Sau khi tạm ngừng giao dịch 15 phút vì giảm quá sốc, chứng khoán Mỹ lại tiếp tục lao dốc
Xem thêm: Chứng khoán Mỹ hôm nay 13/3
Ngay khi thị trường vừa mở cửa phiên 12/3 được ít phút, các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm sâu trên 7% khiến thị trường phải tạm ngừng giao dịch 15 phút.
Theo qui định, khi chỉ số S&P 500 giảm quá các ngưỡng 7% hoặc 13% trong một phiên, thị trường ngừng giao dịch trong vòng 15 phút; nếu giảm quá 20%, thị trường sẽ dừng giao dịch cho tới phiên hôm sau.
Mục đích của qui định này là để các nhà đầu tư có thời gian bình tĩnh trở lại và tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn nhất, tránh hành động theo tâm lí bầy đàn.
Phiên 9/3, biện pháp ngừng giao dịch này đã được áp dụng và phần nào làm chậm lại đà giảm của thị trường.
Tuy nhiên trong phiên hôm nay 12/3, khi thị trường nối lại giao dịch sau những phút tạm nghỉ, các chỉ số tiếp tục cắm đầu lao dốc. Chỉ số S&P 500 sụt 8,3% và rơi vào vùng thị trường gấu, tức là giảm trên 20% so với đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 2 mới đây.
Nếu S&P 500 tiếp tục giảm quá ngưỡng 13%, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ phải tạm ngừng giao dịch lần thứ hai trong phiên.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc "bay" gần 2.100 điểm, tương đương mức giảm 9,2%. Kết phiên 11/3, Dow Jones đã rơi vào thị trường gấu. Với mức giảm của phiên hôm nay, chỉ số này tiếp tục lún sâu vào vùng giá xuống. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 8,4%.
Trước khi thị trường chứng khoán cơ sở mở cửa, thị trường phái sinh Mỹ đã chứng kiến các hợp đồng tương lai gắn với ba chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq 100 đồng loạt giảm kịch sàn 5%.
Các cổ phiếu du thuyền chịu thiệt hại nặng nề nhất trong phiên bán tháo 12/3, Royal Caribbean mất 26,6%; Carnival và Norwegian Cruise Line lao dốc lần lượt 19% và 27,6%.
Chỉ số biến động Cboe (VIX) – được coi là thước đo sự sợ hãi chính xác nhất của Wall Street, nhảy vọt lên hơn 66 điểm, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Hôm 11/3, Dow Jones đã chấm dứt giai đoạn thị trường giá lên kéo dài suốt 11 năm và đóng cửa trong vùng thị trường giá xuống (hay còn gọi là thị trường gấu, bear market). So với đỉnh lịch sử thiết lập ngày 12/2/2020, Dow Jones đã sụt 20,3% (tính tới cuối phiên 11/3).
Trong bài phát biểu trước báo giới hôm 11/3, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ áp lệnh cấm di chuyển từ châu Âu tới Mỹ trong 30 ngày tới để ngăn sự lây lan của dịch COVID-19. Lệnh cấm này không áp dụng với các chuyến đi từ Anh và Ireland, mặc dù Anh là một trong những ổ dịch lớn và diễn biến phức tạp nhất châu Âu.
Ông Trump cũng cho biết chính quyền của ông sẽ cung cấp các hỗ trợ tài chính cho người lao động bị ốm hoặc phải chăm sóc người nhiễm COVID-19 hoặc đang bị cách li.
Ít ngày trước, ông Trump đã đưa ra đề xuất hạ thuế bảng lương (payroll tax) xuống còn 0% trong những tháng còn lại của năm 2020. Hôm 11/3, Tổng thống Trump khẳng định thêm rằng ông sẽ chỉ thị cho Cơ quan quản lí doanh nghiệp nhỏ (SBA) "cung cấp vốn và thanh khoản" cho các công ty qui mô nhỏ.
Tuy nhiên những tuyên bố thiếu cụ thể này Tổng thống Trump dường như chưa đủ để trấn an đông đảo nhà đầu tư đang mong đợi các biện pháp tài khóa mạnh tay để ngăn chặn nguy cơ kinh tế giảm tốc vì dịch COVID-19.
CNBC dẫn lời ông Ernie Tedeschi – nhà phân tích chính sách tại công ty nghiên cứu Evercore ISI nhận định: "Tổng thống Trump đã không đưa ra ý tưởng mới lớn lao nào về kích thích kinh tế và chỉ nói rằng ông sẽ đề xuất lên quốc hội một chính sách giảm thuế bảng lương rất mơ hồ. Ông cũng không cam kết một qui mô chắc chắn với gói hỗ trợ. Như vậy chẳng khác nào ông Trump đẩy trách nhiệm về phía quốc hội khi mà quốc hội Mỹ vẫn dự định sẽ tạm nghỉ trong tuần sau".
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các chỉ số chứng khoán Stoxx 600 của toàn khu vực châu Âu, chỉ số CAC của Pháp, FTSE của Anh và DAX của Đức cùng sụt 10% sau tuyên bố về chính sách cấm di chuyển từ châu Âu sang Mỹ của Tổng thống Trump. Nhiều cổ phiếu sụt 20-30%.