Chủ công ty nhỏ gồng mình nuôi nhân viên
Du Xiaofeng, 38 tuổi, có hai nhà máy sản xuất áo khoác và giày cho các thương hiệu nước ngoài tại Hàng Châu với 100 công nhân.
Chính quyền Hàng Châu đã ra lệnh đóng cửa các nhà máy sản xuất đến hết 9/2 và ông Du muốn công nhân của mình cách ly thêm 14 ngày trước khi quay lại làm việc. Có nghĩa là hai nhà máy của Du sẽ không thể mở lại trước tháng ba. Lần cuối nó hoạt động là vào 16/1 - trước Tết nguyên đán.
Công ty bán một số sản phẩm may mặc trực tiếp cho khách hàng thông qua một cửa hàng trực tuyến. Nhưng doanh số đã giảm 80% sau khi trang này cảnh báo về sự chậm trễ vận chuyển do nghỉ Tết kéo dài và sự bùng phát của virus.
"Tôi sợ mất bạn hàng", ông Du nói và ước tính doanh thu năm nay có thể giảm 30%. Năm ngoái, công ty ông kiếm được 120 triệu nhân dân tệ (17,2 triệu USD). Ngay cả khi ở nhà, ông cũng thấy bất an. Gia đình ông vừa chuyển đến ở cùng bố mẹ, sau khi chung cư nhà ông ở có người được chẩn đoán nhiễm Covid-19. "Càng ngày tôi càng lo lắng", ông nói.
Michelle Liu, 36 tuổi, chủ một công ty xuất khẩu da thô ở Ôn Châu, cho biết đã dành hàng giờ điện thoại để giải thích cho khách hàng ở châu Âu, Mỹ Latinh và Nga tại sao đơn hàng của họ bị trì hoãn. Cô ấy đã mất 10 triệu nhân dân tệ trong các đơn hàng. Và vì các ngân hàng đóng cửa, cô không thể xử lý giao dịch ngoại hối.
Hàng trăm triệu người Trung Quốc đã chôn chân phần lớn tại nhà kể từ cuối tháng 1, khi nhà chức trách cố gắng đẩy lùi sự lây lan của dịch viêm phổi. Điều này dẫn đến các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ trống rỗng, các chương trình du lịch bị hủy bỏ và các cơ sở sản xuất đóng cửa nhưng vẫn phải trả lương và chi phí hoạt động.
Một số chủ doanh nghiệp đang tìm cách xoay xở bằng cách xin chủ mặt bằng hỗ trợ tiền thuê. Số khác giảm lương nhân viên hoặc thậm chí sa thải người để tồn tại.
Wu Jian, Nhà đồng sáng lập của Sue Hsiao Liu, một chuỗi 15 nhà hàng dim sum ở Thượng Hải, cho biết lưu lượng khách hàng đã giảm tới 90%. Ngày trước khi có dịch, chuỗi của ông phục vụ khoảng 10.000 khách hàng mỗi ngày. Giờ đây, kế hoạch mở thêm 5 nhà hàng gần Hàng Châu bị gác lại.
Chuỗi này đang thử quảng cáo trực tuyến, khuyến khích khách hàng đặt giao đến nhà và mang đi, bao gồm cả há cảo đông lạnh mà mọi người có thể tự nấu. Nhà hàng cũng thông báo với khách rằng họ phải đeo khẩu trang trước khi vào, trải qua kiểm tra thân nhiệt và vệ sinh tay trước khi ăn.
Ông Wu Jian nói rằng chuỗi này sẽ không tồn tại được hơn 3 tháng với tình hình hiện tại. Để không sa thải bất kỳ nhân viên nào trong số hơn 600 lao động, chuỗi đang cố gắng đàm phán luân phiên ngày làm của nhân viên, tất nhiên dẫn đến giảm lương. Một số cấp quản lý cũng được đề nghị tạm thời không nhận lương.
"Sa thải nhân viên sẽ là phương án cuối cùng", ông Wu nói rằng có thể cần phải vay thêm vốn để trang trải chi phí.
Ji Xiaoxiang, người sở hữu hàng chục nhà nghỉ ở nông thôn, cho biết đã hoàn tiền cho những khách hàng hủy đặt phòng cho hơn 200 phòng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vốn sẽ mang lại thu nhập ít nhất 300.000 nhân dân tệ (khoảng 42.000 USD).
Nhưng ông hy vọng sẽ sống sót qua mùa dịch bằng cách giảm chi phí. Ông đã cắt giảm một phần ba lương của 200 nhân viên.
"Khi khủng hoảng kết thúc, tôi tin mọi người sẽ quay lại lối sống quen thuộc của họ. Và dịch vụ của chúng tôi sẽ có nhiều nhu cầu hơn", ông Ji lạc quan.
Theo một báo cáo nghiên cứu của Hua Chuang Securities, các doanh nghiệp dịch vụ thâm dụng lao động như nhà hàng và các công ty du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự bùng phát của Covid-19. Công ty dự báo hầu hết doanh nghiệp ngành này sẽ không có lợi nhuận trong năm nay.
Trước dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc đã bắt đầu cảm thấy khó khăn vì chi tiêu hộ gia đình giảm sút và khó tiếp cận vốn ngân hàng, trừ khi được nhà nước hậu thuẫn. Nợ doanh nghiệp và phá sản tăng lên khi giới chức cấm hình thức cho vay ngang hàng, một kênh huy động vốn mà nhiều doanh nhân đang dựa dẫm.
Giờ đây, áp lực mới từ dịch viêm phổi đang đe dọa sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp ra rìa, giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc. Nền kinh tế này dễ bị tổn thương bởi có hơn 30 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ đóng góp hơn 80% công việc của đất nước, 60% GDP và hơn một nửa thu nhập từ thuế.
Doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc đang chật vật hơn bởi "vấn đề thiếu vốn kinh niên", Tommy Wu, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics, nhận định.
Không giống như các công ty đa quốc gia có tiềm lực tài chính mạnh như Apple, McDonald hay Foxconn đã chọn đóng cửa các cửa hàng hoặc nhà máy sản xuất vì dịch bệnh, các công ty nhỏ có ít khả năng và sự linh hoạt để chịu đựng sự gián đoạn trong thời gian dài.
Sự bùng phát vào năm 2003 của dịch SARS, đã kéo tuột doanh số bán lẻ, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến các doanh nghiệp chững lại.
Lần này, tác động kinh tế do Covid-19 có thể sẽ lớn hơn vì dịch đã lan rộng hơn. Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc hiện phụ thuộc nhiều hơn vào dịch vụ, chiếm hơn một nửa GDP so với một phần ba như hồi 17 năm trước.
Một phần ba chủ doanh nghiệp dự kiến doanh thu của họ sẽ giảm hơn một nửa trong năm nay và một phần năm dự kiến sa thải công nhân hoặc cắt giảm lương, theo một cuộc khảo sát gần đây với 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ do hai trường đại học hàng đầu Trung Quốc và một công ty Fintech thực hiện.
Chính quyền Trung Quốc cũng đã có những động thái cụ thể hơn để hỗ trợ nền kinh tế, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc hôm thứ tư đã kêu gọi điều chỉnh chính sách để hỗ trợ các công ty nội địa và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì công ăn việc làm. Chính phủ nước này cũng cho biết sẽ giảm tiền thuế và tiền thuê đất như một phần của kế hoạch khẩn cấp, giúp các công ty nhỏ duy trì hoạt động.
Các nhà quản lý tài chính của Trung Quốc đã khuyên ngân hàng giảm bớt áp lực cho các công ty chịu ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi, bằng cách trì hoãn trả nợ hoặc tính lãi ít hơn. Một vài trung tâm thương mại lớn đang miễn tiền thuê mặt bằng tháng 2 cho các nhà bán lẻ.