|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Bão' COVID-19 mới càn quét hàng loạt quốc gia châu Á

10:35 | 10/05/2021
Chia sẻ
Ngày càng có nhiều quốc gia châu Á phải đối mặt đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nghiêm trọng, với số ca nhiễm và tử vong mỗi ngày tăng cao đột biến, hệ thống y tế gần như quá tải.

Theo CNN, khi thảm họa dịch COVID-19 ở Ấn Độ tiếp tục trầm trọng hơn, những làn sóng dịch bệnh mới đang nhanh chóng nhấn chìm ngày càng nhiều các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có những nước đang phải vật lộn với đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Ngày 5/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tính trong một tuần qua, số ca nhiễm mới và tử vong ở Ấn Độ đã chiếm lần lượt 1/2 và 1/4 tổng số của cả thế giới.

Số ca nhiễm mới cũng tăng vọt ở các nước xung quanh Ấn Độ, từ Nepal ở phía Bắc đến Sri Lanka và Maldives ở phía Nam. Và không chỉ các nước láng giềng của Ấn Độ, xa hơn ở Đông Nam Á, các ca nhiễm cũng đang tăng đột biến tại Thái Lan, Campuchia và Indonesia.

WHO cho biết: "Khu vực Đông Nam Á báo cáo hơn 2,7 triệu ca mắc mới và hơn 25.000 trường hợp tử vong mới trong tuần qua, tăng lần lượt 19% và 48% so với tuần trước.".

Dịch bệnh bùng phát trở lại đã gây áp lực lớn lên hệ thống y tế và nguồn cung y tế của các quốc gia này. Một số nước đã kêu gọi sự trợ giúp quốc tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ.

Hôm 5/5, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế  (IFRC) cảnh báo phải hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn thảm kịch COVID-19 đang diễn ra trên khắp châu Á.

Alexander Matheou, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFRC, cho biết: "Chúng ta cần phải hành động ngay lập tức và nhanh chóng để có hy vọng ngăn chặn thảm họa nhân loại này...những biến thể mới đang hoành hành khắp châu Á."

Số ca nhiễm COVID-19 mới và tỷ lệ tử vong ở Thái Lan cao chưa từng có

Hàng loạt quốc gia châu Á bị tàn phá bởi làn sóng COVID-19 mới - Ảnh 1.

Sân vận động thể thao Chalerm Prakiat Bang Mod ở Bangkok đã được chuyển thành bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. (Ảnh: CNN).

Mặc dù là quốc gia đầu tiên báo cáo trường hợp nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc vào tháng 1 năm ngoái, Thái Lan vẫn duy trì được số ca nhiễm thấp vào năm 2020 nhờ các biện pháp ngăn chặn thành công.

Tuy nhiên, năm nay, nước này đang phải đối mặt với một thách thức lớn hơn nhiều. Sau khi ngăn chặn đợt dịch thứ hai vào tháng 12 năm ngoái, Thái Lan đang phải vật lộn với đợt dịch thứ ba đã đẩy số ca nhiễm mới hàng ngày và tỷ lệ tử vong lên mức chưa từng có.

Tổng số ca mắc của Thái Lan tính đến 31/3 là 28.863 ca. Trong năm tuần, con số này đã tăng hơn gấp đôi, hơn 76.000 ca. Chỉ riêng ngày 7/5, nước này đã ghi nhận thêm 1.911 ca.

Sự bùng phát lần này bắt nguồn từ một số điểm giải trí về đêm ở Bangkok. Vào ngày 5/4, thành phố thông báo đóng cửa 196 địa điểm vui chơi giải trí trong hai tuần. Nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan và trở nên trầm trọng hơn khi hàng trăm nghìn người dân về quê và đi du lịch trong dịp Tết Songkran (giữa tháng 4).

Wayo Assawarungruang, một thành viên đối lập của quốc hội, người giám sát chính sách y tế công cộng của đảng ông, cho biết một số bệnh viện ở Bangkok đã từ chối xét nghiệm cho người dân vì không có đủ giường và chính phủ yêu cầu cần tiếp nhận những bệnh nhân dương tính ngay lập tức.

Các nhà chức trách đã thiết lập các bệnh viện dã chiến, sử dụng các trung tâm thể thao, hội trường và khách sạn để tiếp nhận bất kỳ ai bị nhiễm vi rút, kể cả các trường hợp không có triệu chứng, nhằm hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.

Hôm 4/5, chính phủ Thái Lan đã phát động chiến dịch tiêm vắc xin cho 50.000 người sống trong một khu dân cư đông đúc ở Bangkok, sau khi hơn 300 cư dân bị nhiễm bệnh. Chính phủ đã bị chỉ trích vì hành động quá chậm chạp trong việc triển khai tiêm vắc xin. Ở một đất nước gần 70 triệu dân, cho đến nay chỉ có 2 liều được tiêm cho mỗi 100 người.

Campuchia trên bờ vực của một thảm kịch quốc gia

Hàng loạt quốc gia châu Á bị tàn phá bởi làn sóng COVID-19 mới - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng dài để tiêm một liều vắc xin Sinopharm của Trung Quốc tại một trường học ở Phnom Penh vào ngày 3/5. (Ảnh: CNN).

Các ca nhiễm mới cũng đang tăng ở Campuchia, một trong những đất nước có số ca nhiễm thấp nhất thế giới và không có trường hợp tử vong nào cho đến tháng 2.

Làn sóng dịch bệnh mới vào cuối tháng 2 đã khiến số ca nhiễm mới mỗi ngày tăng vọt từ khoảng 0 đến hàng trăm ca. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca nhiễm đã tăng từ khoảng 500 vào cuối tháng 2 lên 17.621 người, với 114 trường hợp tử vong. Chỉ trong ngày 6/5, nước này đã ghi nhận 650 ca mắc mới và 4 ca tử vong.

Số ca nhiễm mới tăng đột biến đã gây ra áp lực rất lớn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh của nước này. Vào ngày 6 /4, Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 với các triệu chứng nhẹ phải điều trị tại nhà, vì các bệnh viện đã gần như hết công suất.

Ngày 11/4, WHO cảnh báo Campuchia đang "trên bờ vực của một thảm kịch quốc gia.".

Đại diện WHO tại Campuchia Li Ailan cho biết: "Bất chấp những nỗ lực hết sức, chúng tôi đang phải vật lộn để kiểm soát virus. Trừ khi ngăn chặn được sự bùng phát, hệ thống y tế của Campuchia có nguy cơ cao bị quá tải, dẫn đến hậu quả thảm khốc.".

Các nhà chức trách đã áp dụng lệnh phong toả ở thủ đô Phnom Penh và một quận vào ngày 15/4. Biện pháp này được đưa ra vào giữa Tết của Campuchia.

Các khu vực được dán nhãn là "vùng đỏ", nơi sinh sống của khoảng 300.000 người, đã áp dụng các biện pháp cấm người dân rời khỏi nhà trừ trường hợp y tế khẩn cấp. Các nhóm nhân quyền cảnh báo biện pháp này đang dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo, do người dân phải vật lộn để kiếm thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác trong khi các tổ chức phi chính phủ bị cấm vào để phân phát viện trợ.

Nước này đang hy vọng vào việc tiêm chủng để hạn chế làn sóng dịch bệnh thứ hai này. Ngày 1/5, quân đội Campuchia đã bắt đầu chiến dịch kéo dài một tháng để tiêm chủng cho gần nửa triệu cư dân ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Phnom Penh, bằng vắc xin do công ty Trung Quốc Sinopharm và Sinovac sản xuất.

Đến nay, hơn 2,6 triệu liều đã được tiêm ở đất nước 16 triệu dân này, nhưng chỉ 6,33% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Lo ngại kỳ nghỉ lễ sắp tới khiến dịch bệnh trầm trọng hơn ở Indonesia

Hàng loạt quốc gia châu Á bị tàn phá bởi làn sóng COVID-19 mới - Ảnh 3.

Các công nhân chôn cất thi thể của một nạn nhân COVID-19 tại một nghĩa trang dành riêng cho những người tử vong do virus corona ở Bắc Sumatra, Indonesia. (Ảnh: CNN).

Đất nước 270 triệu dân này đã ghi nhận trung bình khoảng 5.000 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày trong tuần qua. Các nhà chức trách đang lo ngại về kỳ nghỉ lễ Mudik sắp tới, với hàng chục triệu người dân về quê ăn mừng lễ Eid al-Fitr.

Để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong các lễ hội Eid, chính phủ Indonesia đã cấm tất cả các chuyến du lịch trong nước từ ngày 6/5 đến ngày 17/5. Bao gồm cấm sử dụng phương tiện công cộng và cá nhân, bao gồm ô tô, xe máy, xe buýt, tàu hỏa, phà, tàu thủy và máy bay...

Theo hãng thông tấn nhà nước Antara, bất chấp lệnh cấm đi lại, 18 triệu người, chiếm 7% dân số Indonesia, vẫn lên kế hoạch đi du lịch trong dịp lễ Eid al-Fitr.

Khoảng 155.000 nhân viên bao gồm 90.000 cảnh sát và 11.500 sĩ quan quân đội đang được triển khai tới các đồn trên khắp đất nước để thực thi lệnh cấm và các hạn chế xung quanh ngày lễ. Tại Jakarta, hơn 4.000 nhân viên sẽ đóng quân xung quanh khu vực thủ đô để thực thi lệnh cấm.

Như Ngọc