|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

5 triệu người rời tâm dịch Vũ Hán: Không biết đi đâu, về đâu

15:06 | 05/02/2020
Chia sẻ
Ngay trước khi Vũ Hán bị cô lập để kiểm soát dịch viêm phổi do virus corona, đã có khoảng 5 triệu người rời khỏi thành phố này. Chính quyền Trung Quốc đang dùng nhiều cách để theo dõi tung tích cũng như cách li những người này. Tuy nhiên thái độ đối xử xa lánh, kì thị có thể khiến tình hình càng thêm nghiêm trọng.
5 triệu người rời tâm dịch Vũ Hán: Không biết đi đâu, về đâu - Ảnh 1.

Một người đàn ông đến từ tỉnh Hồ Bắc đang bước qua cây cầu trên sông Dương Tử. Ảnh: Reuters.

Dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona (nCoV) bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hồi cuối tháng 12/2019. Đến nay dịch này đã lây lan đến toàn bộ 31 tỉnh của Trung Quốc, 28 quốc gia và vùng lãnh thổ với 24.540 ca nhiễm được phát hiện, 492 ca tử vong và 911 ca hồi phục.

Để kiểm soát sự lây lan của dịch, chính quyền Trung Quốc đã cô lập tâm dịch Vũ Hán, sau đó là thêm hai thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc và đến nay là 14 thành phố với tổng số dân gần 61 triệu người. Tuy nhiên trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, nhiều người đã rời Vũ Hán đến nhiều nơi khác.

Ông Chu Tiến Vượng - Thị trưởng thành phố Vũ Hán cho biết hôm 26/1 rằng trước khi thành phố này bị cách li “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đã có khoảng 5 triệu người dân rời đi. Khi lệnh cách li có hiệu lực vào ngày 23/1, thành phố Vũ Hán còn khoảng 9 triệu người so với 14 triệu người trước kia.

Theo thống kê của Baidu - ứng dụng tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc, đa phần 5 triệu người Vũ Hán này đến các thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc. Có người đi thăm thân và du lịch nhưng cũng có nhiều người vội vã chạy khỏi thành phố khi biết tin Vũ Hán sẽ bị cách li.

Flight Master - một nền tảng du lịch phổ biến ở Trung Quốc chuyên cung cấp dịch vụ đặt vé và dữ liệu thì cho biết: Trong khoảng thời gian từ 30/12/2019 đến 22/1/2020, các điểm đến hàng đầu của người xuất phát từ Vũ Hán bao gồm nhiều sân bay ở Thái Lan, theo sau là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Ma Cao, Singapore, Malaysia.

Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam tính đến sáng nay 5/2, Thái Lan có 25 trường hợp nhiễm virus corona, nhiều thứ hai thế giới chỉ sau tâm dịch Trung Quốc.

5 triệu người rời tâm dịch Vũ Hán: Không biết đi đâu, về đâu - Ảnh 2.

3/10 điểm đến quốc tế từ Vũ Hán là các sân bay ở Thái Lan - nước có nhiều ca nhiễm virus corona nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Nguồn: SCMP.

Người Trung Quốc ở nước ngoài bị kì thị, xa lánh. Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin nhiều gái mại dâm gốc Trung Quốc ở New Zealand phải nói dối rằng mình là người Hàn Quốc hay Nhật Bản vì sợ không kiếm được khách.

Một cô gái cho biết từ khi dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc và lan sang các nước khác, cô đã giảm giá còn một nửa so với trước nhưng số khách mua dâm vẫn sụt 50%.

Bên trong biên giới Trung Quốc, người dân Vũ Hán, Hồ Bắc đi đến các tỉnh thành khác cũng phải chịu cảnh hắt hủi. Thống kê nói trên của của Flight Master chỉ bao gồm số lượng người ra nước ngoài tương đối nhỏ, khoảng vài chục nghìn so với tổng cộng 5 triệu người rời Vũ Hán.

Nhiều người Vũ Hán tới các tỉnh thành khác của Trung Quốc bằng đường bộ, đường sắt và khó có cách thống kê chính xác.

Theo tờ New York Times, một người đàn ông Vũ Hán không thể tìm được chỗ nghỉ chân vì hễ anh chìa chứng minh thư ra là lễ tân khách sạn đuổi đi. Một người khác thì bị lộ thông tin cá nhân lên mạng sau khi đăng kí tạm trú với chính quyền địa phương.

Những người này đang trong cảnh khốn cùng, không thể về quê vì lệnh cách li với cả thành phố, và cũng không biết nương nhờ ở đâu vì tâm lí kì thị của chính đồng bào mình.

Mạng lưới giám sát bằng camera và hệ thống nhận diện khuôn mặt của Trung Quốc bao phủ rộng khắp. Dù vậy, chính quyền vẫn hay sử dụng các biện pháp “truyền thống” hơn để xác định tung tích của những người đến từ vùng dịch, chẳng hạn như yêu cầu người dân báo cáo về hoạt động của những người hàng xóm của mình hay lập các trạm kiểm soát.

Chàng sinh viên Harmo Tang là một ví du. Anh học đại học ở Vũ Hán, khi trở về quê nhà ở thành phố Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang, anh đã tự cách li vì lo ngại có thể mình đã nhiễm bệnh và lây cho những người xung quanh.

5 ngày sau, cán bộ địa phương tới và hỏi về thông tin cá nhân của anh như tên, địa chỉ, số điện thoại, số chứng minh nhân dân và ngày trở về từ Vũ Hán. Chỉ vài ngày sau, anh thấy thông tin cá nhân của mình lan truyền trên mạng cùng với những người khác từ Vũ Hán trở về Lâm Hải.

Không lâu sau, cảnh sát quay lại nhà anh và dán thông báo đường dây nóng, yêu cầu mọi người gọi cho nhà chức trách nếu trông thấy anh Tang hoặc gia đình rời khỏi căn hộ. Mỗi ngày, anh nhận được 4 cuộc gọi khác nhau từ các cơ quan địa phương. Nhưng đó không phải là những cuộc hỏi thăm ân cần.

“Hầu như không có sự đồng cảm ở đây. Giọng điệu của những người gọi điện không thể hiện sự quan tâm mà là sự cảnh cáo. Tôi không thấy thoải mái về những cuộc điện thoại này”, anh Tang nói.

Dĩ nhiên Trung Quốc có lí do chính đáng để theo dõi những người có khả năng mang theo mầm bệnh nguy hiểm. Virus corona bùng phát đã khiến nhiều thành phố với tổng cộng hơn 60 triệu dân bị cô lập, khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dừng hoạt động gần như hoàn toàn và tạo nên bức tường ngăn cách giữa Trung Quốc với nhiều nước.

5 triệu người rời tâm dịch Vũ Hán: Không biết đi đâu, về đâu - Ảnh 3.

14 thành phố Trung Quốc với tổng dân số hơn 60 triệu người đang bị cô lập để tránh dịch bệnh lây lan. Nguồn: SCMP.

Tuy nhiên, sự xa lánh, kì thị và hắt hủi sẽ không giúp kiểm soát dịch bệnh, thậm chí có thể khiến tình hình khó kiểm soát hơn. Ngay cả một số quan chức địa phương cũng đã kêu gọi cộng đồng thấu hiểu hoàn cảnh của những người đến từ vùng dịch.

Các chuyên gia cảnh báo tâm lí hắt hủi có thể làm sói mòn lòng tin của quần chúng và đẩy nhiều nạn nhân của dịch bệnh ra xa vòng tay chăm sóc của hệ thống y tế, trong khi đúng ra họ cần được thăm khám và theo dõi đúng cách để tránh mầm bệnh lây lan.

Song Ngọc