|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Từ thị trường chứng khoán đến dịch COVID-19: Đừng để bị biểu đồ đánh lừa

17:53 | 04/03/2020
Chia sẻ
Diễn đạt trực quan có thể tạo ấn tượng nhanh và mạnh lên người xem, đúng như câu “Một bức hình có giá trị hơn vạn lời nói”. Tuy nhiên đôi mắt con người rất dễ bị đánh lừa và khi diễn đạt sai, hậu quả có thể rất tai hại.

Cuộc Đại Khủng hoảng 1929-1933 cho đến nay vẫn là thời kì suy sụp nhanh và mạnh nhất của thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và chứng khoán thế giới nói chung, bỏ xa cuộc Đại Suy thoái 2008-2009.

Tuy nhiên khi thể hiện chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lên đồ thị tuyến tính (dùng số điểm cuối mỗi phiên giao dịch, có sao vẽ vậy), người xem sẽ nhìn thấy thị trường năm 2008 như rơi xuống vực sâu còn năm 1929 chỉ như một mô đất nhỏ xíu trên đường làng.

Từ thị trường chứng khoán đến dịch COVID-19: Đừng để bị biểu đồ đánh lừa - Ảnh 1.

Lí do là giá trị của Dow Jones năm 1929 còn rất nhỏ, chỉ khoảng gần 400 điểm, nên dù giảm 50% thì cũng chỉ là biến động khoảng 200 điểm. Trong khi đó năm 2008, Dow Jones đang ở trên ngưỡng 14.000 điểm, chỉ cần sụt khoảng 20% thì chênh lệch trước - sau đã lên tới 2.800 điểm.

Mà biểu đồ tuyến tính lại có đặc điểm là những khoảng giá trị bằng nhau sẽ được biểu diễn bằng những đoạn thẳng bằng nhau (như các khoảng 5.000 điểm biểu diễn ở trên), do vậy sự sụt giảm sốc theo tỉ lệ % của năm 1929 gần như mất hút khi so với mức giảm tính theo điểm số của năm 2008.

Muốn so sánh sự biến động về tỉ lệ % qua các thời kì có giá trị tuyệt đối khác nhau quá lớn như với trường hợp chỉ số Dow Jones nói trên, người đọc cần sử dụng biểu đồ theo dạng logarit.

Biểu đồ logarit có đặc điểm là thể hiện chính xác về mặt trực quan những biến động theo tỉ lệ % mặc dù chênh lệch về giá trị tuyệt đối có thể khác nhau rất xa. Trên thang đo logarit, các khoảng giá trị ban đầu có giá trị rất nhỏ nhưng được thể hiện bằng các doạn dài tương đương với khoảng giá trị rất lớn phía sau.

Trong biểu đồ logarit của Dow Jones dưới đây, khoảng cách 900 điểm từ 100 đến 1.000 được biểu diễn bằng đoạn thẳng dài tương đương với khoảng cách 9.000 điểm từ 1.000 lên 10.000.

Từ thị trường chứng khoán đến dịch COVID-19: Đừng để bị biểu đồ đánh lừa - Ảnh 2.

Nhờ đặc điểm này, biểu đồ logarit đã thể hiện đúng tương quan giữa các đợt suy thoái của thị trường chứng khoán tính theo tỉ lệ % và do vậy là công cụ không thể thiếu trong các phần mềm phân tích kĩ thuật.

So với cuộc Đại Khủng hoảng 1929, biến cố năm 2008 quả thực chỉ đáng tuổi con cháu.

Vì biểu đồ dạng tuyến tính tạo ra ảo giác giảm sâu, tăng sốc trong những khoảng thời gian gần đây nhất nên chúng thường bị gán cho biệt danh là "biểu đồ hoảng loạn". Chẳng hạn như với biểu đồ chỉ số Dow Jones ở trên, cú rơi năm 2008 là rất ghê gớm nhưng chưa thấm vào đâu so với năm 1929; hay giá trị nợ công của các nước hiện nay có thể rất cao nhưng tốc độ tăng không có gì là đột biến so với quá khứ.

Từ thị trường chứng khoán đến dịch COVID-19: Đừng để bị biểu đồ đánh lừa - Ảnh 3.

Đặc tính của biểu đồ logarit có thể được thể hiện một cách rõ ràng hơn nữa thông qua ví dụ giả định sau đây: Một tỉnh ban đầu có 1 chiếc TV, cứ sau một tuần, số TV tại tỉnh này sẽ tăng gấp đôi, tức là lên 2, 4, 8, 16, 32, … 1.024, 2.048, … chiếc.

Nếu cứ "có sao vẽ vậy", tức là thể hiện trực tiếp số TV lên đồ thị tuyến tính, người xem sẽ thấy trong khoảng 4-5 tuần đầu tiên số TV gần như chỉ đi ngang còn trong các tuần 9, 10, 11 thì số lượng lại tăng sốc. Tuy nhiên thực tế là tốc độ tăng không thay đổi, luôn luôn là 100%/tuần.

Nếu thể hiện theo đồ thị dạng logarit (bất kể cơ số nào), đồ thị số TV sẽ là một đường thẳng tắp.

Từ thị trường chứng khoán đến dịch COVID-19: Đừng để bị biểu đồ đánh lừa - Ảnh 4.

Thử áp dụng biểu đồ logarit vào một chủ đề đang được quan tâm hiện nay là dịch COVID-19, người xem cũng có thể rút ra những kết luận trực quan chính xác.

Trang Worldometers.info có số liệu thống kê tương đối đầy đủ và chi tiết về tình hình dịch COVID-19 trên thế giới. Thử nhìn vào biểu đồ tuyến tính dưới đây về số ca xác nhận nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc, trông cũng tăng sốc không khác gì biểu đồ tuyến tính giả định về số TV nói trên và nhiều người xem sẽ vô cùng hoảng hốt.

Tuy nhiên khi vẽ biểu đồ logarit, người xem sẽ thấy một đường tương đối thẳng, cho thấy tốc độ tăng số ca bệnh bên ngoài Trung Quốc không thay đổi quá đột biến.

Từ thị trường chứng khoán đến dịch COVID-19: Đừng để bị biểu đồ đánh lừa - Ảnh 5.

Nếu nhìn vào biểu đồ logarit tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới (bao gồm Trung Quốc), người xem còn có lí do để thấy lạc quan hơn nữa khi tốc độ tăng số ca bệnh đã chậm lại đáng kể.

Quả thực trong khoảng 10 ngày qua, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đã được kiểm soát khá tốt, vẫn còn nhiều người xác nhận nhiễm mới và tử vong hàng ngày nhưng không còn nhiều như trước. Một bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại tâm dịch Vũ Hán thậm chí còn được đóng cửa vì bệnh nhân đã xuất viện hết.

Trong khi đó tốc độ tăng của số ca nhiễm COVID-19 ở bên ngoài Trung Quốc không hạ nhiệt do sự xuất hiện của các điểm nóng mới như Hàn Quốc, Italy, Iran, …

Từ thị trường chứng khoán đến dịch COVID-19: Đừng để bị biểu đồ đánh lừa - Ảnh 6.

Một thủ đoạn "reo rắc nỗi kinh hoàng" khác là thay đổi giá trị bắt đầu trên trục tọa độ của biểu đồ. Chẳng hạn số ca nhiễm mới của dịch COVID-19 trong 4 ngày lần lượt là 1.989, 1.977, 1.859 và 2.572 ca. Nếu vẽ biểu đồ như bình thường, người xem sẽ thấy số ca nhiễm mới tăng lên trong ngày cuối cùng, nhưng mức tăng chưa thể gọi là sốc.

Tuy nhiên nếu người vẽ, vì lí do nào đó, muốn gây ấn tượng mạnh với người xem thì gốc tọa độ có thể được lấy từ mốc 1.800 thay vì 0. Lúc này, số ca nhiễm bệnh dường như đã vọt lên tận mây xanh.

Từ thị trường chứng khoán đến dịch COVID-19: Đừng để bị biểu đồ đánh lừa - Ảnh 7.

Nhiều trang tin, hãng thông tấn trong và ngoài nước vẫn thường thay đổi điểm bắt đầu của trục tọa độ để nhấn mạnh sự biến động của số liệu. Chẳng hạn biểu đồ dưới đây của Bloomberg thể hiện cú giảm sâu 9% của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong phiên giao dịch đầu xuân Canh Tý 3/2 giữa bối cảnh nhà đầu tư lo ngại dịch COVID-19 lây lan nhanh có thể làm tê liệt toàn bộ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bao nhiêu cảm xúc lo sợ bị dồn nén trong đợt nghỉ Tết kéo dài được nhà đầu tư đem ra thổ lộ trong phiên 3/2, khiến thị trường đồng loạt giảm sâu ngay khi thị trường mở cửa.

Giảm 9% chỉ trong ít phút giao dịch thì đúng là ác liệt thật, nhưng cũng nên lưu ý rằng chỉ số CSI giảm từ 3.000 về gần 2.700 chứ không phải về gần 0.

Từ thị trường chứng khoán đến dịch COVID-19: Đừng để bị biểu đồ đánh lừa - Ảnh 8.

Song Ngọc