|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng thống Trump và quan chức Mỹ vẫn thản nhiên bắt tay, sờ lên mặt, dùng chung micro khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì COVID-19

17:03 | 14/03/2020
Chia sẻ
Các nhà lãnh đạo của nước Mỹ bao gồm Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục bắt tay, đưa tay lên mặt và dùng chung micro trong buổi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì đại dịch COVID-19. Các chuyên gia y tế đã nhiều lần khuyến cáo những hành động này có thể làm virus corona lây lan nhanh.
Tổng thống Trump và quan chức Mỹ vẫn thản nhiên bắt tay, sờ lên mặt, dùng chung micro khi tuyên bố trình trạng khẩn cấp quốc gia vì COVID-19 - Ảnh 1.

Tổng thống Trump bắt tay với Brian Cornell - CEO hãng bán lẻ Target trong buổi công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì đại dịch COVID-19 ngày 13/3/2020. Ảnh: Reuters.

Tại buổi họp báo ở Vườn Hồng của Nhà Trắng chiều 13/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump đã nhiệt tình bắt tay với rất nhiều quan chức và nhân vật có tiếng như CEO hãng bán lẻ Walmart Doug McMillon, CEO hãng bán lẻ Target Brian Cornell, Giám đốc hãng phân phối dược phẩm Walgreens Richard Ashworth.

Phó Tổng thống Mike Pence, Giám đốc Viện quốc gia về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci và nhiều quan chức khác cũng dùng chung một bục phát biểu và nhiều lần chạm tay vào cùng một chiếc micro. Nhiều quan chức khác thì đưa tay lên mặt, nhiều phóng viên cũng dùng chung micro.

Buổi họp báo được tường thuật trực tiếp này đã khiến nhiều người xem qua mạng xã hội cảm thấy hết sức quan ngại vì có quá nhiều hành vi đi ngược lại khuyến cáo của các cơ quan y tế.

Hiện nay COVID-19 đã lây lan đến ít nhất 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 145.000 ca xác nhận dương tính và trên 5.400 ca tử vong. Hôm 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

Tại Mỹ, đại dịch này đã lan đến 46/50 bang, làm ít nhất 2.300 người nhiễm bệnh và 50 người tử vong. Buổi họp báo ngày 13/3 tại Nhà Trắng được tổ chức là để Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và khởi động nhiều biện pháp ngăn COVID-19 lây lan.

Tuy nhiên những hành động như bắt tay, đưa tay lên mặt hay dùng chung micro đã cho thấy tâm lí chủ quan, coi thường nguy cơ lây bệnh của các quan chức Mỹ, trong đó có Tổng thống Trump.

Hôm 7/3 tại resort Mar-a-Lago của ông Trump ở bang Florida, Tổng thống Mỹ đã tiếp phái đoàn ngoại giao Brazil do Tổng thống Jair Bolsonaro dẫn đầu. Từ khi sự kiện kết thúc đến nay đã có ba vị khách trong phái đoàn Brazil được xét nghiệm dương tính với COVID-19 bao gồm Thư kí báo chí của Tổng thống Brazil, Đại sứ Brazil tại Mỹ và một trường hợp không được nêu tên.

Nhà Trắng xác nhận cả ba người này đều ngồi cùng bàn tiệc với Tổng thống Trump tại sự kiện ngày 7/3 và ông Trump đã bắt tay cũng như chụp ảnh cùng những người này.

Tuy nhiên bác sĩ của ông Trump cho biết Tổng thống Mỹ không cần phải cách li hay làm xét nghiệm vì ba bệnh nhân nói trên tiếp xúc với ông Trump trước khi có triệu chứng của COVID-19.

COVID-19 có thể lây qua các hạt nhỏ của đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt xì hoặc thậm chí là thở. Các hạt nhỏ này có thể bắn trực tiếp vào người ở gần và dẫn tới lây nhiễm hoặc dính vào bề mặt các vật dụng như micro hay khẩu trang rồi lây cho người dùng chung.

Nhiều người có thói quen hắt xì hoặc ho vào bàn tay rồi dùng tay để xoay tay nắm cửa, cầm vòi nước, bám vào lan can … nếu người khác chạm vào các bề mặt này hoặc bắt tay với người bệnh rồi lại đưa tay lên mặt thì virus corona cũng có thể vào trong cơ thể qua mũi, miệng, mắt và gây bệnh COVID-19.

Vì vậy nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người thường xuyên vệ sinh các bề mặt hay tiếp xúc như tay nắm cửa, ho và hắt xì vào khuỷu tay, không tập trung đông người, không bắt tay nhau. 

Thay vào đó, mọi người khi gặp nhau có thể chạm khuỷu tay nhau như là một cách chào hỏi thay thế tạm thời trong những ngày dịch bệnh.

Tổng thống Trump và quan chức Mỹ vẫn thản nhiên bắt tay, sờ lên mặt, dùng chung micro khi tuyên bố trình trạng khẩn cấp quốc gia vì COVID-19 - Ảnh 3.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (bên phải) và Bộ trưởng Y tế Hà Lan Bruno Bruins chào hỏi bằng cách chạm khuỷu tay thay cho bắt tay, ngày 10/3/2020. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sau đó đã đăng trên trang Twitter cá nhân rằng ngay cả việc chạm khuỷu tay nhay cũng không nên vì khi đó hai người sẽ đứng cách nhau chưa tới 1 mét, tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh vì giọt nhỏ từ hệ hô hấp của người này bắn sang người kia. Ông Tedros cho biết ông thường đặt tay lên ngực trái của mình để chào hỏi thay cho bắt tay.

Đến nay, các chuyên gia y tế thế giới đều thống nhất rằng cách ngăn dịch COVID-19 lây lan hiệu quả nhất vẫn là ở nguyên trong nhà, hết sức hạn chế đến những nơi tụ tập đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét với những người xung quanh, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước sát trùng, không đưa tay lên mặt và cuối cùng là đeo khẩu trang.

Nhiều doanh nhân và chính trị gia cảm thấy rất khó để từ bỏ thói quen bắt tay đã hình thành từ hàng chục năm nay. Tại một cuộc họp nội các hồi đáng tháng 3 này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa tay ra định bắt tay Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer nhưng vị Bộ trưởng này đã rất tỉnh táo và từ chối.

Thủ tướng Đức Angel Merkel định bắt tay với Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer nhưng bị từ chối. Video: The Guardian.

Thủ tướng Merkel sau đó xười xòa và thừa nhận rằng "Không bắt tay là đúng". Khi đó, nước Đức đã có 150 ca dương tính với COVID-19.

Hồi đầu tháng 2 khi dịch bệnh đang hoành hành tại Trung Quốc khiến cho hàng trăm người chết mỗi ngày, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có một chuyến công tác kì lạ khi ông tuyệt đối không bắt tay một ai, luôn đeo khẩu trang y tế và được kiểm tra thân nhiệt đầy đủ.

Tổng thống Trump và quan chức Mỹ vẫn thản nhiên bắt tay, sờ lên mặt, dùng chung micro khi tuyên bố trình trạng khẩn cấp quốc gia vì COVID-19 - Ảnh 5.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đeo khẩu trang, được kiểm tra thân nhiệt và không bắt tay trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tại Mỹ, ngoài trường hợp Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence như nói ở trên, nhiều chính trị gia nổi tiếng khác cũng tỏ ra khá thờ ơ với nguy cơ dịch bệnh. Cựu Phó Tổng thống Joe Biden - ứng viên hàng đầu của Đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử Tổng thống 2020 - vẫn tiếp tục bắt tay mọi người.

Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders - một ứng viên nặng kí khác của Đảng Dân chủ - cũng bắt tay và ôm vai những người giới thiệu ông lên phát biểu. Các sự kiện tranh cử của ông Trump cũng thường tập trung tới hàng nghìn người.

Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Jackie Speier của bang California đã lên tiếng kêu gọi cả ba ông Sanders, Biden và Trump dừng tổ chức các sự kiện qui mô lớn và cho rằng "các ứng viên phải làm gương cho cử tri".

Thống đốc bang Ohio Mike DeWine thì khuyến cáo cử tri hãy "suy nghĩ thật kĩ" trước khi tới dự các sự kiện tranh cử của ông Biden và ông Sanders tại bang này.

Washington - bang đầu tiên tại Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 - thì khuyến cáo cử tri không nên dùng nước bọt để dán các phong bì đựng phiếu bầu với khẩu hiệu "Dù khỏe hay ốm cũng không được liếm". Những người kiểm phiếu năm nay cũng đeo găng tay khi làm việc.

Kiên Dương

Liệu hệ thống KRX có lỡ hẹn với mốc ngày 2/5?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đưa ý kiến về hệ thống công nghệ thông tin thuộc dự án đầu tư xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (hay còn gọi là hệ thống KRX) trước thời điểm dự kiến chính thức vận hành 2/5 theo như kế hoạch đưa ra trước đó.