San phẳng đường cong đại dịch: Vì sao ở nhà thời COVID-19 có thể cứu sống nhiều người?
Trước tình cảnh virus corona chủng mới đang ngày càng lây lan nhanh, ngày càng nhiều công ty Mỹ cho phép nhân viên làm việc tại nhà.
Mọi trường học công lập tại Mỹ đã đóng cửa, sinh viên nghe giảng tại các lớp học trực tuyến, nhiều sự kiện lớn bị hủy, các tổ chức văn hóa như bảo tàng cũng ngừng tiếp đón khách. Ngay cả đế chế du lịch Disney World và Disneyland cũng không phải ngoại lệ.
Cuộc sống của rất nhiều người dân Mỹ đã bị gián đoạn, nhưng đây là cái giá không hề đắt để trả cho khả năng có thể cứu sống nhiều mạng người.
Tất cả đều là một phần của nỗ lực để thực hiện điều mà các nhà dịch tế học gọi là "san phẳng đường cong đại dịch".
Theo NPR, ý nghĩa của biện pháp này là để cho các cá nhân giữ khoảng cách với nhau trong xã hội, làm chậm lại tốc độ lây lan của virus. Nhờ vậy, số bệnh nhân nhiễm COVID-19 sẽ không tăng đột biến, gây quá tải cho hệ thống bệnh viện.
Trên thực tế, tình cảnh thiếu giường bệnh hoặc thiết bị y tế chuyên dụng từng xảy ra ở nhiều ổ dịch như Vũ Hán (Trung Quốc) hay ngay lúc này là Italy.
Ông Drew Harris, một nhà nghiên cứu y tế cộng đồng tại Đại học Thomas Jefferson nói rằng: "Nếu ví hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước Mỹ như một con tàu điện ngầm trong giờ cao điểm, thì khi đó tất cả mọi người đều muốn lên tàu ngay lập tức. Kết quả là nhiều người phải đứng bên ngoài chờ cửa mở".
"Họ chen chúc nhau trên sân ga. Con tàu không có đủ chỗ trống để chở tất cả mọi người. Hệ thống bị quá tải, không thể xử lí được mọi yêu cầu. Rốt cuộc, sẽ có những người không nhận được dịch vụ mà họ cần".
Ông Harris là người tạo ra hình ảnh minh họa lí do vì sao việc san bằng đường cong của đại dịch lại quan trọng, bao gồm đồ thị dưới đây.
Đường cong màu nâu thể hiện tình huống hệ thống bệnh viện Mỹ phải tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Harris, nếu có thể làm chậm lại sự lây lan của virus sao cho số ca nhiễm mới không đột ngột tăng vọt, mà dàn trải trong hàng tuần hoặc hàng tháng "thì khi đó hệ thống y tế có thể điều chỉnh và phục vụ cho tất cả những người có thể nhiễm bệnh và cần được chăm sóc tại bệnh viện".
Ông Harris lưu ý, theo kịch bản này thì vẫn sẽ có người bị nhiễm bệnh, nhưng với tốc độ mà hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể theo kịp. Đây chính là kịch bản được biểu diễn bằng đường cong màu xanh dốc thoải hơn trên biểu đồ.
Hai kịch bản được minh họa bởi các đường cong này đều đã diễn ra tại Mỹ trong đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chính quyền càng nhanh chóng áp dụng các biện pháp giữ khoảng cách xã hội nhằm giảm tốc độ lây nhiễm bệnh tật thì càng nhiều người có thể được cứu sống.
Lịch sử của hai thành phố Mỹ - Philadelphia và St. Louis – là minh chứng thực tế cho sự khác biệt mà những biện pháp này có thể tạo ra.
Theo ông Harris, các quan chức tại Philadelphia đã phớt lờ cảnh báo của các chuyên gia bệnh truyền nhiễm rằng bệnh cúm Tây Ban Nha đang lưu hành trong cộng đồng sinh sống tại thành phố này.
Thay vì có các biện pháp giữ khoảng cách xã hội, họ tập hợp hàng trăm nghìn người để tổ chức một cuộc diễu hành lớn nhằm hỗ trợ cho trái phiếu thành phố phát hành.
Ông Harris cho biết kết quả là sau đó "Trong vòng 48 đến 72 giờ đồng hồ, hàng nghìn người xung quanh khu vực Philadelphia bắt đầu tử vong". Trong vòng 6 tháng, tổng số người chết lên đến 16.000.
Trong khi đó, các quan chức thành phố St. Louis lại thực hiện hàng loạt các biện pháp y tế. Theo một phân tích năm 2007, trong vòng hai ngày sau khi trường hợp đầu tiên được xác nhận nhiễm cúm Tây Ban Nha, St. Louis đã nhanh chóng thực hiện chiến lược giữ khoảng cách xã hội.
Ông Harris nói: "St. Louis đã thực sự cố gắng hạn chế việc di chuyển của người dân và thực hiện các biện pháp y tế cơ bản: cách li và chữa trị cho người ốm, cách li những người có tiếp xúc với người bệnh, đóng cửa trường học, khuyến khích mọi người giữ khoảng cách với nhau. Ngoài ra, họ cũng khuyến khích người dân thường xuyên rửa tay và giữ vệ sinh cá nhân".
Theo kết quả cuộc nhiên cứu năm 2007, số ca tử vong vì bệnh cúm Tây Ban Nha của St. Louis chỉ bằng 1/8 so với Philadelphia. Các nhà nghiên cứu kết luận, nếu St. Louis chậm trễ trong một hoặc hai tuần, thì thành phố này cũng sẽ không tránh khỏi số phận giống như Philadelphia.
Tại thời điểm bài nghiên cứu trên được công bố, Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ và là cố vấn hàng đầu cho chính phủ Mỹ về cách ứng phó với COVID-19 - nhận xét rằng việc ngăn chặn sớm sự lan truyền của virus đóng vai trò quan trọng trong khống chế đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Tuần trước, Quốc hội Mỹ đã đặt ra câu hỏi với Tiến sĩ Fauci rằng liệu đại dịch COVID-19 tại Mỹ sẽ nghiêm trọng đến mức nào. Ông trả lời: "Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào cách phản ứng của chúng ta".
"Tôi không thể đưa ra con số nào cả. Tôi không thể cung cấp con số thực tiễn trước khi cân nhắc đến cách mà nước Mỹ đối phó với đại dịch này. Nếu nước Mỹ tự mãn và không áp dụng các biện pháp cứng rắn nhằm giảm thiểu và ngăn chặn virus lây lan, thì số người mắc bệnh có thể lên đến hàng triệu người".