So với SARS, MERS, Ebola và cúm mùa, dịch COVID-19 có sức công phá đến đâu? Hãy nhìn vào những con số
Tuần trước, ông Mick Mulvaney - từng là chủ công ty bất động sản và hiện là Chánh văn phòng Nhà Trắng, phát biểu như sau: "Dịch cúm mùa ở Mỹ (seasonal flu) khiến con người tử vong... Dịch COVID-19 không phải Ebola, SARS hay MERS. Nhiễm COVID-19 không phải là bản án tử, không giống cuộc khủng hoảng Ebola năm 2014".
Toàn bộ tuyên bố của ông Mulvaney đều đúng. Dịch cúm mùa quả thực gây chết người: Ước tính khoảng 61.099 người dân Mỹ đã tử vong trong đợt dịch cúm mùa tồi tệ nhất từ trước đến nay (2017 - 2018).
Tỉ lệ tử vong của dịch COVID-19 thấp hơn so với của Ebola lần đầu bùng phát năm 1976, SARS năm 2003 và MERS năm 2012. Dịch COVID-19 không giống cuộc khủng hoảng Ebola năm 2014 một phần vì COVID-19 gây ảnh hưởng lớn hơn đến Mỹ và các nước khác bên ngoài khu vực Tây Phi.
Tỉ phú Bill Gates - đồng sáng lập Microsoft, cũng là một nhà dịch tễ học nghiệp dư nhưng đến thời điểm này, ông đã được trang bị nhiều kiến thức hơn. Hôm 28/2, ông viết trên Tạp chí Y học New England như sau: "Dịch COVID-19 đã bắt đầu chuyển biến như thể đây là căn bệnh thế kỉ mà chúng ta từng lo sợ".
Vậy, làm thế nào để chúng ta phân biệt các quan điểm trái chiều trên? Theo Bloomberg, một số biểu đồ và phép tính đơn giản có thể giúp lí giải vấn đề.
Tỉ lệ tử vong
Tỉ lệ tử vong có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào thời gian, địa điểm cũng như khả năng tiếp nhận điều trị của bệnh nhân.
Đến nay, các nhà khoa học chưa thể xác định được tỉ lệ tử vong chính thức của dịch COVID-19, do đó, Bloomberg đã sử dụng tỉ lệ 3,4% mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tuần này cũng như ước tính 1% từ một nghiên cứu của Trung tâm Phân tích Bệnh truyền nhiễm MRC tại Đại học Hoàng gia London.
Ước tính của Trung tâm Phân tích Bệnh truyền nhiễm MRC được công bố hôm 10/2 và bao gồm các ca bệnh có thể chưa được báo cáo.
Các tác giả của nghiên cứu trên cho hay, dựa theo lượng thông tin có sẵn ở thời điểm đó, họ có thể khẳng định với độ tin cậy 95% rằng tỉ lệ tử vong của dịch COVID-19 nằm trong khoảng 0,5 - 4%.
Tỉ phú Bill Gates đã sử dụng ước tính 1% nói trên trong bài viết đăng trên tạp chí y khoa mới đây. Ngoài ra, bà Caroline Buckee - nhà dịch tễ học chuyên nghiệp và hiện là giáo sư tại Trường Y tế Cộng đồng T. H. Chan thuộc Đại học Harvard, cũng đồng tình. Bà Buckee cho rằng tỉ lệ này "khá hợp lí".
Nếu so sánh với cả Ebola và MERS, tỉ lệ tử vong của dịch COVID-19 gần với của dịch cúm mùa hơn nên cũng dễ hiểu khi người dân cảm thấy yên tâm khi so sánh hai dịch bệnh này. Tuy nhiên, COVID-19 và dịch cúm mùa thực chất rất khác biệt.
61.099 ca tử vong ở Mỹ do cúm mùa trong đợt cúm nghiêm trọng 2017 - 2018 chiếm khoảng 0,14% trong tổng số 44,8 triệu ca mắc các bệnh có đặc tính tương tự cúm. Ngoài ra, còn có khoảng 808.129 ca nhập viện liên quan đến cúm mùa, chiếm 1,8% trong tổng số ca nhập viện ước tính do nhiễm các bệnh tương tự cúm.
Giả sử dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ với qui mô tương tự cúm mùa, thử nhân số ca tử vong và nhập viện của cúm mùa lên 5 hoặc 10 lần, kết quả sẽ thực sự rất đáng sợ: 300.000 - 600.000 ca tử vong, và 4 triệu - 8 triệu ca nhập viện tại một quốc gia chỉ có khoảng 924.107 giường bệnh trống như Mỹ.
Nhân lên 40 lần, con số quá khủng khiếp. Đồng thời, tỉ lệ tử vong sẽ tăng cao hơn nếu hệ thống y tế bị quá tải, như chuyện đã xảy ra ở tỉnh Hồ Bắc - nơi dịch COVID-19 bùng phát và hiện tại là ở Iran.
Đó là lí do tại sao việc làm chậm tốc độ lây nhiễm của dịch COVID-19 đóng vai trò quan trọng, ngay cả khi không thể ngăn chặn được dịch bệnh.
Hệ số lây nhiễm (R0)
Dịch COVID-19 có thực sự dễ lan rộng như cúm mùa hay không? Nếu chủ quan, khả năng này chắc chắn sẽ xảy ra.
Thước đo tiêu chuẩn cho mức độ lây nhiễm của dịch bệnh được gọi là hệ số lây nhiễm (R0). Hệ số R0 = 1 nghĩa là một bệnh nhân có thể lây nhiễm cho một người khác. Nếu hệ số R0 <1, dịch bệnh sẽ suy giảm. Nếu R0 > 1, bệnh có thể lây lan nhanh chóng.
Dưới đây là R0 cho các dịch bệnh đã nêu phía trên. Đây chỉ là các con số tương đối, trong hầu hết trường hợp thì R0 là kết quả trung bình của một bộ ước tính khá rộng. Tuy nhiên, Bloomberg nhận định các số liệu này có thể chỉ ra mức độ lây nhiễm tương đối của dịch.
R0 giúp giải thích lí do tại sao các cơ quan y tế cộng đồng lại muốn mọi người nên tiêm ngừa bệnh sởi. Sởi không phải là một căn bệnh quá nguy hiểm, nhưng một khi bệnh xuất hiện ở một nhóm dân số không được tiêm chủng, mọi người đều sẽ mắc bệnh sởi.
Các con số trên dường như cũng chỉ ra rằng dịch COVID-19 dễ lây lan hơn nhiều so với cúm mùa. Mặc dù vậy, hệ số R0 trung bình chưa phải là tất cả.
Chẳng hạn, tại sao mọi người lại lo sợ về MERS, khi mà R0 của dịch này dưới mức 1, tức rất ít lây nhiễm? Lí do là MERS cực kì nguy hiểm, R0 của MERS có thể tăng lên trên mức 1 trong các môi trường nhất định, một trong số đó là bệnh viện. Người còn có thể lây bệnh từ lạc đà.
Ngoài ra còn có SARS, vốn nguy hiểm hơn dịch COVID-19 và có cùng hệ số R0 với dịch này.
Tại sao SARS bị đẩy lùi chỉ sau một năm, trong khi một số chuyên gia dự đoán COVID-19 có thể kéo dài mãi mãi? Bởi vì SARS phải đến vài ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện thì mới dễ lây lan.
Như 4 chuyên gia bệnh truyền nhiễm người Anh từng viết vào năm 2004, điều đó đồng nghĩa rằng "việc cách li bệnh nhân trong giai đoạn này có thể ngăn chặn bệnh lây nhiễm một cách hiệu quả".
Các chuyên gia trên đã đề xuất một biến số khác vào mô hình đáng giá khả năng lây nhiễm bệnh: tỉ lệ lây nhiễm trước khi xuất hiện triệu chứng.
Đối với SARS, tỉ lệ này là chưa đến 11%, hoặc thấp hơn. Ở bệnh cúm mùa, tỉ lệ lây nhiễm bệnh nằm trong khoảng 30 - 50%, khiến cơ quan y tế khó kiểm soát bệnh hơn rất nhiều.
Với dịch COVID-19, bà Buckee của Trường Y tế Cộng đồng T. H. Chan cho hay: "Dịch này có thể lây nhiễm trước khi các triệu chứng xuất hiện". Còn tỉ lệ chính xác thì vẫn chưa được xác định.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong tuần này có lập luận rằng việc lây nhiễm trước khi triệu chứng xuất hiện khá thấp nên dịch COVID-19 có thể dễ kiểm soát hơn dịch cúm mùa.
Cụ thể, hôm 2/2, ông Tedros cho hay: "Nếu đây là dịch cúm, chúng tôi dự đoán rằng dịch đã lây lan trong cộng đồng trên khắp thế giới vào thời điểm hiện tại. Do đó, nỗ lực làm chậm tốc độ lây lan hay kiểm soát dịch này cũng sẽ không khả thi".
Để hiểu rõ cơ quan y tế có thể kiểm soát tốc độ lây lan của một dịch bệnh như thế nào, cần phải phân tách R0 ra các bộ phận cấu thành hệ số này. Công thức đơn giản mà bà Buckee chia sẻ như sau:
- xác suất lây nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh (b), nhân với
- tỉ lệ tiếp xúc (k), nhân với
- thời gian lây nhiễm (d)
Trong một số trường hợp, thời gian lây nhiễm có thể được rút ngắn thông qua điều trị. Cách li bệnh nhân ngay khi mới phát hiện cũng có thể rút ngắn thời gian lây nhiễm.
Trong khi đó, hai biến số b và k rõ ràng phụ thuộc vào hành vi. Xác suất lây nhiễm sẽ giảm nhờ rửa tay thường xuyên, cụng tay thay vì bắt tay,...
Tỉ lệ tiếp xúc sẽ giảm khi người bệnh ở yên trong nhà. Bằng cách phong tỏa nhiều khu vực trong nước, giới chức Trung Quốc đã giảm tỉ lệ tiếp xúc đủ để hệ số R0 của dịch COVID-19 tại nước này xuống dưới mức 1.
Trung Quốc cũng phải chịu tổn thất về kinh tế và xã hội rất lớn khi thực hiện động thái đó. Hiện tại, khi đất nước tỉ dân đang trở lại guồng quay công việc, câu hỏi lớn đặt ra là liệu nới lỏng lệnh phong tỏa có thể giúp kiểm soát dịch bệnh hay COVID-19 sẽ bắt đầu lây lan trở lại.