|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làm việc tại nhà thời virus corona: Người lao động và doanh nghiệp Trung Quốc không khỏi bối rối

06:12 | 04/02/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh chủng virus corona mới bùng phát, làm việc tại nhà không còn là một đặc quyền mà nó trở thành một điều cần thiết tại Trung Quốc. Tuy nhiên, người lao động và doanh nghiệp đều bối rối trước sự việc này.

Virus corona có thể kích hoạt làn sóng làm việc tại nhà qui mô khủng nhất thế giới

Theo Bloomberg, nhiều nhà máy, cửa hàng, nhà hàng và khách sạn đang cảnh báo rằng người dân đã dần ít xuất hiện hơn, khiến các trung tâm thành phố trở thành thị trấn ma.

Trong khi đó, đằng sau cánh cửa đóng kín của các khu căn hộ và nhà ở tại ngoại ô, hàng nghìn doanh nghiệp đang cố tìm cách duy trì hoạt động từ xa.

Làm việc tại nhà thời virus corona: Người lao động và doanh nghiệp Trung Quốc không khỏi bối rối - Ảnh 1.

Đường phố ở trung tâm tài chính Thượng Hải vắng vẻ hôm 29/1. (Ảnh: Bloomberg)

"Đây là một cơ hội tốt để chúng tôi thử nghiệm phương thức làm việc tại nhà ở qui mô lớn", ông Alvin Foo, Giám đốc của công ty quảng cáo Reprise Digital, cho hay. Reprise Digital hiện có khoảng 400 nhân viên và là một công ty con của tập đoàn Interpublic Group.

"Rõ ràng, không dễ dàng gì đối với một công ty quảng cáo phải 'brainstorm' ý tưởng trực tiếp nhiều như chúng tôi", ông Foo chia sẻ. Cũng theo vị giám đốc này, sắp tới công ty ông sẽ phải trò chuyện qua video và điện thoại rất nhiều.

Số lượng nhân viên làm việc tại nhà sắp phát triển thành cả một đội quân lớn mạnh. Hiện tại, hầu hết người dân ở Trung Quốc vẫn đang trong kì nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu làm việc trở lại, nhiều khả năng việc này sẽ kích hoạt một cuộc thử nghiệm làm việc tại nhà với qui mô khủng nhất thế giới.

Điều đó đồng nghĩa rằng sẽ có ngày càng nhiều người tổ chức các cuộc họp khách hàng và thảo luận nhóm thông qua các ứng dụng videochat, hoặc thảo luận kế hoạch trên một số nền tảng văn phòng như WeChat Work hoặc Lark - một ứng dụng do ByteDance phát triển và có chức năng tương tự công cụ Slack.

Đội tiên phong cho mô hình nhân viên làm việc phân tán như trên chính là các trung tâm tài chính lớn của Trung Quốc như Hong Kong và Thượng Hải. Các quận trung tâm của hai thành phố này có hàng trăm nghìn nhân viên văn phòng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, logistics, bảo hiểm, luật,...

Nhân viên văn phòng bối rối trước chỉ thị khó đoán trước của doanh nghiệp

Bloomberg dẫn lời một nhân viên ngân hàng ở Hong Kong cho biết anh sẽ kéo dài kỉ nghỉ ở nước ngoài vì anh có thể làm việc ở bất cứ đâu với máy tính xách tay và điện thoại.

Số khác cho hay họ đang phân bổ thời gian vốn thường dành để ăn uống cùng khách hàng để dùng hết chi phí đi lại còn thừa của họ. Một người cho biết anh đang chuyển trọng tâm sang các giao dịch ở khu vực Đông Nam Á.

"Không ai tổ chức họp hành nên thời gian biểu của tôi khá trống", ông Jeffrey Broer, một cố vấn viên ở Hong Kong, cho hay. "Một người đã gửi email cho tôi như thế này: 'Liệu chúng ta có thể gặp nhau ở đâu đó vào tháng 2 chứ?'"

Làm việc tại nhà thời virus corona: Người lao động và doanh nghiệp Trung Quốc không khỏi bối rối - Ảnh 2.

Người lao động bối rối trước chỉ thị thay đổi liên tục của doanh nghiệp. (Ảnh: Bloomberg)

Một trong các yếu tố đáng lo ngại nhất với người lao động chính là tác động khó lường trước của virus corona, khiến chỉ thị của các công ty thay đổi theo từng ngày.

Tiko Mamuchashvili, một nhân viên tổ chức sự kiến cao cấp tại khách sạn Hyatt ở Bắc Kinh, đáng lẽ ra phải đi làm trở lại vào hôm 31/1. Ban đầu, công ty cho biết kì nghỉ của cô sẽ được kéo dài đến hết ngày 3/2. Sau đó, cô lại nhận được thông báo làm việc tại nhà thêm hai ngày nữa.

Vài ngày sau, công ty lại chỉ thị kéo dài thời gian làm việc tại nhà cho đến ngày 10/2. Cô Mamuchashvili phải báo cáo về bộ phận của mình mỗi sáng về nơi cô đang lưu trú và liệu cô có bị sốt hay không.

"Thông thường, trở lại làm việc sau kì nghỉ lễ sẽ gây ra cảm giác hơi khác lạ, nhưng làm việc tại nhà với thông báo thay đổi nhanh như vậy còn bất thường hơn", cô Mamuchashvili cho hay.

Một số nhà quản lí lo ngại làm việc tại nhà sẽ làm giảm năng suất, nhưng có bằng chứng chứng minh điều ngược lại.

Một nghiên cứu do Đại học Stanford thực hiện năm 2015 cho thấy năng suất của các nhân viên tổng đài tại công ty lữ hành Ctrip của Trung Quốc tăng 13% khi họ làm việc tại nhà do thời gian nghỉ giữa giờ ít hơn và môi trường làm việc thoải mái hơn.

Virus corona - mối đe dọa đến các không gian làm việc chung

Mặc dù virus corona có thể kiếm chứng giả thuyết nêu trên ở qui mô lớn, dịch bệnh này còn gây ra mối đe dọa hữu hình cho một mô hình kinh doanh mới: không gian làm việc chung.

Không gian làm việc chung mọc lên ở khắp các thành phố lớn của Trung Quốc trong những năm gần đây, khi mà giá thuê bất động sản tăng vọt và số lượng các startup công nghệ bùng nổ.

"Đây sẽ là khoảng thời gian khó khăn", ông Dave Tai, Phó Giám đốc của Beeplus - một công ty thuộc mô hình không gian làm việc chung, cho hay.

Làm việc tại nhà thời virus corona: Người lao động và doanh nghiệp Trung Quốc không khỏi bối rối - Ảnh 3.

Doanh nghiệp cũng không thoát khỏi cảnh bối rối vì dịch bệnh diễn biến phức tạp. (Ảnh: AP)

Virus corona bùng phát đã buộc chi nhánh Bắc Kinh của Beeplus phải hoãn việc mở cửa trở lại. Ông Tai chia sẻ ông và đồng nghiệp trong ngành gần như không thể làm việc tại nhà. Nếu không có khách hàng, Beeplus sẽ sụp đổ.

"Cốt lõi của không gian làm việc chung là cộng đồng, là khi mọi người đến với nhau. Thật khó để có thể thay thế sự tương tác và kết nối trực tiếp bằng môi trường mạng trực tuyến", ông cho hay.

Đối với nhiều doanh nghiệp, hướng dẫn nhân viên làm việc tại nhà chỉ giải quyết được một phần vấn đề. Nhiều công ty phải dựa vào các nhà máy. Những công ty logistics và chuỗi cửa hàng bán lẻ có thể phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nếu nhân viên làm việc từ xa.

Ngay cả các doanh nghiệp có thể vận hành bằng Internet và điện thoại, virus corona cũng khiến họ không có nhiều việc để làm.

Các nhân viên ngân hàng cho biết các thương vụ IPO và giao dịch đều bị hoãn. Giá trị giao dịch trong 30 ngày đầu tiên của năm 2020 chỉ bằng một nửa so với năm ngoái, theo dữ liệu mà Bloomberg tổng hợp.

"Thời điểm tồi tệ nhất vẫn chưa tới", nhà phân tích Ting Lu của Nomura dự đoán. "Chúng tôi cho rằng virus corona có thể giáng một đòn đau vào nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới, hơn cả thiệt hại đại dịch SARS từng gây ra năm 2003".

Các số liệu thống kê cho thấy virus corona có tỉ lệ gây tử vong thấp hơn đại dịch SARS nhưng virus corona lại lây nhiễm cho nhiều người với tốc độ nhanh hơn, làm tăng thêm nỗi sợ hãi.

Theo giáo sư kinh tế Warwick McKibbon từ Đại học Quốc gia Australia, một phần thiệt hại mà virus corona có thể gây ra với nền kinh tế Trung Quốc có khả năng xuất phát từ những thay đổi trong "tâm lí con người".

Ông McKibbon cho hay đại dịch SARS khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 40 tỉ USD và ông dự đoán tác động của virus corona có thể gấp 3 - 4 lần số này.

"Tâm lí hoảng loạn dường như là tác nhân gây hại nhiều nhất với nền kinh tế chứ không phải số ca tử vong", giáo sư McKiboon nhận xét.

Khi nhà máy đóng cửa và nhân viên văn phòng làm việc tại nhà, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ Trung Quốc phải đối mặt với khoảng thời gian khó khăn.

Ngành dịch vụ tại Trung Quốc hiện nay đã lớn hơn nhiều so với khi đại dịch SARS bùng phát, cụ thể ngành này chiếm 53% tỉ trọng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tăng từ mức 41% năm 2002.

Yên Khê