Ông Trump tuyên bố ngừng cấp ngân sách cho WHO với cáo buộc 'che đậy COVID-19'
CNBC đưa tin ngày 14/4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ ngừng cấp ngân sách cho WHO trong thời gian nước Mỹ đánh giá lại cách phản ứng của tổ chức này đối với đại dịch COVID-19.
Ông Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng rằng các sai lầm của WHO đã "gây ra quá nhiều cái chết" khi virus corona chủng mới lây lan khắp toàn cầu.
"Hôm nay tôi đang chỉ đạo chính quyền của mình ngừng cấp ngân sách cho WHO trong thời gian tiến hành một cuộc đánh giá để xem xét trách nhiệm của WHO trong việc quản lí kém và che đậy sự lây lan của virus corona chủng mới".
Ông Trump chỉ trích cách WHO phản ứng với COVID-19, tuyên bố "một trong những quyết định nguy hiểm và nghiêm trọng nhất của WHO là việc phản đối lệnh hạn chế di chuyển từ Trung Quốc và các quốc gia khác" mà ông đã áp đặt khi COVID-19 mới bùng phát.
Ông Trump nói thêm: "May mắn là, tôi đã không bị WHO thuyết phục, và đã cấm người nhập cảnh từ Trung Quốc, cứu sống vô số mạng người".
Hiện vẫn chưa rõ ông Trump định sẽ sử dụng cơ chế gì để tạm ngừng cấp tiền cho WHO, khi mà phần lớn vấn đề liên quan tới ngân sách của WHO phải được Quốc hội Mỹ phê duyệt.
Thông thường, tổng thống Mỹ không có thẩm quyền để đơn phương cắt giảm khoản ngân sách do Quốc hội quyết định.
Có thể ông Trump sẽ sử dụng quyền hạn được trao cho tổng thống theo Đạo luật kiểm soát ngăn chặn năm 1974. Theo đạo luật này, tổng thống Mỹ có thể đề nghị tạm ngừng chi trả khoản ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhưng cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội trong vòng 45 ngày.
Nếu không được chấp thuận, sau 45 ngày, các khoản tiền bắt buộc phải được chuyển đi để sử dụng cho mục đích ban đầu.
Khi được hỏi tại sao chính quyền lại chọn thời điểm hiện tại để ngừng cấp ngân sách, ông Trump trả lời rằng nước Mỹ đã có vấn đề với WHO "trong nhiều năm", và rằng lẽ ra việc này nên được thực hiện "từ lâu".
Ông Trump cho biết chính quyền sẽ tiến hành một cuộc điều tra "triệt để" kéo dài trong khoảng 60 đến 90 ngày.
Ông Trump tuyên bố vấn đề không phải là tiền, nhưng "cách làm của WHO là không đúng. Nên chúng ta sẽ chờ xem. Đây sẽ là giai đoạn đánh giá, nhưng trong thời gian đó, chúng ta sẽ giữ lại mọi khoản tiền cấp cho WHO. Chúng ta sẽ có thể sử dụng số tiền này và chuyển đến những lĩnh vực cấp thiết hơn".
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, tính đến sáng 15/4, trên thế giới có hơn 1,97 triệu người nhiễm COVID-19, và hơn 125.000 người chết vì căn bệnh này. Mỹ dẫn đầu thế giới cả về số trường hợp xác nhận nhiễm và tử vong, lần lượt là 603.000 và 25.575 ca.
Ông Trump bắt đầu đe dọa ngừng cấp ngân sách cho WHO từ tuần trước, nói rằng tổ chức này đã chống đối lệnh cấm người đi lại từ Trung Quốc vào nước Mỹ khi COVID-19 mới bùng phát.
Hôm 14/4, ông cáo buộc rằng WHO đã "ủng hộ thông tin sai lệch của Trung Quốc về virus corona chủng mới, nói rằng virus này không truyền nhiễm, và lệnh cấm di chuyển là không cần thiết".
"WHO đã chủ ý tin vào những lời đảm bảo của Trung Quốc mà không chịu xem xét kĩ lưỡng, họ bảo vệ các hành động của chính phủ Trung Quốc và thậm chí còn ca ngợi rằng Trung Quốc rất minh bạch. Tôi không nghĩ thế là đúng đâu", ông Trump chỉ trích.
WHO bắt đầu gióng lên cảnh báo về sự bùng phát của virus corona chủng mới tại Trung Quốc hồi giữa tháng 1. Đến ngày 30/1, WHO tuyên bố COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Vào thời điểm này, trên thế giới mới ghi nhận 8.200 trường hợp nhiễm COVID-19 tại 18 quốc gia.
Cho đến gần một tháng sau, ông Trump vẫn còn trấn an người dân Mỹ qua Twitter rằng "Virus corona chủng mới đang được kiểm soát tại Mỹ". Và phải mất thêm hai tuần nữa, ông Trump mới tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Mỹ vào ngày 13/3.
Hai ngày trước đó, 11/3, WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, khi mới chỉ có 121.000 ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới.
Đáp lại những công kích của ông Trump trong tuần trước, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus của WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia đừng chính trị hóa COVID-19 "nếu các vị không muốn thấy thêm rất nhiều túi đựng thi thể nữa".
Ông Tedros tuyên bố ngày 8/4: "Rốt cuộc, tính mạng của người dân là trách nhiệm của các đảng phái chính trị. Tất cả các đảng phái chính trị nên tập trung vào việc cứu người dân của họ, xin đừng chính trị hóa loại virus này".
Ông kêu gọi sự đoàn kết trên toàn cầu, nói rằng virus corona chủng mới sẽ lợi dụng các rạn nứt trong những đảng phái chính trị, các tôn giáo và các quốc gia để lây lan rộng rãi hơn.
Tổng giám đốc WHO kết luận: "Nếu các vị muốn bị lợi dụng và muốn thấy thêm nhiều túi đựng tử thi nữa thì tùy các vị. Nhưng nếu các vị không muốn vậy, thì hãy ngừng chính trị hóa COVID-19"