4 bí ẩn đằng sau tỉ lệ tử vong của COVID-19: Nếu không hiểu cặn kẽ sẽ rất dễ kết luận sai lầm
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, tỉ lệ tử vong vì virus corona chủng mới trên toàn cầu hiện là 4,8%. Tính đến sáng ngày 31/3, thế giới ghi nhận 784.314 ca nhiễm COVID-19, với 37.638 trường hợp tử vong.
Để so sánh, tỉ lệ tử vong của dịch cúm theo mùa và của bệnh viêm phổi tại các nước phát triển lần lượt là 0,1% và 0,2%.
Tuy nhiên, con số 4,8% này không đáng tin cậy và rất dễ thay đổi trong tương lai, nên chính phủ các nước không thể dựa vào nó để điều chỉnh các biện pháp chống dịch COVID-19.
Theo Financial Times, tỉ lệ người chết vì căn bệnh này rất khác nhau giữa các quốc gia. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về dịch COVID-19, khiến việc tìm ra tỉ lệ tử vong chính xác là gần như bất khả thi. Thậm chí nhiều người còn hoài nghi số lượng người dương tính với COVID-19 do các quốc gia công bố.
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO chỉ ra 4 nguyên nhân tạo ra sự khác biệt về tỉ lệ tử vong giữa các nước: đối tượng mắc bệnh, dịch bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nào, số lượng các xét nghiệm được thực hiện và tình trạng của hệ thống y tế.
Ngoài ra vẫn còn những yếu tố khác cần cân nhắc, ví dụ như có bao nhiêu người nhiễm COVID-19 sẽ chết kể cả nếu như đại dịch không nổ ra. Thông thường, có 56 triệu người chết trên toàn thế giới mỗi năm, tính trung bình một ngày là 153.000 người.
Xét nghiệm không đầy đủ
Có thể coi ẩn số lớn nhất về COVID-19 là số lượng người thực sự nhiễm virus này. Sự thiếu sót về thông tin này khiến cho các nhà khoa học không thể tìm được tỉ lệ tử vong chính xác.
Rất nhiều người nhiễm COVID-19 mà không có biểu hiện mắc bệnh hoặc chỉ có biểu hiện nhẹ, và sẽ không được tính trong số liệu cho đến khi họ được xét nghiệm.
Do năng lực xét nghiệm của các nước là không giống nhau, nên khoảng cách giữa số liệu thực tế và số liệu được báo cáo tại các quốc gia cũng khác nhau.
Ông John Ioannidis, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Stanford, tuyên bố những dữ liệu mà chúng ta có về dịch bệnh này là "hoàn toàn không đáng tin cậy".
"Chúng ta không biết các kết quả xét nghiệm được công bố đang bỏ sót bao nhiêu người thực sự nhiễm COVID-19. Nếu có thêm hàng nghìn người đang mắc căn bệnh này nhưng chưa được phát hiện, thì tỉ lệ tử vong hiện tại là quá lớn so với thực tế".
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hong Kong ước tính tỉ lệ người tử vong vì COVID-19 tại Vũ Hán là 1,4%. Con số này thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 4,8% được tính ở trên dựa theo số liệu Đại học Johns Hopkins tổng hợp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Anh chỉ thực hiện xét nghiệm COVID-19 đối với những trường hợp có biểu hiện nhiễm bệnh nghiêm trọng nhất. Đến sáng 31/3, tỉ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này là 6,27%, với 1.408 ca tử vong trong tổng số 22.453 trường hợp nhiễm bệnh.
Bà Rosalind Smyth, giáo sư về sức khỏe trẻ em tại Đại học UCL cho biết dữ liệu COVID-19 chính thức của Anh "gây hiểu lầm đến mức chúng không nên được sử dụng".
Theo giáo sư Smyth, kể cả theo những ước tính lạc quan nhất, số người thực sự nhiễm COVID-19 tại Anh "nhiều khả năng cao gấp 5-10 lần" con số được công bố.
Độ tuổi của người nhiễm bệnh
Tỉ lệ tử vong phụ thuộc nhiều vào đối tượng nhiễm COVID-19 là người già hay người trẻ, và liệu họ có sẵn bệnh lí nền nào không. Thông thường, bệnh tình của người cao tuổi rất dễ trở nặng và dẫn đến cái chết.
Nhưng ông Robin May, giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học Birmingham lưu ý rằng: "Có những cụ già 70 tuổi phải ngồi xe lăn, nhưng tầm tuổi đấy nhiều người vẫn có thể chạy bộ hàng cây số mỗi tuần".
WHO cũng cảnh báo rằng người trẻ tuổi không phải là "bất khả chiến bại" trước virus này, mọi người đều phải chú ý tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Italy là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới, với số ca tử vong là 11.591 trên tổng cộng 101.739 người nhiễm bệnh. Tỉ lệ tử vong ở nước này lên đến 10,8%. Nhưng độ tuổi trung bình của những người xác nhận dương tính là 62, và phần lớn những người chết đều đã 60 tuổi hoặc hơn.
Tiến sĩ Mike Ryan của WHO nhận xét: "Từ lâu, Italy là ví dụ hoàn hảo cho thấy những người khỏe mạnh thường sẽ sống thọ. Thật không may, trong trường hợp về COVID-19, dân số già đồng nghĩa với việc tỉ lệ tử vong có vẻ cao hơn, do có sự khác biệt về phân bố độ tuổi trong dân số".
Ngoài ra, các nước khác nhau cũng báo cáo trường hợp nhiễm bệnh và tử vong theo những tiêu chí khác nhau.
Tại Italy, COVID-19 được xác định là nguyên nhân dẫn đến cái chết kể cả khi bệnh nhân đã có sẵn bệnh lí nền, và tử vong do kết quả của nhiều bệnh tật kết hợp với nhau.
Tuần trước, cố vấn khoa học cho Bộ trưởng Bộ Y tế Italy tuyên bố: "Chỉ 12% số ca tử vong có nguyên nhân trực tiếp là COVID-19".
Chính phủ Tây Ban Nha chỉ đơn giản là liệt kê có bao nhiêu người mắc COVID-19 đã được xác nhận tử vong, và không cung cấp thêm thông tin về bất kì tình trạng y tế nào khác.
Theo Financial Times, tại Hàn Quốc, nơi có dân số trẻ hơn Italy, có khoảng 1/3 trường hợp xác nhận nhiễm COVID-19 là những người từ 30 tuổi trở xuống. Cho đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 158 trường hợp tử vong trong số 9.661 ca nhiễm, tỉ lệ tử vong là 1,6%.
Đức hiện đang là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới với 68.885 ca nhiễm, 645 ca tử vong. Phần lớn những người nhiễm COVID-19 nằm trong độ tuổi từ 15 đến 59 tuổi. Tỉ lệ tử vong tại nước này là hiện đang là 0,9%, thấp hơn nhiều so với Anh hay Italy.
Một trong những nguyên nhân có thể là do nước này có năng lực xét nghiệm tốt, và đã tiến hành xét nghiệm cho cả những người có triệu chứng nhẹ từ sớm.
Rủi ro tử vong vì những nguyên nhân khác
Tại Anh, hàng năm có khoảng 150.000 người chết trong khoảng thời gian giữa tháng 1 và tháng 3. Đến thời điểm hiện tại, phần đông người chết vì COVID-19 tại nước này đều từ 70 tuổi trở lên, hoặc có các bệnh lí nền nghiêm trọng từ trước.
Một trong những yếu tố không rõ ràng là liệu có bao nhiêu ca tử vong vẫn sẽ xảy ra kể cả nếu như những người này không nhiễm COVID-19.
Tại phiên điều trần trước quốc hội tuần trước, Giáo sư Neil Ferguson, Giám đốc Trung tâm phân tích bệnh truyền nhiễm toàn cầu MRC tại Đại học Hoàng gia London cho biết hiện vẫn chưa rõ hiện ở Anh có bao nhiêu ca tử vong "vượt quá mức thông thường" do COVID-19 gây ra.
Tuy nhiên, ông cho biết số bệnh nhân nếu không tử vong vì COVID-19 thì cũng chết vì những căn nguyên khác "có thể chiếm đến một nửa hoặc 2/3" số trường hợp được xác định là chết vì COVID-19 hiện nay.
Hệ thống y tế có được chuẩn bị sẵn sàng hay không
Một trong những yếu tố chủ chốt đối với tỉ lệ tử vong là hệ thống y tế của một nước có kịp chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với COVID-19 hay không.
Nếu hệ thống y tế bị quá tải, như tình trạng đã xảy ra với Italy và một số vùng tại Trung Quốc, chất lượng chăm sóc mà bệnh nhân nhận được nhiều khả năng sẽ sụt giảm và làm tăng tỉ lệ tử vong.
Tại một bệnh viện trong vùng Lombardy ở Italy, các bác sĩ thậm chí còn phải sử dụng mặt nạ lặn để gắn ống thở ô-xy cho bệnh nhân, do nơi này thiếu hụt thiết bị y tế trầm trọng.
Tuần trước, Tiến sĩ Ryan của WHO nói rằng việc các bác sĩ trong vùng Lombardy "đang cứu sống được nhiều bệnh nhân đến vậy là cả một phép màu", do số lượng người bệnh thuộc diện cần được chăm sóc đặc biệt là rất lớn.
Một chuyên gia cho rằng "chưa chắc Anh và Đức sẽ lặp lại tình cảnh của Italy", vì "không ai có thể rút ra được kết luận chắc chắn từ đường cong được biểu diễn trên một đồ thị".
Việc nằm trong giai đoạn đầu của đường cong đại dịch mang lại cho các quốc gia nhiều thời gian hơn để chuẩn bị các biện pháp đối phó, và học hỏi được kinh nghiệm từ những nước khác.