|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dow Jones lao dốc gần 800 điểm dù Fed hạ lãi suất khẩn cấp, Tổng thống Trump đòi Fed phải giảm thêm

06:50 | 04/03/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 3/3 đóng cửa giảm sâu sau khi quyết định hạ lãi suất khẩn cấp của Fed nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế của dịch virus corona đã không thể trấn an được các nhà đầu tư.

Xem thêm: Chứng khoán Mỹ ngày 5/3

Sáng 3/3 theo giờ Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo hạ lãi suất quĩ liên bang 0,5 điểm % xuống khoảng mục tiêu mới là 1 – 1,25%. Quyết định này của Fed đã gây bất ngờ cho thị trường chứng khoán Mỹ do đa phần nhà đầu tư và giới quan sát kì vọng phải đến cuộc họp định kì ngày 17-18/3 Fed mới hạ lãi suất.

Động thái chính sách này cho thấy Fed nhận thức rõ tính cấp bách của vấn đề và quyết định hành động ngay nhằm ứng phó với tác động kinh tế của dịch virus corona (COVID-19) đang lây lan ở nhiều nước, trong đó có Mỹ. Đây là lần đầu tiên Fed hạ lãi suất khẩn cấp (khi chưa tới lịch họp chính thức) kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Sau thông tin Fed hạ lãi suất được công bố, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones chuyển từ giảm sâu sang tăng sốc hơn 300 điểm rồi biến động giằng co và cuối cùng chìm trong sắc đỏ.

Dow Jones lao dốc gần 800 điểm dù Fed hạ lãi suất khẩn cấp, Tổng thống Trump đòi Fed phải giảm thêm - Ảnh 1.

Kết phiên 3/3, Dow Jones sụt gần 786 điểm, tức 2,94% và đóng cửa ở dưới mốc 26.000. Chỉ số S&P 500 mất 2,81% và kết phiên ở 3.003 điểm; Nasdaq Composite cũng sụt 3%.

Tương tự như tuần trước, dòng tiền sau khi tháo chạy khỏi cổ phiếu đã tiếp tục chảy vào thị trường trái phiếu, đẩy giá lên cao và lợi suất xuống đáy mới. Cụ thể, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm giảm còn 0,906%, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử lợi suất này rơi xuống dưới ngưỡng 1%.

Giá một tài sản an toàn khác là vàng tăng 2,9% lên 1.644,4 USD/ounce.

Ông Jim Cramer, Chuyên gia thị trường chứng khoán của hãng tin CNBC nhận định ngay sau khi Fed hạ lãi suất: "Việc Fed nhận ra rủi ro và hành động là tín hiệu tốt. Nhưng giờ đây tôi lại cảm thấy rủi ro có thể còn lớn hơn mà lúc trước tôi nghĩ. Tôi thấy rất lo lắng, lo hơn cả lúc Fed chưa hạ lãi suất".

Theo CNBC, các nhà đầu tư đã định giá khả năng Fed hạ lãi suất 50 điểm cơ bản từ trong phiên giao dịch 2/3 khi Dow Jones bất ngờ tăng sốc gần 1.300 điểm. Do đó thông báo hạ lãi suất của ngày 3/3 không còn khả năng đẩy thị trường đi lên đáng kể.

Dow Jones lao dốc gần 800 điểm dù Fed hạ lãi suất khẩn cấp, Tổng thống Trump đòi Fed phải giảm thêm - Ảnh 2.

Trái lại, trong cuộc họp báo sau quyết định lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương này chưa có kế hoạch sử dụng các công cụ chính sách khác để kích thích nền kinh tế. Có thể thông tin này đã làm thất vọng một số nhà đầu tư trên Phố Wall - những người từng chờ đợi nhiều biện pháp mạnh tay hơn từ Fed.

Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt đi xuống theo lợi suất trái phiếu. Bank of America sụt 5,5% trong khi JP Morgan Chase và Citigroup cùng mất 3,8%.

Chỉ vài phút sau khi Fed thông báo hạ lãi suất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tweet gây áp lực, yêu cầu Fed tiếp tục nới lỏng tiền tệ:

"Fed đang hạ lãi suất nhưng cần tiếp tục nới lỏng hơn nữa và quan trọng là phải hành động tương xứng với các quốc gia/đối thủ của Mỹ. Chúng ta đang ở trên một sân chơi không bình đẳng. Không công bằng cho nước Mỹ. Đã đến lúc Fed phải thể hiện vai trò dẫn dắt. Nới lỏng tiền tệ và hạ lãi suất thêm đi!"

Trước đó vào hôm 2/3, ông Trump đã đăng tweet phàn nàn: "Fed buộc nước Mỹ phải trả lãi suất cao trong khi lẽ ra chúng ta chỉ phải trả lãi suất thấp. Tác động tiêu cực đến xuất khẩu và khiến nước Mỹ bất lợi trong cạnh tranh với các nước khác. Đúng ra phải nới lỏng tiền tệ và giảm mạnh lãi suất".

Quyết định giảm lãi suất 50 điểm cơ bản được Fed đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Fed Jerome Powell, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương của các quốc gia khác trong khối G-7. 

Trong thông cáo sau cuộc điện đàm, G-7 cho biết khối này sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách cần thiết để ngăn nền kinh tế giảm tốc vì dịch COVID-19. Tuy nhiên thông cáo không nêu ra bất kì biện pháp cụ thể nào".

Theo thống kê của South China Morning Post (SCMP), tính đến nay thế giới đã ghi nhận hơn 92.000 người nhiễm dịch COVID-19, trong đó có 3.135 người tử vong và 48.000 người bình phục. Dịch bệnh này khởi phát và từng lây lan nhanh ở Trung Quốc nhưng đến nay tình hình tại đất nước tỉ dân đã tạm lắng dịu.

Thay vào đó, số ca xác nhận nhiễm mới ở các quốc gia khác như Hàn Quốc, Italy, Iran và cả Mỹ lại đang tăng nhanh. Đến nay Mỹ đã xác nhận 103 trường hợp nhiễm và 9 ca tử vong vì COVID-19.

Ông Tony Dwyer, Giám đốc chiến lược chứng khoán Mỹ tại ngân hàng đầu tư Canaccord Genuity nhận định: "Tình hình càng chuyển biến xấu, khả năng càng cao là sẽ có các gói kích thích tiền tệ và tài khóa khổng lồ để ứng phó. Hiện vẫn chưa thể đánh giá tác động của COVID-19 lên kinh tế toàn cầu và EPS của doanh nghiệp khi số ca nhiễm toàn cầu vẫn đang tăng nhanh".

Phiên giảm sâu 3/3 diễn ra sau khi thị trường chứng khoán Mỹ bất ngờ hồi phục ngày 2/3, Dow Jones bật tăng 1.294 điểm – tương đương 5,1%. Tính theo điểm số, đây là phiên tăng mạnh nhất của Dow Jones trong lịch sử; tính theo tỉ lệ %, đây là phiên tăng mạnh nhất từ tháng 3/2009.

Trong tuần trước, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ đỏ lửa và giảm sâu toàn bộ 5 ngày trong tuần, Dow Jones mất tổng cộng 3.600 điểm.

Song Ngọc - Đức Quyền