WHO: Biến chủng nCoV Ấn Độ đã lan đến ít nhất 17 nước
Theo AFP, ngày 27/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể nCoV, được cho là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng đột biến các ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ, đã được tìm thấy ở hơn một chục quốc gia trên thế giới.
Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc (UN health Agency) cho biết biến thể B.1.617, lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ, tính đến ngày 27/4 đã được phát hiện trong hơn 1.200 trình tự gene được tải lên cơ sở dữ liệu truy cập mở GISAID từ ít nhất 17 quốc gia.
"Hầu hết các trình tự gene được tải lên từ Ấn Độ, Anh, Mỹ và Singapore.", WHO cho biết trong bài cập nhật dịch tễ hàng tuần về đại dịch.
WHO gần đây đã xếp biến chủng B.1.617 vào loại "biến thể đáng quan tâm" (Variant of interest – VOI), nhưng chưa coi đây là "biến thể đáng lo ngại" (Variant of concern – VOC). Biến chủng được xếp vào loại VOC có nghĩa là chúng nguy hiểm hơn phiên bản virus gốc, chẳng hạn như có khả năng lây lan cao hơn, gây chết người hoặc kháng vắc xin mạnh hơn.
Ấn Độ đang phải đối mặt với số ca mắc mới và số ca tử vong do đại dịch COVID-19 ngày càng gia tăng, và ngày càng lo ngại rằng chính biến thể mới này là một trong những nguyên nhân góp phần vào thảm họa đang diễn ra nơi đây.
Sự bùng nổ các ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ, 350.000 ca mắc mới đã được ghi nhận ở quốc gia này chỉ trong ngày 27/4 đã khiến tổng số ca nhiễm toàn cầu tăng vọt lên 147,7 triệu trường hợp. Hiện virus corona đã cướp đi hơn 3,1 triệu sinh mạng trên toàn thế giới.
WHO thừa nhận rằng mô hình sơ bộ dựa trên các trình tự gene được gửi lên GISAID cho thấy "B.1.617 có tốc độ phát triển nhanh hơn các biến thể khác ở Ấn Độ, cho thấy khả năng lây nhiễm cao hơn.".
Tổ chức cũng nhấn mạnh các biến thể khác tồn tại cùng thời điểm cũng cho thấy khả năng lây truyền nhanh hơn và sự kết hợp của các biến thể này có thể là nguyên nhân làm bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ. "Thực tế, các nghiên cứu đã cho thấy tốc độ lan truyền của làn sóng COVID-19 thứ hai nhanh hơn nhiều so với làn sóng đầu tiên.", WHO cho biết.
Bên cạnh đó, tổ chức cũng nhấn mạnh sự quản lý cũng góp phần vào sự gia tăng số ca nhiễm, bao gồm việc tuân thủ lỏng lẻo các biện pháp y tế công cộng cũng như các hoạt động, sự kiện tập trung đông người.
Cơ quan Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh rằng "cần khẩn cấp nghiên cứu sâu hơn về các đặc điểm của biến chủng B.1.617 và các biến thể khác, bao gồm những tác động ảnh hưởng đến khả năng lây truyền, mức độ nguy hiểm và nguy cơ tái nhiễm".
Philippines nguy cơ đối mặt làn sóng COVID-19 giống Ấn Độ
SCMP đưa tin, các chuyên gia y tế cảnh báo Philippines có thể phải đối mặt với sự gia tăng của các ca nhiễm COVID-19 tương tự như những gì đang xảy ra tại Ấn Độ, khi tổng số ca bệnh trên toàn quốc vượt qua con số một triệu và bệnh nhân COVID-19 đã "tràn ra" hành lang các bệnh viện ở Thủ đô Manila.
Tiến sĩ Rodrigo Ong, chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu độc lập OCTA, chuyên đưa ra các dự báo về sự lây lan của virus, hôm qua cho biết Philippines hiện đang ở "cùng một giao điểm" với khoảng 10.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày, thời điểm mà giới chức Ấn Độ quyết định dỡ bỏ các hạn chế đối với các cuộc tụ tập lớn khi nghĩ rằng virus đã được kiểm soát.
Ông Ong cũng nhận định dịch bệnh ở Philippines đang ở trong một "thế cân bằng mong manh", với hơn 80% giường bệnh của đất nước đã được sử dụng. "Cuối tháng 4, khi các hạn chế phòng dịch có khả năng được nới lỏng hơn nữa, sự cân bằng mong manh này có thể khiến hệ thống y tế bị quá tải.", ông Ong nói.
Philippines đã ghi nhận 7.204 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong ngày hôm qua, giảm đi nhiều so với mức 15.310 vào hôm 2/4. Nhưng OCTA đang kêu gọi duy trì các hạn chế để tiếp tục giảm tỷ lệ lây nhiễm và giảm bớt áp lực cho các bệnh viện.
This Week In Asia dẫn lời Tiến sĩ Anthony Leachon, một cựu cố vấn COVID-19 của chính phủ, người đã bị sa thải vì công khai chỉ trích cách phản ứng với đại dịch của Manila, cho biết ngay cả khi duy trì các đợt phong toả nghiêm ngặt thì "cuộc khủng hoảng COVID-19" thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn khi có sự xuất hiện của các biến thể virus.
"Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết chính phủ đã mua đủ vắc xin để tiêm chủng cho 70 triệu người, con số được cho là cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng, nhưng nhiều liều trong số đó sẽ chỉ đến Philippines sớm nhất vào cuối năm nay.", Tiến sĩ Leachon cho biết.
Tính tới thời điểm này, chỉ khoảng 1,7 triệu người Philippines được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19.