Ấn Độ ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận ca nhiễm cao kỷ lục, trung bình 1 giờ có hơn 100 người tử vong vì COVID-19
Theo tờ SCMP, trong khu cấp cứu New Delhi, hàng ngày bác sĩ Gautam Singh đều cảm thấy sợ hãi mỗi khi máy thở phát ra tiếng bíp báo hiệu nồng độ oxy đang ở mức thấp hay nghe thấy những bệnh nhân nặng của ông bắt đầu thở hổn hển.
Ngày 26/4 là ngày thứ 5 liên tiếp, Ấn Độ lập kỷ lục mới về số ca nhiễm COVID-19 mới trong một ngày (hơn 300.000 ca). Đến nay, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng hơn 17,6 triệu ca nhiễm và gần 200.000 ca tử vong, là vùng dịch lớn thứ hai thế giới.
Các bác sĩ trên khắp Ấn Độ đang phải cầu xin bình oxy chỉ để giữ cho những bệnh nhân nguy kịch nhất của mình được sống thêm một ngày nữa.
Ấn Độ ban đầu được xem là một quốc gia thành công trong việc vượt qua đại dịch COVID-19, nhưng virus corona hiện đang chạy đua với dân số khổng lồ gần 1,4 tỷ người của đất nước này và các hệ thống đang bắt đầu sụp đổ.
Các tin nhắn cầu cứu của các bác sĩ trên khắp đất nước cho thấy mức độ hoảng loạn ở Ấn Độ. Ngoài nguồn cung cấp oxy đã cạn kiệt, các khoa chăm sóc đặc biệt đang hoạt động hết công suất và gần như tất cả các máy thở đều đã được sử dụng. Số bệnh nhân COVID-19 tử vong tăng lên khiến cho bầu trời đêm ở một số thành phố Ấn Độ rực sáng từ các giàn hỏa táng.
Hôm 26/4, quốc gia này báo cáo thêm 2.812 trường hợp nhiễm COVID-19 tử vong, tương đương với khoảng 117 người dân Ấn Độ tử vong mỗi giờ, các chuyên gia cho rằng những con số thống kê này là quá thấp so với thực tế.
Theo NYTimes, giới chuyên gia cho rằng những con số thống kê đáng kinh ngạc, nhưng chỉ phản ánh được một phần thực tế đại dịch của Ấn Độ. Số ca nhiễm mới tăng đột ngột trong những tuần gần đây, với sự xuất hiện của biến thể mới được cho là tác nhân hàng đầu, ngày càng khiến nhiều người hoài nghi về báo cáo của giới chức Ấn Độ.
Nhiều cuộc phỏng vấn tại các khu hỏa táng trên khắp đất nước, nơi lửa gần như không tắt, đã phác họa một bức tranh đại dịch tàn khốc hơn. Giới phân tích cho rằng chính trị gia và ban quản lý bệnh viện có thể chưa thống kê hết số lượng lớn người chết vì đại dịch. Thêm vào đó, nhiều gia đình cũng có thể đang che giấu việc người thân tử vong vì COVID-19.
"Từ tất cả mô hình đã thực hiện, chúng tôi tin rằng số ca tử vong thực tế có thể gấp hai tới 5 lần so với báo cáo", Bhramar Mukherjee, nhà dịch tễ học tại Đại học Michigan, người theo dõi sát sao tình hình Ấn Độ, cho hay.
Các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch như bác sĩ Singh đang cố gắng bằng mọi giá để có được những vật dụng cần thiết để giữ cho bệnh nhân của mình sống sót. Singh đã nhận được 20 bình oxy vào hôm 26/4, tuy nhiên số bình này chỉ đủ dùng cho một ngày.
"Tôi cảm thấy bất lực, tuy nhiên tôi sẽ cầu xin một lần nữa và hy vọng ai đó sẽ gửi oxy đến để các bệnh nhân được sống dù chỉ thêm một ngày nữa.", Singh chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Dù tình hình hiện tại rất tồi tệ, các chuyên gia cảnh báo mọi thứ vẫn có khả năng trở nên xấu hơn nữa. Krishna Udayakumar, giám đốc sáng lập Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke tại Đại học Duke cho biết đất nước sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu trong những ngày tới.
Ông nói: "Tình hình ở Ấn Độ rất bi thảm và có khả năng trở nên tồi tệ hơn trong vài tuần đến vài tháng tới, một sự nỗ lực và phối hợp toàn cầu là rất cần thiết để giúp Ấn Độ thoát khỏi thời điểm khủng hoảng này.".
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã trải qua đợt dịch COVID-19 thứ ba nghiêm trọng nhất với số ca nhiễm mới hàng ngày cao đỉnh điểm lên tới hơn 307.000 ca hồi tháng 1, hiện nước này đang duy trì ở mức 60.000 ca mỗi ngày trong hơn hai tháng qua. Tương tự, số ca tử vong cũng giảm từ mức 4.000 xuống 1.000 trường hợp.
Theo Bloomberg, tính tới thời điểm này, 231 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được sử dụng tại Mỹ. Tốc độ tiêm chủng đạt trung bình 2,74 triệu liều mỗi ngày trong tuần trước.
Reuters đưa tin, hôm 26/4, Mỹ cho biết sẽ bắt đầu chuyển 60 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca cho các nước khác sớm nhất trong vài tuần tới. Mặc dù loại vắc xin này vẫn chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung nội địa của nước này ngày càng được đảm bảo nên khó có khả năng sẽ cần sử dụng đến số vắc xin của AstraZeneca đã được Mỹ "tích trữ" trước đó.
Tại Đông Nam Á, trong 24 giờ qua có tới 5 quốc gia ghi nhận các trường hợp tử vong vì COVID-19 gồm Philippines, Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.
Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh tại Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, và Lào vẫn đang diễn biến hết sức quan ngại và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi số ca nhiễm mới báo cáo hàng ngày ở mức cao chưa từng thấy.