|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việc WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch có ý nghĩa gì?

07:25 | 13/03/2020
Chia sẻ
WHO không phân loại COVID-19 là đại dịch dựa trên mức độ nghiêm trọng hoặc tỉ lệ tử vong của căn bệnh này. Qua việc chính thức tuyên bố đại dịch toàn cầu, WHO muốn thúc đẩy chính phủ các nước tăng cường nỗ lực kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh.
Ý nghĩa quyết định WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AP

Hôm 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bùng phát COVID-19 là "đại dịch". Vậy điều này có nghĩa gì?

"Đại dịch" không nói về mức độ nghiêm trọng của một căn bệnh, mà chỉ cho biết rằng một căn bệnh đang lan truyền rộng rãi. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan y tế này rất lo ngại về tốc độ lây nhiễm đáng báo động của COVID-19.

Đồng thời, ông Tedros cũng tuyên bố rõ rằng việc WHO coi COVID-19 là đại dịch không đồng nghĩa với việc các quốc gia nên từ bỏ các nỗ lực nhằm kiểm soát virus corona chủng mới này.

Tính đến sáng 11/3, COVID-19 đã lây nhiễm cho hơn 120.000 người và giết chết hơn 4.300 trên toàn thế giới.

Ông Tedros nói: "Những gì WHO muốn nói là các quốc gia nên cố gắng gấp đôi và áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn".

Dưới đây là một số câu hỏi và câu trả lời về tuyên bố của WHO:

Tuyên bố của WHO có tác động gì?

Việc chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch sẽ thúc đẩy chính phủ các nước kích hoạt các kế hoạch chuẩn bị, hoặc thậm chí là các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ công chúng, chẳng hạn như tăng cường hạn chế đối với việc đi lại hoặc hoạt động thương mại.

Tại Mỹ, Bộ An ninh Nội địa thông báo rằng mọi người nước ngoài đã từng đến châu Âu trong vòng 14 ngày sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ. 

Trước đó, WHO đã công bố COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Và từ lúc dịch bệnh chưa lan rộng ra nhiều nước khác ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia đã chuẩn bị và sửa sang lại bệnh viện, phòng khám. 

Việc chuẩn bị sẵn các cơ sở y tế sẽ giúp ích các quốc gia cho trường hợp phải điều trị cho một lượng lớn bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhưng đồng thời vẫn đảm bảo khả năng chữa trị cho những căn bệnh thông thường khác.

Tiến sĩ Michael Ryan của WHO cảnh báo rằng việc gọi bùng phát COVID-19 là đại dịch "không có ý nghĩa gì khác ngoài việc kêu gọi các quốc gia hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn".

Tuy nhiên, cách gọi này có thể sẽ làm dấy lên lo ngại toàn cầu, điều mà WHO muốn tránh. Trước đây, chính ông Tedros cũng thừa nhận rằng bản thân từ "đại dịch" cũng "có thể tạo ra sự sợ hãi" nhưng không giúp ngăn ngừa được một ca nhiễm bệnh hay cứu được một mạng người nào cả.

Điều gì khiến WHO quyết định tuyên bố COVID-19 là đại dịch?

Chính xác thì không có tiêu chuẩn cụ thể nào về số ca nhiễm để xếp loại một căn bệnh là đại dịch. Thông thường, WHO chú ý đến bùng phát bệnh kéo dài trong cộng đồng tại nhiều lục địa.

Nói cách khác, rủi ro đối với những người có mặt tại các khu vực mà virus đang lưu hành đã được biết trước. Nếu ai đó nhiễm bệnh, việc truy tìm những mối liên hệ với người này là dễ dàng. Miễn là các quan chức y tế có thể lần ra được các liên kết này, bùng phát bệnh vẫn được coi là nằm trong diện đang được kiểm soát.

Nguy hiểm là khi mọi người bắt đầu bị nhiễm bệnh mà không có mối liên hệ rõ ràng nào với các trường hợp xác nhận trước đó. Điều này báo hiệu rằng căn bệnh đã lan nhiễm rộng hơn trong một cộng đồng và là yếu tố chủ chốt trong quyết định tuyên bố đại dịch.

WHO thường phân loại một loại cúm là đại dịch khi virus mới lan ra hai khu vực trên thế giới. Trong khi đó, các trường hợp nhiễm COVID-19 hiện đã xuất hiện tại 4 khu vực.

Đại dịch gần đây nhất là gì?

Căn bệnh cuối cùng (trước COVID-19) mà WHO tuyên bố là đại dịch là một chủng cúm mới xuất hiện hồi năm 2009, ban đầu được gọi là "cúm lợn".

WHO quyết định coi H1N1 là đại dịch sau khi bệnh cúm này lan rộng ở nhiều quốc gia trong khoảng 6 tuần.

Hiện nay, H1N1 được coi là "bệnh lưu hành địa phương" trên toàn thế giới, nghĩa là nó luôn xuất hiện trong mỗi đợt bùng phát cúm theo mùa. 

Đây là lần đầu tiên một chủng virus corona được "gắn mác" là đại dịch. Ông Tedros cho biết: "nhưng đồng thời, WHO tin rằng đây cũng sẽ lần đầu tiên đại dịch virus corona được ngăn chặn hoặc kiểm soát".

Đâu là sự khác biệt giữa bùng phát, dịch bệnh, đại dịch?

Bùng phát bệnh là sự gia tăng đột biến số trường hợp nhiễm bệnh ở một khu vực cụ thể. Dịch bệnh là một bùng phát bệnh qui mô lớn. Đại dịch là dịch bệnh toàn cầu. 

Các chuyên gia chỉ ra rằng từ "đại dịch" chắc chắn sẽ tạo ra ấn tượng lớn, dù rằng nhiều người không hiểu được ý nghĩa của nó.

Theo ông Ian Mackay, người nghiên cứu virus tại Đại học Queensland của Australia: "Từ đại dịch chưa được giải thích rõ ràng và đầy đủ cho công chúng. Nó ít khi được nhắc đến và chỉ được sử dụng trong thời điểm tồi tệ nhất. Vậy nên, dĩ nhiên nó gây ra sợ hãi cho mọi người.".

Tuyên bố này nói lên điều gì về sự nghiêm trọng của COVID-19?

Đại dịch là một từ đáng sợ, nhưng nó không liên quan gì đến mức độ nghiêm trọng của căn bệnh. Nó chỉ có nghĩa rằng một căn bệnh đang lây lan với tốc độ nhanh. Một đại dịch có thể chỉ là một căn bệnh nhẹ, ví dụ như cúm H1N1 năm 2009.

Tỉ lệ tử vong của cúm mùa thông thường là 0,1%. Chưa có số liệu rõ ràng rằng virus corona chủng mới này nguy hiểm đến đâu. Ngoài ra, tử lệ tử vong do COVID-19 tại những khu vực khác nhau có thể sẽ không giống nhau, đặc biệt là trong thời gian đầu các nước phải đối phó với số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 tăng vọt.

Nhưng COVID-19 dường như ít gây chết người hơn so với các loại virus corona cùng họ với nó, ví dụ như SARS - hội chứng hô hấp cấp tính nặng và MERS - hội chứng hô hấp vùng Trung Đông. Tuy nhiên, COVID-19 dễ lây lan hơn so với hai bùng phát virus corona này.

Đối với hầu hết các trường hợp, COVID-19 chỉ gây ra những triệu chứng vừa và nhẹ, ví dụ như sốt và ho. Hầu hết người nhiễm bệnh sẽ bình phục sau vài tuần. Nhưng trong một số ít các trường hợp, đặc biệt là với người già và người có các vấn đề về sức khỏe khác, nó có thể gây ra triệu chứng nặng hơn, bao gồm viêm phổi.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang