|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

10 lí do khiến các thống kê về COVID-19 không đáng tin cậy

05:45 | 15/04/2020
Chia sẻ
Các con số được công bố hàng ngày về COVID-19 giúp mọi người hiểu được một phần tình hình hiện tại, nhưng chúng không phải là hoàn hảo. Việc biết được các thiếu sót của dữ liệu sẽ cho chúng ta cái nhìn thực tế hơn về diễn biến dịch bệnh.
Dữ liệu về COVID-19 có thực sự đáng tin?  - Ảnh 1.

Y bác sĩ đưa bệnh nhân lên xe cấp cứu. Ảnh: Getty Images

Nhiều người có thói quen đọc các dữ liệu về COVID-19 hàng ngày, tìm kiếm các tia hi vọng trong hàng loạt những con số: số người nhiễm bệnh, nhập viện, số người phải sử dụng máy thở, số người chết, số người hồi phục.

Nhưng các con số này không hề hoàn hảo và chính xác như chúng ta vẫn tưởng. Dưới đây là danh sách 10 sai sót của các dữ liệu về COVID-19 mà Bloomberg liệt kê. 

1. Số ca xác nhận nhiễm COVID-19 gần như không có ý nghĩa gì

Con số này chỉ bao gồm những người được xét nghiệm, trong khi năng lực xét nghiệm của nhiều quốc gia vẫn còn rất hạn chế. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là ước tính có bao nhiêu người bị ốm bằng cách phỏng đoán có bao nhiêu phần trăm người nhiễm COVID-19 được xét nghiệm.

Ví dụ, tại Mỹ, nhiều người cho rằng một người chỉ nên nhập viện khi bệnh tình đã diễn biến xấu đến một mức nào đó. Chỉ có khoảng 10% số ca nhiễm COVID-19 được nhập viện, vì vậy, số người dương tính với COVID-19 thực tế có thể lớn gấp 10 lần số liệu được báo cáo chính thức.

2. Kết quả xét nghiệm không chính xác

Cụ thể, các bộ xét nghiệm sai sót cho ra nhiều kết quả âm tính giả nhiều hơn là dương tính giả. Nói cách khác chúng có xu hướng biểu thị rằng mọi người vẫn khỏe mạnh trong khi thật ra họ lại bị bệnh.

Một số nghiên cứu ám chỉ rằng tỉ lệ âm tính giả có thể vượt quá 30%. Điều này có nghĩa là số người nhiễm COVID-19 thực, một lần nữa, lại lớn hơn số liệu chính thức.

3. Số cuộc xét nghiệm cao hơn số người được xét nghiệm

Do các bộ xét nghiệm có tỉ lệ sai sót cao, nên một số người phải được kiểm tra nhiều lần để có thể đảm bảo thu được kết quả chính xác. Điều này có nghĩa là tỉ lệ dân số được xét nghiệm so với số người bị phát hiện nhiễm COVID-19 mang lại cái nhìn lạc quan hơn so với thực tế.

Đây là một lí do khác để củng cố niềm tin rằng số người nhiễm bệnh thực tế cao hơn con số chính thức.

4. Các con số không đồng bộ

Một số người chết sau khi nhập viện nhiều tuần, và trước đó họ đã phải chờ một tuần hoặc hơn để được nhập viện sau khi xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới.

Vậy nên sẽ phải mất khá lâu để đường cong "số ca tử vong" đi xuống sau khi đường cong "số ca nhiễm COVID-19" được san phẳng (số ca tử vong chỉ giảm vài tuần sau khi số ca nhiễm giảm). Mặt tích cực của độ trễ này là: Vì bệnh nhân cần nhiều thời gian để hồi phục hơn là tử vong, tỉ lệ tử vong sẽ giảm dần theo thời gian.

5. Ý nghĩa của số liệu "nhập viện" đang thay đổi

Gần đây nhiều quan chức Mỹ đã trình bày số ca nhập viện đi ngang là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, trong thời gian này, việc đưa một ai đó tới bệnh viện cần rất nhiều thời gian.

Đường dây nóng bị nghẽn, xe cứu thương khan hiếm, các điều kiện để được nhập viện có thay đổi lớn, và mọi người đều tránh xa các phòng cấp cứu quá tải. Vậy nên số ca nhập viện ít hơn chưa chắc có nghĩa rằng tình hình đang được cải thiện.

6. Các ca tử vong không được báo cáo ngay lập tức hoặc nhất quán

Rất nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình này, bao gồm việc điền giấy tờ thủ tục và thông báo cho người thân, ảnh hưởng tới việc mất bao lâu để ghi nhận một ca tử vong.

Đây có thể là lí do vì sao thứ Ba thường là ngày có nhiều ca tử vong được công bố nhất. Vậy nên đừng quá phấn khích trước thông tin tốt vào cuối tuần – bạn có thể sẽ lại thất vọng vào đầu tuần.

7. Các trường hợp tử vong bên ngoài bệnh viện không được báo cáo

Không phải lúc nào những người qua đời ở nhà, hoặc tại các cơ sở điều dưỡng, viện dưỡng lão hoặc nhà tù cũng được tính vào số liệu ca tử vong vì COVID-19. 

Đây là một vấn đề lớn: Khi Pháp bắt đầu báo cáo số người chết trong viện dưỡng lão, số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này tăng đến 40%. Bỉ theo dõi sát sao số người tử vong tại viện dưỡng lão, và phát hiện rằng các trường hợp này chiếm đến 40% tổng số người tử vong vì COVID-19.

8. Chính sách xác định nguyên nhân gây ra cái chết không nhất quán

Sao phải lãng phí một bộ xét nghiệm quí giá cho người đã qua đời? Vậy nên các bác sĩ có thể sẽ không nhắc đến COVID-19 trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong. 

Đây là một quyết định dựa vào ý kiến cá nhân, đặc biệt là khi ai đó đã mắc bệnh khác từ trước. Việc này có thể có tác động rất lớn đến dữ liệu trong một số môi trường như viện dưỡng lão hoặc trung tâm phục hồi.

9. Giới quan chức có thể cố tình che giấu số ca nhiễm COVID-19

Nhiều quốc gia đã đặt dấu hỏi về dữ liệu COVID-19 mà Trung Quốc, Indonesia và Iran công bố. Thậm chí các dữ liệu của Mỹ cũng không thể được coi là hoàn toàn đáng tin cậy. Vậy nên đừng nên tin tưởng hoàn toàn vào sự trung thực của các chính trị gia.

10. Tình hình tại một nơi, hoặc con số trung bình, có thể không đúng với mọi nơi khác

Một số nghiên cứu nhỏ cho thấy tỉ lệ tử vong của COVID-19 là khoảng 1% dân số mắc bệnh. Nhưng điều đó không có nghĩa là tỉ lệ tử vong ở Mỹ hoặc thành phố New York cũng sẽ chỉ là 1%. 

Tỉ lệ tử vong tại một số khu vực có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều, có thể là vì hệ thống y tế không đủ tốt, hoặc những người sống ở đó mắc nhiều bệnh mãn tính hơn. Có rất nhiều khu vực tại Mỹ bị ô nhiễm, và dường như những người sống quanh đó dễ bị nhiễm trùng và ốm nặng hơn một khi họ bị bệnh.

Mặc dù việc cập nhật liên tục dữ liệu về COVID-19 nghe có vẻ rất đáng tin tưởng, nhưng có thể sẽ phải rất lâu sau chúng ta mới biệt được những con số thực sự.

Việc xét nghiệm cần phải được thực hiện một cách có hệ thống, ngay cả đối với những người không có triệu chứng.

Đối với số liệu tử vong, con số chính xác có thể sẽ không bao giờ xuất hiện. Chúng ta có thể đưa ra dự đoán bằng cách sử dụng số trường hợp chết đột ngột trong năm nay so với một năm trước đó. Nhưng cách này cũng không phải là hoàn hảo, vì lệnh phong tỏa có thể sẽ kìm hãm các trường hợp tử vong khác, ví dụ như tai nạn xe cộ, vì mọi người buộc phải ở nhà.

Theo dõi các số liệu chính thức không phải là một việc lãng phí thời gian và sự chú ý. Các con số có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào chuyện gì đang diễn ra, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được các sai sót của chúng.

Giang