|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch virus corona hiện nay đáng sợ vì tỉ lệ tử vong thấp hơn SARS, MERS hay Ebola

06:33 | 06/02/2020
Chia sẻ
Virus cần vật chủ để tồn tại và phát tán. Những loài virus quá mạnh thường làm vật chủ tử vong rất nhanh và do vậy đánh mất đi cơ hội lây lan của chính mình. Ngược lại, những con virus bị cho là yếu và gây ra tỉ lệ tử vong thấp lại thường khiến nhiều người nhiễm bệnh và tử vong hơn.
Dịch virus corona hiện nay đáng sợ vì tỉ lệ tử vong thấp hơn SARS, MERS hay Ebola - Ảnh 1.

Công nhân sản xuất khẩu trang tại tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc. Tại Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước châu Á, khẩu trang đang "cháy hàng" do nhiều người đổ xô đi mua để phòng dịch do virus corona. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tỉ lệ tử vong với những ca nhiễm virus Ebola là 44%, với virus SARS - đợt bùng phát dịch hô hấp tại Trung Quốc năm 2003 - là khoảng 10%.

Chủng virus corona mới gây bệnh viêm phổi Vũ Hán (2019-nCoV) có tỉ lệ tử vong thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 2%. Đến nay đã có gần 900 người hồi phục sau khi nhiễm bệnh và đã xuất viện về nhà. Đối với nhiều người, nhiễm chủng virus corona này chỉ như một lần bị cảm hay bị cúm nặng mà thôi

Đây có vẻ như là tin tốt, nhưng chính đặc tính tỉ lệ tử vong thấp của chủng virus corona mới này lại khiến nhiều nhà khoa học và chuyên gia y tế cộng đồng hết sức so lắng.

Bà Jennifer Rohn, Giám đốc trung tâm sinh học tiết niệu tại Đại học London và là một chuyên gia về đại dịch cho biết: “Nhiều virus tỏ ra vô cùng nguy hiểm và đáng sợ, nhưng nếu chúng không đến được những nơi tập trung đông người kiểu như sân bay Heathrow (London) thì các đợt bùng phát dịch sẽ khó có thể kéo dài”.

Chủng virus corona mới tỏ ra khá hiền lành, nhưng sự hiền lành này lại có thể giúp nó lan rộng, vươn xa mà không bị phát hiện, cho tới khi nó gây bệnh cho những người có nguy cơ sức khỏe lớn nhất.

Theo Bloomberg, các chuyên gia đang lo ngại rằng loại virus corona này có thể tìm ra một “điểm tàn phá khủng khiếp”, tức là điểm cân bằng giữa tỉ lệ tử vong và khả năng lây lan.

Bản thân virus hầu như chẳng làm được gì. Virus phải có vật chủ mới có thể sinh sôi và phát triển. Vật chủ có thể là một loại động vật như dơi hay chuột, virus và vật chủ thường chung sống hòa thuận với nhau, không ai làm hại ai. 

Khi virus nhảy từ vật chủ sang một vật chủ khác như con người, chúng lại có thể gây ra những căn bệnh ác tính nguy hiểm.

Khi dịch bùng phát, chỉ cần cách li được con người là sẽ cách li được virus. Vì vậy nên loại virus hoàn hảo phải đủ mạnh để khiến người nhiễm phát tán mầm bệnh đi khắp nơi (thông qua nước mũi, đờm ho, …) nhưng virus này cũng không được phép quá mạnh vì như vậy sẽ làm người bệnh chết quá nhanh hoặc có triệu chứng rõ rệt dẫn tới bị cách li quá sớm, không kịp lây lan.

“Người chết thì virus cũng băng hà. Vì vậy nên một con virus nguy hiểm là một con virus tìm được điểm cân bằng”, Jennifer Rohn nói.

Một số dịch bệnh lớn trên thế giới những năm qua (Song Ngọc tổng hợp từ SCMP, CDC, WHO, ...)

Virus corona - nCoV (tính đến 5/2/2020)

MERS

H1N1 (tính riêng tại Mỹ)

SARS

Ebola (tính đến 20/1/2020)

Năm phát hiện

 2020

 2012

2009

 2003

1976

Nơi khởi phát

Vũ Hán, Trung Quốc

Saudi Arabia

Mỹ

Trung Quốc

CHDC Congo

Số người mắc

24.540

2.494

Khoảng 60,8 triệu

8.427

34.453

Số người/tỉ lệ tử vong

492 (2%)

858 (34,4%)

Khoảng 12.500 (0,02%)

813 (9,6%)

15.158 (44%)

Số quốc gia/vùng lãnh thổ có bệnh

28

27

204

29

18

Virus Ebola có đặc tính mạnh, lại hoành hành ở nơi có điều kiện y tế nghèo nàn như châu Phi nên tỉ lệ tử vong của người bệnh rất cao, lên tới 44%. Nhưng Ebola lại rơi vào nhóm “bạo phát, bạo tàn”, người bệnh tử vong quá nhanh nên virus khó lây lan rộng. 

Mặc dù xuất hiện từ năm 1976 và từ đó đến nay hầu như năm nào cũng có đợt bùng phát Ebola, tổng số ca nhiễm và tử vong chỉ là khoảng 35.000 và 15.000.

Trong khi đó, virus cúm H1N1 có tỉ lệ tử vong chỉ 0,02% nhưng tính riêng đợt bùng phát năm 2009 tại Mỹ nó đã làm 60 triệu người nhiễm bệnh và gần 13.000 người chết.

“Một con virus tương đối hiền lành có thể gây ra vô vàn thiệt hại nếu có nhiều người mắc phải”, ông Michael Ruan, Giám đốc Chương trình Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trao đổi với Bloomberg.

Chủng virus corona mới có thời gian ủ bệnh lên tới hai tuần. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, mệt mỏi, ho khan, đau họng - tức là rất khó phân biệt với dịch cúm thông thường. Trong quãng thời gian ủ bệnh ban đầu này, người bệnh có thể tới nhiều nơi đông đúc và vô tình lây bệnh cho những người xung quanh.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong mùa cúm 2019-2020 có khoảng 13 triệu người Mỹ nhiễm bệnh. Chỉ cần tỉ lệ tử vong là 0,07% thì đã có gần 10.000 người chết vì cúm. Dịch cúm thông thường hàng năm chính là một kẻ giết người hàng loạt với vẻ ngoài hiền lành.

Giả sử số người nhiễm chủng virus corona mới này cũng là khoảng 13 triệu như với cúm theo mùa, nếu tỉ lệ tử vong duy trì ở mức 2% như trong thời gian qua, số người chết vì virus corona 2019-nCoV có thể lên tới 260.000.

Nếu số người nhiễm virus corona hiện nay tương đương với số người nhiễm H1N1 tại Mỹ năm 2009 (khoảng 60 triệu), số ca tử vong sẽ còn lớn hơn nữa.

Trung Quốc là nước có dân số lớn gấp 4-5 lần Mỹ nên số người có khả năng mắc bệnh cũng cao hơn Mỹ. Chỉ tính riêng 15 thành phố đang bị cô lập, số người bị mắc kẹt tại các "ổ dịch" của Trung Quốc hiện đã là khoảng 50-60 triệu người.

Hoạt động cách li người có nguy cơ nhiễm bệnh của Trung Quốc cũng không được thực hiện một cách nghiêm túc do bị tâm lí kì thị chi phối. Trao đổi với New York Times, anh Andy Li, một người đi từ Vũ Hán (nơi khởi phát dịch virus corona) tới Nam Kinh, cho biết chính quyền thành phố này dồn tất cả những người từ Vũ Hán đến vào một khách sạn. 

"Họ chỉ muốn tách người Vũ Hán ra khỏi người Nam Kinh, còn việc người Vũ Hán có thể lây bệnh lẫn nhau thì họ không quan tâm", anh Andy Li nói.

Ông Michael Olsterholm, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm của Đại học Minnesota nhận định: “Tại Trung Quốc, các số liệu thống kê cho thấy tình hình hiện nay là khá nghiêm trọng và virus corona đang lan truyền một cách đáng quan ngại”.

Ông nói thêm: “Chủng virus corona mới hiện nay có vẻ sẽ khó kiểm soát hơn nhiều so với dịch SARS”

Trước đây các loại virus trong họ corona được cho là chỉ gây ra các triệu chứng như bị cảm ở người. Tuy nhiên vào cuối năm 2002 - đầu năm 2003, chủng virus SARS làm hơn 8.000 người nhiễm bệnh với tỉ lệ tử vong gần 10%.

Chính quyền Trung Quốc khi đó che giấu thông tin và phản ứng chậm trễ nhưng các ca nhiễm SARS lại có triệu chứng nghiêm trọng và rất dễ nhận ra nên người bệnh nhanh chóng được cách li và dịch bệnh được kiểm soát trong vài tháng.

Bloomberg dẫn thống kê của chính phủ Trung Quốc cho biết: Trong số các ca nhiễm chủng virus corona mới, khoảng hơn 20% có các triệu chứng bệnh nghiêm trọng. Nhiều người trong số này là người già hoặc có tiền sử bệnh tật, khiến họ có rủi ro sức khỏe cao hơn. Tuy nhiên những người có triệu chứng nhẹ hơn có thể vẫn tiếp tục đi làm, đi du lịch, mua sắm và vô tình phát tán virus gây bệnh.

Cho dù dịch virus corona hiện nay có diễn tiến thế nào thì đây chắc chắn không phải là lần cuối cùng một chủng virus từ động vật gây bệnh cho người. Trong hai thập kỉ qua, thế giới đã phải đối mặt với hai lần bùng phát dịch Ebola dữ dội, một lần dịch MERS ở Trung Đong và một lần dịch SARS ở Trung Quốc.

Con người sẽ tiếp tục gặp phải các loại virus mới - những loại mà con người chưa từng tiếp xúc trước đây, không có miễn dịch tự nhiên và chưa phát triển được thuốc hoặc vaccine phù hợp.

Ông Mark Feinberg, Chủ tịch Sáng kiến Vaccine AIDS Quốc tế nhận định: “Những dịch bệnh kiểu này sẽ còn tái diễn trong tương lai. Chúng ta cần ứng phó hết sức thận trọng”.

Song Ngọc

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.