Nguy cơ nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sập tiệm nếu dịch virus corona không sớm được kiểm soát
Mối lo lắng về tác động của sự bùng phát virus corona của các nhà sản xuất vừa và nhỏ tại Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ. Nhiều người quan ngại về viễn cảnh phá sản nếu tình hình không sớm được kiểm soát.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), mối lo này đặc biệt mạnh mẽ đối với những công ty sản xuất sử dụng nhiều lao động, vì chính quyền địa phương đã hạn chế các công việc cần có nhiều người tụ họp để ngăn chặn virus chết người này lan truyền.
Một số công ty lo rằng nếu dịch virus corona không được kiểm soát vào tháng 3 hoặc tháng 4, khi nhiều khách hàng nước ngoài đặt các đơn hàng cho cả năm, thì họ sẽ chuyển sang các nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc. Việc này có thể đẩy nhanh việc họ chuyển sang các cơ sở sản xuất thay thế, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Tom Wang, người điều hành một nhà máy giày dép ở thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông cho biết: "Khách hàng nước ngoài chắc chắn sẽ chờ xem tình hình dịch bệnh diễn biến như thế nào, và họ có thể đặt hàng ở các khu vực khác, thay vì Trung Quốc".
Các cửa hàng nhỏ, nhà hàng và các công ty logistics địa phương là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ sự kiểm soát của chính phủ. Nhiều nơi nói rằng họ chỉ có thể cầm cự thêm hai hoặc ba tháng nữa trước khi buộc phải đóng cửa vĩnh viễn.
Theo tờ SCMP, virus corona lây lan nhanh chóng và đã giết chết ít nhất 426 người, khiến hơn 20.000 người ở Trung Quốc đại lục bị nhiễm bệnh. Dịch bệnh này đã khiến chính quyền đóng cửa các nhà máy, trung tâm mua sắm và các điểm du lịch, cũng như hạn chế nghiêm ngặt hoạt động giao thông.
Một số nơi đã kéo dài kì nghỉ Tết Nguyên đán, yêu cầu các công ty không mở cửa trở lại cho đến sớm nhất là ngày 10/2.
Tại tỉnh Quảng Đông - một trong những trung tâm sản xuất của Trung Quốc, các chủ doanh nghiệp nhỏ đã phải vật lộn với chi phí gia tăng và hậu quả của chiến tranh thương mại, và giờ đang chuẩn bị cho một đợt suy thoái nếu dịch bệnh tiếp diễn.
Ông Tom Wang cho biết: "Số lượng công nhân trở lại làm công việc tại các nhà máy ở Đông Quan chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong vài tháng tới, các công ty logistics và chuỗi cung ứng cũng phải chịu cảnh tương tự".
"Trong quí I năm nay, chắc chắn số đơn hàng sẽ giảm, và hầu hết các nhà máy [tại Đông Quan] đều sử dụng nhiều lao động. Chúng tôi rất sợ có thể xảy ra sự lây nhiễm dịch bệnh trong nhà máy, vì vậy chúng tôi không dám nhận bất kì đơn đặt hàng lớn nào trong quí I".
Ông Wang cũng không lạc quan về triển vọng của các đơn hàng xuất khẩu trong quí II.
Ông cho biết thêm tác động của virus corona - dịch bệnh mà WHO đã tuyên bố là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu - sẽ còn lớn hơn ảnh hưởng của đại dịch SARS năm 2002-2003 đối với các nhà máy vừa và nhỏ.
Ông nói: "Lúc đó Trung Quốc vừa mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 12 năm 2001, do đó, có rất nhiều đơn đặt hàng nước ngoài, dẫn đến sự bùng nổ trong lĩnh vực sản xuất. Giờ đây, chuỗi cung ứng đã bắt đầu thay đổi trong vài năm qua vì chiến tranh thương mại. Tình hình dịch bệnh chắc chắn sẽ tạo thêm động lực cho nhiều nhà máy [chuyển hướng sản xuất sang nước ngoài]".
Ông Liu Kaiming, người đứng đầu Viện quan sát đương đại chuyên nghiên cứu về điều kiện làm việc tại hàng trăm nhà máy trên khắp Trung Quốc, cảnh báo rằng sự bất định do virus corona tạo ra có thể là "đòn chí mạng" đối với nhiều công ty sản xuất.
Ông Liu cho biết: "Nếu dịch bệnh có thể được kiểm soát vào cuối tháng 2, tác động của nó đến ngành sản xuất sẽ ở mức có thể kiểm soát được. Nếu đến đầu tháng 3 mà tình hình virus vẫn chưa được kiểm soát, có khả năng các khách hàng nước ngoài sẽ chuyển sang đặt hàng tại các nước khác".
Ngoài ra, nếu tình hình không dịu đi vào tháng 3, thì "Chuỗi cung ứng và vị thế "công xưởng của thế giới" của Trung Quốc có thể sẽ sụp đổ".
Các ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến và cả những doanh nghiệp thâm dụng lao động cấp thấp sẽ bị ảnh hưởng, vì dịch bệnh bùng phát có thể dẫn đến việc các đơn đặt hàng sụt giảm nghiêm trọng. Các công ty sản xuất truyền thống hoặc công nghệ cao đều có thể rơi vào cảnh thiếu tiền mặt.
Theo tờ SCMP, ông Jason Liang, giám đốc bộ phận bán hàng của một công ty xuất khẩu các sản phẩm đèn LED chiếu sáng có trụ sở tại Quảng Đông cho biết công ty của ông đã chuyển bớt việc sản xuất ra nước ngoài, và dự đoán những công ty khác sẽ sớm làm theo.
Ông nói: "Đèn LED là một sản phẩm có tính thời vụ, và hầu hết các đơn đặt hàng xuất khẩu của chúng tôi đã được hoàn thành và vận chuyển đi".
Ông Jasson cho biết thêm: "Đặc biệt, chúng tôi rất may mắn vì đã đầu tư vào một nhà máy ở Thái Lan năm ngoái, nhà máy này đã đi vào sản xuất từ tháng 1. Tôi nghĩ rằng sự bùng phát virus corona sẽ thúc đẩy tái phân bổ năng lực sản xuất sang nước ngoài".
Theo tờ Nikkei của Nhật Bản, Ftech - một nhà cung cấp lớn của cơ sở sản xuất xe hơi Honda tại Trung Quốc, đang lên kế hoạch chuyển việc sản xuất bàn đạp phanh sang Philippines thay cho Vũ Hán, tâm điểm của dịch virus corona.
Bài báo này cũng cho biết nếu virus corona tiếp tục lây lan, các công ty khác có thể sẽ hành động tương tự như Ftech.
Honda có ba cơ sở sản xuất tại Vũ Hán, tất cả đều đóng cửa cho đến ít nhất là ngày 10/2. Nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và nước ngoài, cũng như các công ty bán dẫn có cơ sở sản xuất tại Vũ Hán, vì đây cũng là một trung tâm logistics lớn.
Ông Peng Peng, phó chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu cải cách hệ thống Quảng Đông, cho rằng chính quyền tỉnh Quảng Đông phải hành động để giúp các công ty sản xuất nhỏ.
Ông Peng cho biết: "Phản ứng quốc tế đối với sự bùng phát của virus corona mang nhiều tính tâm lí. Khách hàng nước ngoài không thể phân biệt giữa hàng hóa Trung Quốc được sản xuất tại Vũ Hán với hàng hóa từ các vùng khác, vì vậy tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc có thể bị trì hoãn hoặc cắt giảm trong ngắn hạn".
Cũng theo ông Peng, với tình hình hiện tại, nhiều công ty dịch vụ và nhà hàng nhỏ khó có thể trụ thêm hai tháng nữa.
Chinaventure, một công ty tư vấn và nghiên cứu đầu tư nổi tiếng, dẫn lời chủ tịch Jia Guolong của Xibei, một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất của Trung Quốc, cho biết hơn 20.000 nhân viên công ty đã không thể làm việc do dịch virus corona.
Xibei có 400 cửa hàng với hơn 20.000 nhân viên tại hơn 60 thành phố trên toàn Trung Quốc, và hiện tại gần như tất cả các nhà hàng ăn uống đã bị đóng cửa. Dịch bệnh này khiến doanh thu của Xibei giảm hơn 90% so với cùng kì năm ngoái.
Chủ tịch Jia nói thêm: "Chúng tôi phải trả lương nhân viên 156 triệu nhân dân tệ (22,3 triệu USD) mỗi tháng. Dòng tiền của chúng tôi chỉ có thể duy trì khoản này trong ba tháng. Nếu tình hình này tiếp diễn cho đến tháng Tư, chúng tôi sẽ buộc phải sa thải nhân viên".
Ông Wang, chủ sở hữu của nhà máy giày dép cho biết hiện tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể làm được gì.
"Chúng tôi chỉ có thể hàng ngày kiểm tra thân nhiệt các nhân viên người Hồ Bắc và để họ sống bên ngoài nhà máy. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà xưởng, công nhân, các khoản an sinh xã hội và nhiều chi phí hoạt động như trước; chúng như là cái thòng lọng đang dần siết vào cổ chúng tôi".