|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ, Trung Quốc sẵn lòng giúp Ấn Độ ứng phó 'sóng thần' COVID-19

07:47 | 26/04/2021
Chia sẻ
Mỹ sẽ gửi cho Ấn Độ nguyên liệu để sản xuất vắc xin ngừa COVID-19, thiết bị y tế và thiết bị bảo hộ. Mỹ cũng sẽ phái chuyên gia y tế để hỗ trợ Ấn Độ chống dịch.
Mỹ, Trung Quốc sẵn lòng giúp Ấn Độ ứng phó 'sóng thần' COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế bên ngoài khu chữa trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Sir Ganga Ram ở Ấn Độ. (Ảnh: Getty Images).

Chính quyền Biden cho biết sẽ ngay lập tức cung cấp nguyên liệu thô cần để sản xuất vắc xin COVID-19 nhằm giúp Ấn Độ đối phó với số ca nhiễm tăng cao.

Trong những tuần gần đây, Ấn Độ đang phải chật vật để đối phó với "sóng thần" COVID-19 thứ hai. Trong hai ngày 23 và 24/4, số ca nhiễm mới tại Ấn Độ đều trên 340.000/ngày - mức cao chưa từng thấy trên toàn thế giới từ đầu dịch đến nay. Tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ hiện đã xấp xỉ 17 triệu, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.

Bà Emily Horne, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ra phát biểu ngày 25/4: "Giống như Ấn Độ gửi hỗ trợ đến Mỹ khi các bệnh viện của chúng ta chịu áp lực trong giai đoạn đầu của đại dịch, Mỹ cũng quyết tâm giúp đỡ Ấn Độ trong thời điểm khó khăn".

Bà Horne nói thêm rằng Mỹ sẽ gửi nguyên liệu thô để Ấn Độ sản xuất vắc xin Covishield, cũng như phương pháp điều trị, bộ xét nghiệm chẩn đoán nhanh, máy thở và thiết bị bảo hộ. 

"Tập đoàn Tài chính Phát triển Mỹ đang tài trợ để giúp BioE, nhà sản xuất vắc xin tại Ấn Độ, nâng cao đáng kể năng lực sản xuất, cho phép BioE tạo ra ít nhất 1 tỷ liều vắc xin ngừa COVID-19 đến cuối năm 2022", bà Horne cho biết. Ngoài ra, Washington cũng sẽ cử một nhóm cố vấn y tế công cộng từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ và USAID đến Ấn Độ.

Theo CNBC, thông báo trên được đưa ra ngay sau cuộc gọi giữa hai cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ và Ấn Độ. Theo đó, ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đã "khẳng định tình đoàn kết giữa Mỹ với Ấn Độ, hai quốc gia có số ca mắc bệnh COVID-19 nhiều nhất trên thế giới". 

Phản ứng của Mỹ được đưa ra sau khi Anh, Pháp và Đức đã cam kết hỗ trợ cho Ấn Độ vào cuối tuần trước. Các lô hàng viện trợ của Anh sẽ đến Ấn Độ ngay trong tuần này. Các thiết bị được Anh gửi đi bao gồm 495 máy tạo ô xy và 140 máy thở, tờ BBC đưa tin. Pháp sẽ hỗ trợ oxy. Ủy ban châu Âu cũng có kế hoạch cung cấp oxy và thuốc men cho Ấn Độ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 23/4 nói: "Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hỗ trợ mạnh mẽ chính phủ và nhân dân Ấn Độ trong cuộc chiến chống COVID-19. Trung Quốc đã sẵn sàng cung cấp hỗ trợ theo nhu cầu của Ấn Độ và hiện đang liên lạc với phía Ấn Độ về vấn đề này".

Hôm 25/4, Tổng thống Biden viết trên Twitter rằng chính quyền của ông "quyết tâm giúp đỡ Ấn Độ trong giai đoạn khó khăn".

Tuần trước, Mỹ đã đạt được mục tiêu tiêm 200 triệu liều vắc xin trong 100 ngày đầu của chính quyền Biden. Trao đổi với các phóng viên, ông Biden cho biết chính quyền của ông đang xem xét thêm nhiều cách để giúp đỡ quốc tế.  

"Chúng tôi đang cân nhắc nên làm gì với một số vắc xin mà chúng tôi không sử dụng. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng đủ an toàn để gửi đi các nước khác", ông Biden nói vào ngày 21/4. "Mỹ chưa có đủ vắc xin ngừa COVID-19 để có thể chia sẻ cho nước khác. Nhưng tôi kỳ vọng chúng ta sẽ có được năng lực này trong tương lai".

Giang

Liệu hệ thống KRX có lỡ hẹn với mốc ngày 2/5?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đưa ý kiến về hệ thống công nghệ thông tin thuộc dự án đầu tư xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (hay còn gọi là hệ thống KRX) trước thời điểm dự kiến chính thức vận hành 2/5 theo như kế hoạch đưa ra trước đó.