ngân sách một lần cho WHO, số ngân sách này rơi vào khoảng 6 tỉ USD. Năm 2019, Mỹ đóng góp khoảng 553 triệu USD.

Ông Trump và WHO, ai đã hành động nhanh và quyết liệt hơn?

Theo ông Trump, WHO đã "chống lại" Mỹ sau khi ông ra lệnh hạn chế chuyến bay từ Trung Quốc vào ngày 31/1.

Theo New York Times, ông Trump dường như đang đề cập đến một quyết định của các quan chức WHO, trong đó nêu rõ "việc hạn chế con người và hàng hóa lưu thông trong giai đoạn khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng thường không hiệu quả và có thể làm chệch hướng các nguồn lực lẽ ra có thể dùng cho biện pháp can thiệp khác".

WHO không chỉ trích Mỹ vì đây không phải nước duy nhất áp lệnh hạn chế nhập cảnh với Trung Quốc vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, trong quá khứ WHO thường phản đối động thái đóng cửa biên giới hoặc hạn chế nhập cảnh khi dịch bệnh bùng phát. Cơ sở của WHO là các biện pháp này không bao giờ ngăn chặn được các bệnh truyền nhiễm và còn gây ra tâm lí hoảng loạn cũng như thiệt hại kinh tế trên diện rộng.

Đại dịch COVID-19 chính là bài kiểm tra cho các giả định trên ở những quốc gia giàu có và nhiều chuyên gia đồng ý rằng lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách từ Trung Quốc và sau đó là châu Âu của chính phủ Mỹ có lẽ đã giúp ông Trump có thêm chút ít thời gian quí giá để chuẩn bị chống dịch.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng Nhà Trắng đã lãng phí không ít thời gian và ông Trump đã tận dụng cơ hội lần này để chuyển hướng chỉ trích sang WHO.

Một số quốc gia khác lại đặt ra câu hỏi liệu WHO đã đủ tích cực trong việc đưa ra khuyến nghị hành động nhằm chống lại đại dịch COVID-19 hay chưa. Một số chính phủ lưu ý rằng ban lãnh đạo của WHO không xác minh khẳng định của Trung Quốc hồi giữa tháng 1 rằng virus corona chủng mới không lây từ người sang người.

Tuy nhiên, WHO quả thực có đưa ra nhiều khuyến nghị khẩn cấp trong suốt tháng 1 về mối nguy hiểm tiềm tàng từ virus corona và tuyên bố rằng đây là "một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên phạm vi quốc tế" một ngày trước khi chính quyền ông Trump làm điều tương tự.

Từ ngày 22/1, Tổng giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus đã tổ chức họp báo gần như mỗi ngày để cảnh báo thế giới rằng virus corona đang lây lan và các nước nên làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn dịch bệnh.

Mỗi ngày, ông Adhanom đều lặp lại câu nói: "Chúng ta có cơ hội để đẩy lùi đại dịch. Tuy nhiên, cánh cửa đang hẹp dần".

Cáo buộc WHO quá mềm mỏng với Trung Quốc của ông Trump có thể là kết quả của lời ngợi khen mà ông từng dành cho chính phủ Trung Quốc. Cụ thể, ông Trump từng đánh giá cao chiến lược chống dịch có phần nghiêm khắc của Bắc Kinh.

Bắc Kinh đã gửi 40.000 nhân viên y tế từ khắp Trung Quốc đến Vũ Hán, xây dựng hai bệnh viện dã chiến hàng nghìn giường, đào tạo 9.000 người theo dõi trường hợp nghi nhiễm và tra lịch sử dịch tễ, xét nghiệm và cách li không chỉ người tiếp xúc với virus mà cả những người có biểu hiện sốt.

Chiến lược mạnh tay của Trung Quốc cuối cùng đã mang lại hiệu quả.

Đến ngày 18/3, Trung Quốc không báo cáo ca nhiễm mới nào trên khắp cả nước và một số thành phố đã được phép mở cửa trở lại trong tháng 3. Các chuyên gia y tế cộng đồng gọi những gì Trung Quốc đã làm là một thành công chưa từng có.

Do đó, cáo buộc WHO ì ạch khiến nhiều người bỏ mạng vì đại dịch của ông Trump trái ngược với thực tế, khi mà tổ chức này liên tục đánh giá cao chiến lược kiểm soát dịch nhanh chóng của Trung Quốc.

Cáo buộc mới nhất của Tổng thống Trump cũng đi ngược lại với chính đánh giá của ông về WHO cách đây 6 tuần.

Hồi cuối tháng 2, trước khi bị chỉ trích gay gắt về phản ứng chậm chạp trong đại dịch, ông Trump đã dành nhiều lời khen ngợi cho WHO, cho rằng cơ quan này đã làm việc sâu sát với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

"Dịch COVID-19 tại Mỹ đang được kiểm soát tốt", ông Trump đăng tweet. "Chúng tôi đang duy trì liên lạc với tất cả các nước liên quan. CDC và WHO đang làm việc rất nỗ lực và khôn ngoan".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê