|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Phát biểu trấn an' của Tổng thống Trump làm nhà đầu tư thêm hoảng sợ

22:01 | 12/03/2020
Chia sẻ
Bài phát biểu của ông Trump hôm 11/3 đã không thể trấn an các nhà đầu tư mà còn mang lại thêm nhiều nỗi thất vọng. Hệ quả là thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu giảm sâu ngay từ đầu phiên 12/3, có lúc S&P 500 mất hơn 7% và cả thị trường phải tạm ngừng giao dịch 15 phút.
'Phát biểu trấn an' của Tổng thống Trump làm nhà đầu tư thêm hoảng sợ - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EPA-EFE

Trước đây, ông Trump đã nhiều lần kêu gọi người dân Mỹ "đừng lo lắng" trước COVID-19. Nhưng tuyên bố tối 11/3 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng COVID-19 là một đại dịch toàn cầu đã buộc Tổng thống Mỹ phải khẩn cấp đưa ra các biện pháp đối phó. 

Theo Bloomberg, trong bài phát biểu từ Phòng Bầu dục, ông Trump vẫn sử dụng các chiến thuật quen thuộc: nhanh chóng áp dụng lệnh cấm di chuyển từ châu Âu đến Mỹ, hỗ trợ cho người lao động và những doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ COVID-19.

Nhưng trái ngược với hôm 10/3, khi thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh sau khi có thông tin ông Trump đang xem xét một gói kích thích kinh tế để đối phó với tác động từ COVID-19; lần này, những phát biểu và biện pháp ông Trump công bố đã không thể trấn an nhà đầu tư.

'Phát biểu trấn an' của Tổng thống Trump làm nhà đầu tư thêm hoảng sợ - Ảnh 2.

Thông tin trái ngược

Những biện pháp mà Tổng thống Mỹ đưa ra dường như lại cho thấy rằng ông đang phải vật lộn để đối phó với đại dịch COVID-19.

Thậm chí bài phát biểu của ông khiến nhiều người cảm thấy bối rối hơn sau khi nghe xong, vì nhiều thông tin đưa ra đối lập chan chát với nhau.

Ông Trump nói rằng "mọi hoạt động di chuyển" từ châu Âu tới Mỹ đều sẽ bị cấm trong vòng 30 ngày. Cách nói của ông trong bài phát biểu ám chỉ rằng lệnh này sẽ không chỉ áp dụng đối với người, mà còn cả với hàng hóa được vận chuyển từ châu Âu.

Nhưng sau đó, ông Trump viết trên Twitter rằng thương mại hàng hóa sẽ không bị ảnh hưởng. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng đính chính rằng những hạn chế này áp dụng chung cho người nước ngoài đã đến Châu Âu trong vòng 14 ngày.

Ông Trump nói rằng các công ty bảo hiểm Mỹ đã đồng ý trả toàn bộ chi phí chữa trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Một nữ phát ngôn viên của hiệp hội bảo hiểm Mỹ (America's Health Insurance Plans) cho biết các thành viên của hội chỉ đồng ý chi trả phí xét nghiệm mà thôi.

Không đủ, không kịp thời

Bài phát biểu rõ ràng đã không gây được ấn tượng với các nhà đầu tư, những người đang mong chờ một kế hoạch kinh tế "rất lớn lao" mà ông Trump đã hứa hẹn từ đầu tuần.

Hợp đồng tương lai chứng khoán đã tụt dốc sau khi chi tiết về kế hoạch ông Trump dần được hé lộ. Đêm 11/3 theo giờ Mỹ, hợp đồng tương lai chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1.067 điểm. Hợp đồng tương lai các chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 cũng lao dốc tương tự.

Khi thị trường mở cửa chính thức sáng 12/3 theo giờ Mỹ, Dow Jones có lúc sụt 2.100 điểm, tương đương 9,2%. Chỉ số S&P 500 sụt hơn 7% và cả thị trường phải tạm ngừng giao dịch trong 15 phút. Khi giao dịch được nối lại, các chỉ số tiếp tục giảm sâu hơn.

Ông Nathan Thooft, người đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản toàn cầu của Manulife Investment Management nói: "Các nhà đầu tư đang chờ đợi những gói kích thích kinh tế táo bạo từ chính phủ. Nhưng cho đến giờ chúng tôi chưa có nhiều thông tin chi tiết. Nhiều người cũng không tin rằng chúng sẽ được công bố kịp thời".

Các đề xuất tham vọng nhất của ông Trump bao gồm cắt giảm thuế bảng lương (payroll tax) xuống 0% trong những tháng còn lại của năm 2020, thanh toán tiền lương cho những người không thể đi làm vì nhiễm COVID-19 hoặc bận chăm sóc người nhiễm bệnh, và cung cấp thêm các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ với tổng qui mô lên đến 50 tỉ USD.

Đề xuất cắt giảm thuế bảng lương đã được Tổng thống Trump đưa ra vào 9/3, nhưng cho đến nay, cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ vẫn rất thận trọng trong việc đưa ra bình luận về vấn đề này.

Chỉ ba tiếng sau bài phát biểu trên, Đảng Dân chủ đã công bố kế hoạch của riêng họ để hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ trước tác động từ COVID-19 với qui mô lớn hơn nhiều so với đề xuất của ông Trump.

Tổng thống Trump kêu gọi người dân Mỹ thường xuyên rửa tay và ở trong nhà nếu bị ốm nhưng ông không nói gì về việc sự chậm trễ của Mỹ trong việc xét nghiệm những người có biểu hiện nhiễm COVID-19. Chính điều này đã khiến cho các quan chức y tế nước Mỹ không nhận ra được mức độ lan rộng của dịch bệnh.

Giờ đây, khi COVID-19 đã được tuyên bố là đại dịch toàn cầu, ông Trump mới cố gắng bù đắp cho thiếu sót đó: "Số lượng các cuộc xét nghiệm và khả năng xét nghiệm đang được cải thiện nhanh chóng mỗi ngày".

Nhưng ngay trong những phút đầu của bài phát biểu của tổng thống Mỹ, hàng loạt các sự kiện đã nhanh chóng xảy ra, như thể minh họa cho mức độ của cuộc khủng hoảng. Ngôi sao phim ảnh Mỹ Tom Hanks và vợ của ông, nữ diễn viên Rita Wilson thông báo rằng họ đã nhiễm COVID-19.

Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) phải đình chỉ mùa giải sau khi vấn động viên Rudy Gobert của Utah Jazz dương tính với virus corona.

Twitter cho tất cả nhân viên làm việc tại nhà. Thượng nghị sĩ Maria Cantwell, một đảng viên Dân chủ bang Washington, cho biết một nhân viên ở văn phòng Washington của bà có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Từ trước hôm 11/3, những đánh giá của công chúng và phản ứng của thị trường tài chính về cách đối phó của ông Trump với đại dịch đã không mấy tốt đẹp.

Theo một cuộc khảo sát của Đại học Quinnipiac công bố hôm 9/3, chỉ 43% người Mỹ tán thành cách ông Trump xử lí COVID-19 và có đến 49% thì không hài lòng.

Giang