|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dịch bệnh căng thẳng ở Ấn Độ nhấn chìm hy vọng của OPEC+

07:01 | 28/04/2021
Chia sẻ
Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, được dự đoán là một trong các động lực chính thúc đẩy nhu cầu phục hồi hậu COVID-19. Song, thảm cảnh đáng buồn ở đất nước Nam Á đang khiến triển vọng này trở nên bất khả thi.

Số ca nhiễm và tử vong tăng vọt

Hiện tại, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang phải hứng chịu chỉ trích nặng nề vì các ca bệnh mới tăng liên tục không lâu sau khi New Delhi tuyên bố "đang ở giai đoạn cuối của đại dịch COVID-19".

Hơn nữa, chính quyền ông Modi còn cho phép người dân tự do đi bầu cử cũng như "gật đầu" đồng ý tổ chức lễ hội Kumbh Mela bên bờ sông Hằng. Lễ hội này thu hút hơn 3,5 triệu tín đồ, tạo ra một cụm dịch siêu lây nhiễm tại đất nước tỷ dân.

Dịch bệnh căng thẳng ở Ấn Độ nhấn chìm hy vọng của OPEC+ - Ảnh 1.

Theo CNN, số trường hợp nhiễm COVID-19 mới tăng liên tục trong 10 ngày qua. Riêng ngày 26/4, Ấn Độ báo cáo 352.991 ca bệnh mới, phá vỡ kỷ lục về số ca nhiễm mới trong một ngày trên toàn cầu. Trước đó, Mỹ chính là nước nắm giữ kỷ lục đáng buồn này.

Hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các lò hỏa táng làm việc ngày đêm, xác chết la liệt trên đường phố và tình cảnh tang tóc hiện lên khắp nơi. Cùng lúc, hệ thống bệnh viện cạn kiệt vật tư y tế cơ bản, nhiều bệnh nhân tử vong do thiếu oxy. Người dân thì cuống cuồng tìm giường cấp cứu cho người thân trong gia đình.

Địa ngục trần gian ở Ấn Độ nhấn chìm hy vọng của OPEC+ - Ảnh 2.

Lò hỏa táng tại Ấn Độ hoạt động không ngừng nghỉ. (Ảnh: AP).

Cây bút David Fickling của Bloomberg Opinion ước tính, với tình hình hiện tại thì số ca tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ trong năm nay sẽ còn cao hơn cả năm ngoái. Số liệu thực tế nhiều khả năng là nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần so với thống kê chính thức.

Đáng buồn hơn, thực trạng dịch bệnh ở Ấn Độ không chỉ là một thảm kịch của con người mà còn là mối họa khôn lường cho ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu, Bloomberg viết. Toàn ngành dầu mỏ, từ thương gia đến các nhà sản xuất lớn, đều đang hoảng sợ.

Hy vọng của OPEC+ bị lung lay

Ấn Độ là một trong các điểm sáng về tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu cùng với Trung Quốc, Mỹ và Anh. Trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dường như đã kiểm soát được dịch bệnh thì hoạt động kinh tế và du lịch ở Mỹ và Anh đang dần khởi sắc nhờ chương trình tiêm chủng trên diện rộng.

Năm nay, nhu cầu dầu thô tại đất nước Nam Á dự kiến sẽ cao hơn hoặc gần bằng mức trước đại dịch. Tuy nhiên, những dự báo này có vẻ sắp bị điều chỉnh lại sau cuộc khủng hoảng y tế ở Ấn Độ.

Bloomberg ước tính, mức tiêu thụ dầu diesel và xăng ở Ấn Độ trong tháng 4 năm nay có thể giảm tới 20% so với tháng 3, vì đường phố ở các thành phố lớn như New Delhi và Mumbai trở nên yên ắng kỳ lạ vì đại dịch.

Các yêu cầu giãn cách tại nhà còn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu động cơ xe máy, xe tải và xe buýt, tổ chức All India Motor Transport Congress cảnh báo.

Hoạt động của các nhà máy lọc dầu cũng được dự đoán là sẽ sa sút do nhu cầu xăng dầu giảm mạnh. Trong tương lai, tồn kho dầu thô của các cơ sở này sẽ tăng lên, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các thỏa thuận mua dầu thô, bất luận tình hình dịch bệnh có cải thiện hay không.

Dịch bệnh căng thẳng ở Ấn Độ nhấn chìm hy vọng của OPEC+ - Ảnh 3.

Nghiêm trọng hơn, tác động của đại dịch đối với nhu cầu năng lượng không chỉ giới hạn ở Ấn Độ. Các nước khác từ Anh đến Canada cũng đang bắt đầu cấm du khách đến từ Ấn Độ, do đó nhu cầu nhiên liệu máy bay quốc tế vốn đang yếu lại càng giảm mạnh hơn.

Các nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới đã bắt đầu lo lắng. Liên minh dầu mỏ OPEC+ đang khá tự tin về triển vọng phục hồi của thị trường dầu mỏ. Họ kỳ vọng nhu cầu khởi sắc có thể kéo giá dầu thô đi lên, và các nước thành viên sẽ được bơm thêm dầu ra thị trường. Song, bây giờ có khi OPEC+ phải tính lại.

Trước thảm cảnh dịch bệnh ở Ấn Độ - thị trường tiêu thụ dầu thô lớn thứ ba thế giới, Arab Saudi và các đồng minh có thể sẽ phải sớm điều chỉnh lại kế hoạch cũ, Bloomberg nhận định. 

Tại cuộc họp hôm 27/4, OPEC+ đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch nới lỏng mức giảm sản lượng như đã đề ra hồi đầu tháng 4. Trước đó, OPEC+ đồng ý sẽ tăng sản lượng thêm 350.000 thùng/ngày vào tháng 5, tiếp tục 350.000 thùng/ngày vào tháng 6 và cuối cùng bơm thêm 450.000 thùng/ngày trong tháng 7.

Ngoài ra, Arab Saudi sẽ tự nguyện giảm thêm 1 triệu thùng/ngày, sau đó tăng 250.000 thùng/ngày trong tháng 5, 350.000 thùng/ngày vào tháng 6 và cuối cùng 400.000 thùng/ngày trong tháng 7.

Bloomberg nhận định, các nhà sản xuất dầu thô ở Trung Đông gặp rủi ro lớn nhất. Thông thường, doanh nghiệp mất 5 - 6 ngày để vận chuyển dầu thô từ Vịnh Ba Tư đến Ấn Độ, trong khi mất 5 - 6 tuần để đưa hàng từ Vịnh Mexico đến đất nước Nam Á.

Vì vậy, nếu Ấn Độ quyết định giảm đặt mua dầu thô của các nhà khai thác tại Mỹ thì phải đến tháng 6 các công ty dầu mỏ mới cảm nhận được thiệt hại. Trong khi quyết định tương tự sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thô của Trung Đông ngay từ cuối tháng 4.

Hơn nữa, Ấn Độ cũng đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho sản phẩm dầu thô của Arab Saudi khi quan hệ giữa hai nước trở nên bất hòa vì giá dầu. Nhu cầu của Ấn Độ đi xuống sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình đó.

Sau khi trì hoãn kế hoạch nới lỏng mức giảm sản lượng từ tháng 1 năm nay, OPEC+ hy vọng sẽ đưa mọi thứ trở lại đúng hướng vào tháng 7. 

Nhu cầu dầu của Ấn Độ lao dốc sẽ khiến mục tiêu này trở nên khó khăn hơn, buộc OPEC+ phải tạm ngừng bơm thêm dầu ra thị trường một lần nữa hoặc có nguy cơ làm giảm giá dầu thô. Không ai trong số các ông lớn dầu mỏ thế giới muốn điều đó xảy ra.

Yên Khê

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.