|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

WHO đưa ra 6 tiêu chí để nới lỏng các biện pháp đối phó dịch COVID-19

07:26 | 15/04/2020
Chia sẻ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định 6 tiêu chí cho các quốc gia đang tìm cách dỡ bỏ các biện pháp đối phó với virus corona chủng mới, cảnh báo đường xuống từ đỉnh dịch sẽ chậm hơn nhiều so với đường lên.

Một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng toàn cầu như đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải thực hiện đóng cửa biên giới, phong tỏa toàn quốc, áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt đối với cuộc sống của hàng tỉ người.

WHO đưa 6 tiêu chí để có thể nới lỏng các biện pháp đối phó dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tham dự một cuộc họp báo hàng ngày về COVID-19 tại Geneva. (Ảnh: AFP)

"Những quyết định này phải dựa trên cơ sở trước hết là bảo vệ sức khỏe người dân và dựa vào những gì chúng ta biết về virus corona, cách thức hoạt động của nó", Tổng giám đốc của WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai.

Theo ông Tedros, mỗi chính phủ phải tự đánh giá tình hình thực tế của đất nước mình đồng thời bảo vệ tất cả công dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.

Ông đã đưa ra một số tiêu chí mà WHO cho rằng các quốc gia có thể dựa vào đó để xem xét việc có nên dỡ bỏ/giảm bớt các biện pháp hạn chế hay không bao gồm:

• Đầu tiên, tình trạng lây lan virus phải được kiểm soát.

• Thứ hai, năng lực của hệ thống y tế được đảm bảo để phát hiện, kiểm tra, cách li và xử mọi trường hợp.

• Thứ ba, rủi ro dịch bệnh được giảm thiểu trong các môi trường đặc biệt như cơ sở y tế và viện dưỡng lão.

• Thứ tư, các biện pháp phòng ngừa được áp dụng tại nơi làm việc, trường học và những khu vực quan trọng khác.

• Thứ năm, rủi ro từ các ca nhiễm nhập khẩu có khả năng quản được.

• Và thứ sáu, các cộng đồng xã hội được tuyên truyền đầy đủ, tham gia và trao quyền để điều chỉnh theo tiêu chuẩn mới.

WHO cho biết, thực tế diễn biến dịch ở một số quốc gia đã cho thế giới và người dân hình dung về một bức tranh rõ ràng hơn về cách thức hoạt động, cách ngăn chặn và cách điều trị virus này.

Thực tế là tại một số quốc gia, các trường hợp nhiễm COVID-19 được ghi nhận tăng gấp đôi cứ sau ba đến bốn ngày. Tuy nhiên, trong khi dịch bệnh tăng rất nhanh thì khi giảm, tốc độ chậm hơn rất nhiều.

"Có nghĩa là vẫn còn có nguy cơ dịch bệnh tái phát và tiếp tục phát triển", ông Tedros nói. "Cuối cùng, việc phát triển và cung cấp một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả sẽ là cần thiết để ngăn chặn hoàn toàn khả năng lây nhiễm", ông nói thêm.

Các hạn chế về kinh tế và xã hội, bao gồm đóng cửa trường học đến giãn cách xã hội và cấm các cuộc tập trung đông người đã được đưa ra để cố gắng làm chậm sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Mỗi quốc gia có những kế hoạch riêng

Tính đến thứ Ba (14/4), theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, toàn thế giới đã có gần 2 triệu người nhiễm virus corona chủng mới, trong đó có 119.818 người tử vong.

Một số nước châu Âu đã lên phương án dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa ngay trong tháng 4 sau khi phải trải qua nhiều tuần lễ hạn chế nghiêm ngặt về kinh tế và xã hội.

Mỹ, tâm chấn toàn cầu của sự bùng phát dịch COVID-19 cũng đã lên kế hoạch về khả năng sẽ giảm bớt các biện pháp hạn chế từ ngày 1/5.

Đầu tháng 4, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố, các trung tâm chăm sóc và trường học sẽ mở cửa trở lại từ ngày 15 tháng 4.

Áo, Na Uy và Cộng hòa Séc cũng đã công bố kế hoạch từ từ nới lỏng phong tỏa quốc gia vào cuối tháng 4. Đây là một trong các bước để cuộc sống trở lại bình thường và nâng cao hy vọng về một chiến thắng trước đại dịch. 

Tuy nhiên, bà Mette cũng cho biết, động thái này "giống như đang đi trên dây và nếu đứng yên thì có thể thất bại nhưng nếu đi quá nhanh có thể sẽ đi sai đường. Vì vậy cần phải hết sức thận trọng".

Tại Đức, hôm thứ Hai, Bộ trưởng Y tế ông Jens Spahn cho biết, nước này đang xem xét làm thế nào để tiến hành phục hồi đất nước dần dần sau đại dịch.

Trong một diễn biến khác, Tây Ban Nha đã tiến hành nới lỏng một phần các biện pháp hạn chế đối phó với dịch COVID-19 sau khi tuyên bố qua đỉnh dịch. 

Bắt đầu từ ngày 13/4, một số ngành công nghiệp không thiết yếu sẽ được phép hoạt động trở lại sau nhiều tuần đóng cửa. Các cửa hàng, quán bar và không gian công cộng sẽ đóng cửa cho đến ít nhất 26/4.

Ở một quyết định ngược lại, Pháp và Ấn Độ là hai quốc gia vừa công bố sẽ gia hạn lệnh phong tỏa. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Hai đã gia hạn thời gian phong tỏa đến 11/5. Ông nói rằng tình hình căng thẳng tại các bệnh viện ở Paris và miền đông nước Pháp có nghĩa là "không thể có chuyện buông tay" ở nước này.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới sau Trung Quốc, cùng sẽ áp dụng lệnh phong tỏa bổ sung cho đến 3/5 khi số ca mắc virus corona vượt qua mốc 10.000 người.

Bình An (Tổng hợp)