Pyn Elite tăng tỷ trọng MWG giữa lo ngại thuế quan Mỹ ảnh hưởng xuất khẩu Việt Nam
Theo thư gửi nhà đầu tư mới đây của ông Petri Deryng, nhà sáng lập Pyn Elite Fund, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đạt 405 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm khoảng 137 tỷ USD.
Doanh nghiệp FDI chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, với nhiều tên tuổi lớn như Samsung và Lego. Tuy nhiên, tính toán theo giá trị gia tăng thực tế sau khi loại trừ phần nguyên liệu và linh kiện nhập khẩu, đóng góp của xuất khẩu vào GDP chỉ vào khoảng 8%.
Ông Petri Deryng cho rằng: "Việt Nam tiếp tục có khả năng tăng trưởng trong năm 2025, bất chấp tác động từ chính sách thuế, nhờ vào chi tiêu công và tiêu dùng nội địa."
Đồng thời, ông cảnh báo: "Tình hình sẽ nghiêm trọng nếu mức thuế 46% được giữ nguyên, vì xuất khẩu sang Mỹ có thể giảm 20–25% trong năm nay."
Mua thêm MWG, gia tăng cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công
Trong chiến lược phân bổ danh mục đầu tư, Pyn Elite tiếp tục giữ tỷ trọng cao vào nhóm ngân hàng (50% danh mục), với Sacombank (STB) chiếm 20%. Quỹ đánh giá STB có tiềm năng cải thiện chất lượng tài sản nếu xử lý được các khoản đặc biệt trong bảng cân đối.
Ngoài ra, quỹ vừa mua thêm cổ phiếu của MWG – doanh nghiệp sở hữu chuỗi điện máy và siêu thị thực phẩm – nâng tỷ trọng lên 4,3%, kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý I tích cực.
Quỹ cũng mới bổ sung một doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực vật liệu xây dựng – được hưởng lợi từ đầu tư công và chu kỳ xây dựng tư nhân – với tỷ trọng kỳ vọng 3–4%.
Các khoản đầu tư khác bao gồm nhóm công ty chứng khoán, hàng không, cá tra (VHC) và vận tải hàng không (SCS). Trong đó, SCS được đánh giá sẽ chịu tác động trực tiếp từ thuế Mỹ.
Pyn Elite nhận định: "Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có thể giảm trực tiếp 10–15%. Ngoài ra, một phần sản xuất có thể chuyển sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn, khiến xuất khẩu sang Mỹ giảm thêm 10–15%."

Pyn Elite Fund có hiệu suất -9,3% tính từ đầu năm đến 4/4. (Nguồn: Pyn Elite Fund).
Giữ vững quan điểm dài hạn và kỳ vọng đàm phán thương mại
Ông Petri Deryng cho rằng với nền tảng vĩ mô ổn định, nợ công thấp và lực lượng lao động có kỹ năng, Việt Nam vẫn có khả năng duy trì đà tăng trưởng trong trung và dài hạn. Quỹ cũng đang tận dụng lợi thế từ hợp đồng bảo hiểm tỷ giá EUR/USD, tạo thêm nguồn lực để gia tăng đầu tư trong thời điểm thị trường biến động.
Cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Việt Nam và Bộ Thương mại Mỹ ngày 6/4 được kỳ vọng sẽ góp phần mở ra kênh đối thoại để điều chỉnh mức thuế theo hướng hợp lý hơn.
Nếu điều đó xảy ra, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phục hồi, thu hút dòng vốn chuyển dịch từ các cổ phiếu công nghệ Mỹ sang các thị trường đang phát triển.
"Việt Nam sẽ vẫn có thể tìm ra thị trường thay thế cho Mỹ, nhờ vào lợi thế về giáo dục, tinh thần khởi nghiệp và chính sách thương mại cởi mở.", ông kết luận.